Đã có lần, trước nỗi buồn tẻ và ảm đạm của kịch nghệ miền Bắc, nghệ sỹ hài Vân Dung từng nói rằng mình “thèm thuồng” khi sân khấu phía Nam luôn “đỏ đèn” với các vở kịch cháy vé, suất diễn dày đặc… Thế nhưng, cái sự “thèm” của Vân Dung chắc cũng không kéo dài quá lâu bởi thời kỳ huy hoàng của các sàn diễn 5B Võ Văn Tần, Idecaf, Phú Nhuận… cũng nhanh qua.

Sài Gòn luôn là miền đất hứa của giới văn nghệ sỹ nhưng cũng là nơi đào thải nghiệt ngã nhất. Khán giả có nhiều sự lựa chọn bởi các rạp chiếu phim nở rộ với tổ hợp dịch vụ giải trí, các kênh truyền hình mọc ra “như nấm sau mưa” kèm thực đơn lạ miệng như gameshow, hài kịch... Những nghệ sỹ sân khấu kỳ cựu chứng kiến từng lớp khán giả đi qua, và dù nỗ lực đến mấy họ cũng đuối sức trong việc thu hút lớp khán giả kế cận vốn đang bội thực lựa chọn giải trí. 

Nhiều sân khấu kịch chết yểu, có những vở diễn chỉ bán nhỏ giọt được vài chục vé, nợ tiền thù lao diễn viên, phải hoàn tiền cho khán giả. Nghệ sỹ Hồng Vân thừa nhận, sau ngần ấy năm làm “bầu”, chưa bao giờ chị gian nan đến thế. Rời xa “thánh đường nghệ thuật”, nhiều nghệ sỹ chấp nhận từ bỏ sự sang trọng để chơi gameshow, diễn hài kịch.

Không chỉ có nghệ sỹ kịch nói, truyền hình thực tế Việt còn chứng kiến nhiều sự lấn sân của nhiều mảng miếng khác. Kết quả là, nhiều nghệ sỹ phát hiện mình “đa tài” hơn, khi diễn viên đi thi hát, ca sỹ đi tấu hài, nghệ sỹ kịch nói, người dẫn chương trình đi thi… nhảy.

Hay đâu chưa biết, nhưng nhiều thảm hoạ đã xảy ra, và nhiều người đã ví von truyền hình thực tế Việt Nam thời điểm hiện tại không khác gì một "bãi rác văn hoá".

thumbnail_4x3_1_1494738570907_qoez.png
Ca sĩ Thanh Duy tại gameshow "Siêu sao đoán chữ".

Thế nhưng, khi tham gia cuộc chơi, nhiều nghệ sỹ quên mất một điều phải chấp nhận luật chơi, kể cả khi luật chơi ấy có nghiệt ngã đến mức nào. Để đảm bảo rating, nhà sản xuất phải dùng chiêu trò, mà chiêu trò thì muôn hình vạn trạng: đồng tính, dị tính, tiếng lóng, từ ngữ thô tục, hài nhảm đến bới móc chuyện đời tư nghệ sỹ.  

Người ta trách Hương Giang Idol và xót xa cho Trung Dân khi ông là bậc cha chú lại bị một người đáng tuổi cháu “tấu hài” rằng “đút đầu vô cầu tiêu”. MC Ngọc Trai đã kể lại rằng khi bỏ về vì quá bất mãn, nghệ sỹ Trung Dân đã khóc.

Từ giọt nước mắt của ca sỹ Minh Hằng tố bị Hồ Ngọc Hà chèn ép tại ghế nóng The Face đến giọt nước mắt của nghệ sỹ Trung Dân vì bị đối xử kém văn hoá, mới thấy rằng truyền hình thực tế Việt không thể trơn tru, sạch sẽ, không chiêu trò và cũng không dành cho những người “ngây thơ”.

Nghệ sỹ Trung Dân từng nói “Nghệ sĩ xứ mình như dòng sông chảy xiết. Gameshow là những bụi lục bình trôi nổi trên dòng sông đó. Lục bình trổ hoa nhưng cũng đầy rác hôi thối dưới những chùm rễ”. Có lẽ do không lường trước được “rác”, nên khi bơi theo “dòng sông chảy xiết” đó, nghệ sỹ Trung Dân đã phần nào đuối sức.

Nghệ sỹ Trung Dân đã phần nào đuối sức khi bơi theo "dòng sông chảy siết" của gameshow?

Trong gameshow “Siêu sao đoán chữ” này còn có câu hỏi: “Hương Giang kể rằng, khi tôi còn bé thậm chí con chó cũng ghét tôi. Cách duy nhất để con chó đến gần tôi là tôi phải ăn mặc như một con...". Và các đáp án được tham luận viên và người chơi đưa ra cũng khiến Hương Giang - đang là một tham luận viên của chương trình - cũng vô cùng sốc: “như một con cún”, “như một con chó cái”, “chó mẹ”…

Và một câu hỏi khác "Tôi có xem một bộ phim tối hôm qua, trong phim bạn trai của nhân vật chính là một tên cướp nhà băng lạ lùng nhất thế giới. Thay vì trùm vớ lên đầu thì hắn ta lại trùm [...] lên đầu". Câu trả lời bất ngờ nhất là từ danh hài Tiết Cương với chữ "Lờ".

Người Việt vốn rất coi trọng lời ăn tiếng nói. Trong đời sống hàng ngày còn giữ gìn kỹ lưỡng huống hồ nói đến chuyện trên sóng truyền hình. Hương Giang Idol đã quên “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, cô đã khóc và đã xin lỗi. Sự cố của cô cũng là bài học cho nhiều nghệ sỹ khi tham gia truyền hình thực tế. Bởi những ngôn từ thô tục nhằm mua một vài tiếng cười dễ dãi sẽ khiến chính nghệ sỹ tự đào hố chôn mình và khán giả quay lưng.

Hương Giang Idol khóc và xin lỗi sau sự cố tại "Siêu sao đoán chữ". Ảnh: Trí thức trẻ.

Trên thế giới, những chương trình truyền hình thực tế như “The Voice” hay “X-Factor”… không những sống sót mà còn sống khoẻ với lượng rating cực cao bởi dàn giám khảo chuyên nghiệp, thí sinh chất lượng, chương trình có nội dung hay. Và để đảm bảo cho “nồi cơm Thạch Sanh” của các nhà sản xuất chương trình không bao giờ vơi, khán giả Việt có lẽ đã phải chịu thiệt thòi quá lâu bởi sự quan liêu, thờ ơ của nhà đài và chính sách thả nổi của các cơ quan Nhà nước, bên cạnh những cú gật đầu và bắt tay dễ dãi của nghệ sỹ.

Bao giờ truyền hình thực tế Việt mới đi từ nội dung, từ khán giả, vì khán giả?./.