Hà Nội bước vào Thu, mỗi năm lại khiến chúng ta gợi nhớ về những ngày “Sao Tháng Tám”. Tới nay, sau tròn 4 thập kỷ, dàn diễn viên Sao Tháng Tám người còn, kẻ mất. Song hình ảnh của người cán bộ Việt Minh cốt cán – Chị Nhu (NSƯT Thanh Tú), vẫn ghi dấu ấn đậm trong lòng khán giả.

142411-2.jpg

Chị Nhu - Cán bộ Việt Minh trong "Sao Tháng tám" là vai diễn để đời của NSƯT Thanh Tú

Tôi đã thuộc về quá khứ rồi

NSƯT Thanh Tú vốn là diễn viên sân khấu kịch nhưng với điện ảnh Bà cũng gặt hái không ít thành công. Trước khi đến với Sao Tháng Tám (1976),NSƯT Thanh Tú từng tham gia các phimBiển lửa, Tiền tuyến gọi...nhưng phải đến khi hóa thân vào vai người cán bộ Việt Minh can trường, xuất thân từ bần cố nông tên Nhu, Thanh Tú mới có được vai diễn để đời của mình và giành giải Bông Sen Vàng cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất năm 1977.

Trò chuyện với bà vào một ngày tháng 8 hôm nay, Chị Nhu hồi tưởng: “Tôi đến với vai diễn Nhu trong Sao Tháng Tám rất tình cờ. Năm 1976, khi đạo diễn Trần Đắc thấy đạo diễn Phạm Văn Khoa đang thử vai cho tôi để vào phim Chị Dậu, ông đã 'nhặt' tôi vào luôn vai Nhu. Lúc đạo diễn Trần Đắc quyết định chọn tôi, giám đốc hãng phim không đồng ý. Ông cho rằng tôi không phù hợp với vai nữ chiến sĩ chịu khổ chịu sở để hy sinh cho cách mạng nhưng đạo diễn Trần Đắc vẫn không thay đổi ý định. Bằng sự động viên, chỉ bảo tận tình của ông, tôi đã làm cho mọi người phải quên đi những vai diễn 'tiểu thư phố cổ' trước đó của mình”.

Hình ảnh diễn viên Thanh Tú thời trẻ.

Chính Sao Tháng Támđã mang lại cho bà đỉnh cao của danh vọng, nhưng rồi kể từ đó bà cũng không tham gia bất kỳ tác phẩm điện ảnh nào nữa. Dần dần Thanh Tú cũng biến mất khỏi sân khấu. Hỏi bà có bao giờ ân hận vì quyết định của mình không? Thanh Tú chỉ cười: “Con người ta ở đời để từ bỏ được danh vọng thực khó khăn. Ngày đó, tôi cảm thấy cuộc đời mình như được trải thảm đỏ, liên miên đi diễn, được chào đón, được tung hô. Tôi không bao giờ có thể vượt qua được cái bóng của chính mình. Thế nên tôi không ào ào đi theo hào quang nữa. Cuộc đời mình đã được hưởng quá nhiều rồi”.

Với Thanh Tú, Sao Tháng Támlà một hồi ức đẹp trong cuộc đời nữ nghệ sỹ. Thời gian có thể đổi thay nhưng dấu ấn lịch sử, chứng nhân lịch sử thì người ta vẫn còn nhắc nhớ. Bởi vậy mà Bà nói vui rằng: “Năm nào cứ đến ngày này tôi chả được 'giỗ' cùng Sao Tháng Tám”.

Bà là một diễn viên tài năng. Điều đó không ai phủ nhận. Bà cũng là người sở hữu những vai diễn vượt thời gian, điều này cũng đã được lịch sử điện ảnh chứng minh. Thắc mắc tại sao Thanh Tú không làm hồ sơ xét duyệt nghệ sĩ nhân dân, giải thưởng Hồ Chí Minh? Bà chia sẻ: “Khao khát lớn nhất của tôi là được làm nghề, được là Thanh Tú như người ta vẫn thấy. Danh xưng nó không làm nên vị trí của người nghệ sĩ trong lòng công chúng. Tài năng, cống hiến nghề nghiệp đến đâu sẽ có khán giả người ta ghi nhận. Tôi không chạy theo những phù phiếm bề ngoài, bởi tôi thấu hiểu giá trị của hai từ nghệ sĩ. Địa vị là tạm thời/ Vinh quang là quá khứ/ Sức khỏe mới là của mình".

Bà nói, mình đã thuộc về quá khứ rồi. Thanh Tú không có ý thức lưu giữ lại thời vàng son của mình. Trong căn nhà nhỏ ở Triệu Việt Vương, có một gian tầng một của bà treo vài bức ảnh ngày xưa. Và rất nhiều những chân dung của bà do các họa sĩ thời đó mê và vẽ tặng như Lê Chúc, Diệp Minh Châu. Nhưng bà không giữ lại. 'Mình đâu phải là vĩ nhân.', Thanh Tú nói. Thế hệ của bà đã gần đi qua.

Thanh Tú khi còn trẻ

Cô đơn tôi giấu trong thơ… Tình yêu thì vẫn chờ

Gần 20 năm rực rỡ, đầy nhiệt huyết và khát vọng, cái tên Thanh Tú đã để lại một vệt sáng trên bầu trời nghệ thuật. Thế nhưng cuộc đời của người phụ nữ tài sắc vẹn toàn ấy, bông hồng tuyệt đẹp của dòng phim cách mạng ngày nào lại truân chuyên quá đỗi. Bà yêu rồi lấy chồng, và như một nỗi buồn định mệnh, cả hai lần kết hôn, bà đều làm vợ thứ. Hai người đàn ông bước vào cuộc đời bà mang đến những năm tháng hạnh phúc ngọt ngào, nhưng rồi cũng khiến bà nếm trải đủ đắng cay, chua xót của sự tan vỡ.

Người đầu tiên là Phạm Kỳ Nam – đạo diễn của những bộ phim kinh điển như Chung một dòng sông, Một ngày đầu thu, Chị Tư Hậu... Ngày ấy, vẻ tài hoa của Kỳ Nam khiến bà mê mẩn để rồi bà không phân biệt được đâu là tình yêu đích thực, đâu chỉ là sự ngưỡng mộ. Cuộc hôn nhân của hai người cũng kéo dài được 12 năm thì đường ai nấy đi. Nhắc tới người bạn đời một thủa, NSƯT Thanh Tú vẫn dành cho ông sự trân trọng bởi dẫu sao ông cũng là người có công khi đưa bà bén duyên với điện ảnh với vai diễn đầu tiên Thảo trong "Biển lửa".

Hình ảnh hiện tại của diễn viên Thanh Tú.

Cuộc hôn nhân với đạo diễn Lê Việt Cường mới thực sự thấm “đòn đau”. Người đạo diễn đã có vợ con nhưng vượt qua tất cả rào cản, định kiến và thị phi, cơn say tình đã đưa họ đến với nhau. Vừa tan vỡ cuộc hôn nhân thứ nhất, trái tim đang trống rỗng và tổn thương thì được xoa dịu bởi một sự tận tâm và chân thành hiếm thấy. Thế nhưng cuộc đời không như là mơ và cũng chẳng ai ngờ, ngay cả khi bà đang ngây ngất trong men say hạnh phúc, tin rằng có một bờ vai vững chắc để tựa vào thì cũng là lúc bà biết chồng mình phản bội và có người phụ nữ khác. Cuộc hôn nhân thứ hai rồi cũng lại tan tác.“Đau lắm! Hồi đó tôi bắt đầu bạc tóc, mất hết niềm tin vào tình yêu, mất thăng bằng trong cuộc sống",Thanh Tú ngậm ngùi.

Ly hôn chồng đầu, Thanh Tú bỏ lại tất cả không mang theo gì. Chia tay người thứ hai, Thanh Tú không có gì để mang theo. Bà bảo:“Sau hai cuộc hôn nhân tôi chả có gì, chỉ lãi hai đứa con với hai đời chồng”. NSƯT Thanh Tú thừa nhận mình là người thất bại. Luyến tiếc lắm, ân hận cũng nhiều vậy nhưng khi hỏi nếu được làm lại bà có chọn như vậy không? Thanh Tú không chút đắn đo:

“Tôi vẫn chọn nghề đấy và yêu những con người đấy mà thôi".

Một trong những đồng nghiệp bà xem như chị em thân thiết là NSƯT Thanh Quý, hai người vẫn thường xuyên chia sẻ với nhau mọi chuyện vui buồn trong cuộc sống. "Có lần ngồi với tôi, Thanh Quý bảo em giờ chẳng chờ gì cả, cuộc sống cứ tằng tằng thế thôi. Tôi bảo: 'Lạ nhỉ, bây giờ tao vẫn cứ chờ mày ạ'! Vẫn chờ một ngày nào đấy con cái ổn định, hạnh phúc, cuộc sống của mình cũng ổn định, vẫn chờ một ngày mình mở cửa ra có một hiệp sĩ đến, một người đàn ông đến nâng đỡ mình. Có nên thế không nhỉ? Kệ chứ nhỉ?", Thanh Tú nói rồi cười lớn.

Gần đây Thanh Tú vẫn tham gia một số phim truyền hình.

Đến thời điểm này, bà vẫn luôn tự hào về những thứ do mình làm ra, những điều mình đã đạt được trong cuộc sống đều là do một tay bà bươn chải, nỗ lực mà có. Rồi bà tìm đến đạo Phật là để trở về chính bản ngã, được là chính mình, để một chút an lòng cho hiện tại, để hóa giải cho số kiếp đa đoan của mình, để tìm thấy lẽ sống an nhiên.“Đạo Phật giúp tôi ngộ ra được nhiều chân lý sau chuỗi ngày không bình lặng đã đi qua trong cuộc đời tôi. Nói chính xác là tôi tự sám hối bản thân khi theo Phật: Tự nhiên chờ cái đến/Thanh thản tiễn cái đi/Yêu những điều không muốn/Tâm nhàn như mây trôi”, Thanh Tú tâm sự.

Nhưng ở đâu đó, trong hành trình giữa Đến và Đi của cuộc sống trần gian, thẳm sâu trong trái tim của người nghệ sỹ, của người đàn bà bất hạnh trong tình yêu vẫn là một nỗi buồn và sự cô đơn. Tất cả bà “cất” vào thơ. Một Thanh Tú hoài niệm, tiếc nuối. Một Thanh Tú luôn khát khao và thèm hai chữ bình yên trong cuộc sống gia đình. Một Thanh Tú muốn buông bỏ nhưng nỗi cô đơn lại quá lớn.

Có lẽ với thơ Bà không thể giấu được chính mình: Giường rộng thế và đêm dài thế/ Bạn tình ơi dâu bể đổi thay/ Có ai về kịp đêm nay/ Để cùng chia vợi đắng cay, ngọt bùi".Hay là:“Thu chưa qua, sao đã lạnh về/ Mình bỗng nhớ, phải rồi đông đến/ Nhớ Mẹ, lưng tròn nóng hổi khẽ tiếng rên… Nhớ anh như nỗi nhớ đông hè/ Lạnh lùng, cháy bỏng, cho em hết/ Nhớ đêm chăn lạnh đợi anh về/ Nỗi nhớ có bao giờ như thế..../.