Ai giật dây showbiz Việt?

Một tuần qua, câu chuyện hậu trường của một chương trình truyền hình thực tế đã làm “dậy sóng” showbiz Việt. Nó không chỉ kéo một, mà rất nhiều người nổi tiếng cùng vào cuộc, tranh cãi và đấu tố lẫn nhau. Mở đầu là chuyện Minh Hằng “bỗng dưng muốn… tố” sau thời gian im lặng liên quan đến việc mình bất ngờ rời vị trí huấn luyện viên chương trình The Face vào phút chót.

Hằng ấm ức vì đã mất công chuẩn bị, nhưng vì câu nói “Ai cũng được trừ Minh Hằng” của một đàn chị mà đành ngậm ngùi chọn cách ra đi. Điều ngạc nhiên hơn cả là câu chuyện đáng lẽ chỉ nội bộ nghệ sĩ – nhà sản xuất biết với nhau, vì vẫn đang trong quá trình thương thảo, thì đằng này mọi việc cứ “bỗng dưng… muốn lộ”, để ai ai cũng biết.

Nhà sản xuất The Face khôn ngoan chọn cách im lặng và hưởng lợi khi chương trình chuẩn bị lên sóng bỗng được chú ý. Còn các nghệ sĩ quay cuồng trong những tranh cãi, thị phi, trong khi chính nhà sản xuất là nguồn cơn, châm ngòi cho cuộc chiến của Hằng – Hà, cùng fan của các bên.

Kịch bản The Face đang lặp lại những gì diễn ra ở mùa một, gây ồn ào bằng những câu chuyện hậu trường chứ không phải chất lượng, nội dung chương trình. Nên ngay từ khi scandal Hồ Ngọc Hà “chèn ép” Minh Hằng diễn ra, Xuân Lan, Hà Anh và nhiều người khác nữa đã chỉ đích danh đây có thể là “chiêu” của nhà sản xuất, mà cả Hằng và Hà đều là nạn nhân. Vì đến thời điểm hiện tại, cả hai đều không được ngồi ghế nóng The Face, đều mất đi những quyền lợi, nhất là khi The Face đang là chương trình được nhiều thương hiệu nhắm đến để chọn gương mặt đại diện.

Truyền hình thực tế vẫn đang trong giai đoạn thịnh, khi nó chi phối lớn đến thị trường giải trí, tìm kiếm các ngôi sao mới. Nhưng sân chơi này đang rơi vào tay một vài “ông lớn”. Khi các nghệ sĩ chấp nhận bước vào cuộc chơi của truyền hình thực tế, mà ở đó giúp nâng đẳng cấp và tìm kiếm thương hiệu, thì cũng phải chấp nhận ký một bản hợp đồng bán đời tư.

Ở sân chơi đó, nghệ sĩ muốn hay không vẫn phải đi theo những nước cờ các nhà sản xuất đã vạch sẵn. Thế mới có chuyện, mỗi chương trình gameshow kết thúc, đều xảy ra việc nghệ sĩ hay thí sinh bức xúc về việc bị nhà sản xuất can thiệp vào kết quả cuộc thi. Lúc đầu, họ tưởng đó là sân chơi dành cho nghệ sĩ và khán giả, nhưng thật ra luôn có bàn tay của các nhà sản xuất “giật dây”. “Giật dây” cho dư luận quan tâm, “giật dây” để tăng rating, "giật dây" để các nghệ sĩ "khẩu chiến".

trang_phap_daus_yrlm.jpg
Ca sĩ Trang Pháp từng bức xúc cho rằng mình bị êkíp của ca sĩ Sơn Tùng chèn ép. Ảnh: FBNV.

Cạnh tranh, chèn ép là chuyện thường!

Nhiều người trong nghề vẫn thường nhận định showbiz Việt bản chất không khác gì một xã hội thu nhỏ. Bên cạnh sự hào nhoáng là cạnh tranh khốc liệt và chèn ép nhau.

Năm bảy lần Phương Thanh xót xa tiết lộ về chuyện bị “chơi bùa ngải”, khiến chị mất dần đi giọng hát. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng từng “tuyên chiến” công khai với Quang Lê vì bị tranh gà, nhưng rồi lại chấp nhận ngồi chung ghế nóng vì quyền lợi được hưởng.

Câu chuyện của Hà Hồ và Minh Hằng ở đây không chỉ là chuyện chèn ép, mà còn vạch trần thực tế “có nó thì không có tôi” trong show Việt. Tức là những ca sĩ, nghệ sĩ có "số má" thường cho mình cái quyền kẻ cả, được chọn người đứng chung sân, có quyền ra yêu sách.

Ca sĩ Trang Pháp từng bức xúc khi không được hát ca khúc "We Don't Talk Anymore" trong một chương trình chỉ vì ca sĩ Sơn Tùng cũng tham gia và đăng ký biểu diễn “Chúng ta không thuộc về nhau”. Đương nhiên, tên tuổi Trang Pháp không bằng Sơn Tùng nên cô đành chọn cách ngậm ngùi rút lui. Cuối năm 2016, nhiều người mẫu cũng bức xúc lên tiếng khi bị công ty chủ quản và những tên tuổi lớn chèn ép show diễn.

Có rất nhiều cách để chèn ép trong showbiz Việt. Người dùng quyền lực tác động lên người khác để khẳng định vị trí. Người thẳng thừng tỏ thái độ “kẻ cả” với đối phương. Và lẽ dĩ nhiên, khi mọi chuyện bung bét ra, chẳng mấy ai còn “chơi với nhau” sau mỗi lần gây sức ép để tranh giành chỗ đứng. Họ mất đi một mối quan hệ, mất đi tình bạn, mất không ít fan và cũng làm xấu đi hình ảnh trong mắt công chúng./.