Khi một người của công chúng có những hành xử chưa đúng hoặc phát ngôn vô văn hoá, chúng ta hay thường dùng từ "vạ miệng" hay "tai nạn" để miêu tả. Đó thường không phải là tai nạn.
Tranh cãi với nghệ sĩ Thanh Lam. Hăm dọa đồng nghiệp Quang Lê. Xúc phạm cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Ký tên lên tranh. Và gần đây nhất là hung hăng chửi bới trên trang cá nhân.
Đây không phải là lần đầu tiên Đàm Vĩnh Hưng có những thái độ và hành xử khiến dư luận bức xúc. Không thể không hỏi vì sao “ông hoàng nhạc Việt” vẫn chưa chùn bước sau rất nhiều phát ngôn gây tranh cãi như vậy.
Tất nhiên, có người “ném đá” cách hành xử của ca sĩ này thì cũng sẽ có người bênh vực. Phía ủng hộ có thể cho rằng Đàm Vĩnh Hưng văng tục, chửi bậy trong lúc nóng giận vì bị khiêu khích trước. Thế nhưng, chính khi không giữ nổi bình tĩnh lại là lúc con người bộc lộ rõ nhất tính cách bên trong của mình.
Nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. |
Trong vụ lùm xùm lời qua tiếng lại trên mạng xã hội giữa bà Lê Hoài Anh và Đàm Vĩnh Hưng, tất cả đều sai. Người sai đầu tiên là bà Hoài Anh khi đăng bức ảnh với chú thích dễ gây hiểu nhầm là ông Nguyễn Hữu Linh - người vừa bị khởi tố vì sàm sỡ bé gái trong thang máy - và Đàm Vĩnh Hưng có quan hệ thân thiết với nhau. Mở comment cho cộng đồng mạng dùng lời lẽ nặng nề với Đàm Vĩnh Hưng thì bà Hoài Anh cũng không thể vô can.
Thế nhưng, “ông hoàng nhạc Việt” sai nhiều hơn. Nam ca sĩ có quyền lên tiếng, nhưng thái độ, lời lẽ cũng đã sai. Có lẽ anh chỉ cần nhắn tin riêng để hai bên giải quyết văn minh, thay vì đẩy mọi chuyện đi xa hơn bằng status thứ 2.
Nếu chỉ căn cứ vào một hai câu chuyện để kết luận về con người Đàm Vĩnh Hưng là không đúng. Tuy nhiên, nói về phần tính cách bộc lộ, rõ ràng có nhiều chuyện để bàn.
Bản thân bên trong con người nghệ sĩ này có mầm mống của sự hung hăng. Với những người có bản chất hiền lành và văn minh, cho dù có bất cứ điều gì xảy ra, phản ứng mà họ bộc phát ra ngoài sẽ theo kiểu khác, không hề giống Đàm Vĩnh Hưng.
Sự xuất hiện của phát ngôn và cách hành xử như thế trong bối cảnh mạng xã hội ở Việt Nam gần đây xuất hiện nhiều chủ đề tranh luận gay gắt và thiếu văn minh là rất nguy hiểm.
Tại sao nỗ lực để xây dựng cho mình một hình ảnh đẹp đẽ trên màn ảnh, sân khấu, truyền thông rồi lại tự tay hủy hoại nó chỉ vì một phút nóng nảy?
Với người được đám đông gán cho cái danh nghệ sĩ, có nên mang tiền bạc, danh vọng, số lượng người tung hô mình ra làm thước đo văn hóa?
Và có hay không sự ảo tưởng một cách kệch cỡm về sự nổi tiếng, tự cho phép bản thân đặt mình ra ngoài mọi chuẩn mực xã hội, để từ đó phát ngôn bừa bãi và hành xử theo bản năng?
Không làm được điều gì tử tế thì nên im lặng
Cái giá của sự nổi tiếng là phải đánh đổi quyền riêng tư và quyền hành xử, phát ngôn theo bản năng.
Nam diễn viên Kirk Cameron, người từng được hai đề cử Quả cầu vàng, từng khẳng định: Người nổi tiếng hay bất cứ ai nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng phải chấp nhận các tiêu chí đánh giá cao hơn, đặc biệt là về đạo đức.
“Không phải là người hoàn hảo nhưng tôi luôn cố gắng cẩn trọng nhất có thể với những phát ngôn của mình. Bởi chỉ một lời nói ‘hớ’ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực không ai mong muốn”, Cameron nhấn mạnh.
Trong cuộc sống thường nhật, người bình thường đã phải soi chiếu vào các chuẩn mực pháp luật, đạo đức, văn hóa để biết mình được nói và làm gì. Ba quy chuẩn đó tạo thành cái phông văn hoá của mỗi người.
Đối với người nổi tiếng, phải nghĩ thêm là khi có phát ngôn, hành động nào không đúng chuẩn mực thì điều đó có thể không chỉ làm ảnh hưởng đến người thân mà còn cả một số lượng lớn người hâm mộ đang nhìn vào mình như một hình mẫu để học theo.
Sự tung hô của số đông mang đến cho người nổi tiếng tiền bạc và danh vọng. Ai có văn hóa, trách nhiệm đều phải biết nhìn vào đó để hiểu rằng: Tôi có ngày hôm nay là do nỗ lực của bản thân; nhưng hào quang đang được chiếu sáng đẹp đẽ hơn là nhờ đám đông hâm mộ.
Bất cứ người nổi tiếng nào khi hành xử hay phát ngôn gì luôn phải nghĩ đến người hâm mộ, xa hơn là những nhãn hàng đang hợp tác và coi mình là hình ảnh. Một nghệ sĩ có văn hóa, học thức thì luôn ý thức rất rõ về sự ảnh hưởng và vai trò dẫn dắt đám đông của mình.
Có châm ngôn: “Không làm được điều gì tử tế thì tốt nhất là nên im lặng”. Những người nổi tiếng khác dường như cũng đang nhìn vào sự dễ dãi của mạng xã hội để xây dựng hình ảnh và “thương hiệu” của mình bằng cách phát ngôn gây sốc hay livestream văng tục. Điều này sẽ rất nguy hiểm cho cả bản thân người nổi tiếng đó và cả cộng đồng, xã hội.
Người bình thường đã không thể dùng luận điểm “ai sao tôi vậy” để sa vào những cuộc tranh cãi bừa bãi, vô bổ trên mạng xã hội. Người nổi tiếng lại càng không. Điều đó có khác gì việc ra đường thấy người ta vứt rác đầy thì mình cũng tiện tay quăng vào rồi nói: “Ai cũng đều như thế mà”.
Phông văn hóa không dựa vào số người tung hô
Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của cộng đồng, nhất là người hâm mộ. Vì không có sự tung hô thì làm sao người nghệ sĩ có thể ảo tưởng? Ảo tưởng xuất phát từ thước đo lệch chuẩn, đem sự hào nhoáng, tung hô ra để đo. Ai đã là “ông hoàng” hơn ai?
Con người chỉ thay đổi bản thân khi nhìn thấy tác hại, hậu quả. Người nổi tiếng cũng không ngoại lệ. Nếu người của công chúng vẫn cứ tiếp tục hay chưa chịu điều chỉnh hành vi, phát ngôn lệch chuẩn, đó là vì xã hội, cộng đồng, người hâm mộ, nhãn hàng, truyền thông chưa cho họ thấy hậu quả. “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”.
Từ phía cộng đồng và người hâm mộ, việc chọn lên tiếng không ủng hộ hay tẩy chay nhãn hàng người nổi tiếng đó làm đại diện sẽ tuỳ theo mức độ vụ việc. Nhưng khi người của công chúng ngồi xổm lên những quy chuẩn xã hội, đạo đức và văn hóa, sử dụng quyền từ chối ủng hộ rõ ràng văn minh hơn việc dùng lời lẽ mạt sát nhau, “hòn bấc ném đi hòn chì ném lại”.
Ngay cả trẻ con cũng biết ai đánh mình thì mình đánh lại, ai mắng mỏ mình thì mình cũng đáp trả lại. Thế nhưng, nếu chỉ nghĩ quyền lực chỉ nằm ở cái miệng hay nắm đấm thì hơi lệch lạc. Không thể tự hạ thấp mình bằng việc lấy cái sai này để chống lại cái sai khác.
Nghệ sĩ là một cụm từ cao quý và rất khó để đạt được. Cho dù dễ dàng đạt được danh xưng đó bằng việc nhiều người gán cho mình thì cũng đừng tự kéo hạ thấp nó xuống mà phải tự nâng lên một tầm cao mới.
Khi một nghệ sĩ hay người của công chúng có những hành xử chưa đúng hay phát ngôn vô văn hoá, chúng ta hay thường dùng từ “vạ miệng” hay “tai nạn” để miêu tả. Không, đó thường không phải là “tai nạn” nào cả.
Đó là khi chiếc mặt nạ của một người cố chứng tỏ mình có văn hoá cao bị rớt xuống. Và do vậy, không thể giải quyết vấn đề bằng cách mang băng keo hay lấy dây để gắn chặt chiếc mặt nạ trở lại. Cách duy nhất là bỏ chiếc mặt nạ ra và nâng cấp phông văn hoá của chính mình.
Văn hóa không phải thứ muốn là có ngay mà phải tích lũy theo thời gian. Văn hóa có thước đo riêng, không phải dựa vào số tiền bạn có hay số lượng người hâm mộ, theo đuổi, tung hô.
Nếu cứ vin vào tiền hay người hâm mộ để tự cho là mình có văn hóa thì sớm muộn gì một ngày nào đó, chiếc mặt nạ kia sẽ lại bị rơi xuống.