Cầm trên tay quyển sách ảnh thứ hai trong 2 năm liên tiếp của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lời đề tặng của tác giả: Hưng “Đọc” Trần Hồng nhé! – tôi không khỏi cảm phục về khả năng lao động sáng tạo nghệ thuật không ngừng của ông. 

Theo thói quen thông thường và cũng như một sự mặc định: ảnh là để xem, để ngắm rồi mới liên tưởng, cảm nhận bố cục khuôn hình, ánh sáng theo cách cảm của từng người. Và lâu nay, công chúng yêu nghệ thuật cũng như bạn bè quốc tế và đồng nghiệp chỉ xem và thưởng thức tác phẩm của Trần Hồng chứ mấy ai đã đọc và suy ngẫm. Vậy mà lần này tác giả "bắt" tôi đọc.

Mỗi đầu chương mục là nét chữ chú giải bối cảnh tác phẩm ra đời do chính tác giả viết tay một cách chân phương... (Ảnh:Facebook Đại tá Trần Hồng)
Thì ra cuốn sách ảnh “Tôi chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp” của Trần Hồng có cách trình bày khá ấn tượng. Đó chính là những lời dẫn giải bên cạnh mỗi khuôn hình của tác giả về bối cảnh chụp ảnh, lời bình của Đại tướng, của tác giả và cả những người trong cuộc một cách chân xác, đầy xúc cảm. 

Sách đẹp, lời hay là lẽ đương nhiên, bởi hình tượng vị Đại tướng – “Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam” được khắc họa một cách dung dị trong cuộc sống đời thường, ngay cả những lúc Đại tướng không mặc quân phục. Mỗi đầu chương mục là nét chữ chú giải bối cảnh tác phẩm ra đời do chính tác giả viết tay một cách chân phương, nhưng không kém phần trang trọng bằng ngòi bút mực lá tre nét thanh, nét đậm như chính cuộc đời bình dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

trna_hong_1__ozpc.jpg
Đại tá Trần Hồng (Ảnh:Facebook Đại tá Trần Hồng).
Đồng hành với nghệ sĩ Trần Hồng trong nhiều chuyến dọc dài đất nước, được nghe ông kể nhiều chuyện về niềm vinh hạnh là phóng viên ảnh báo Quân đội Nhân dân được chụp ảnh Đại tướng. Còn nhớ buổi trưa một ngày Thu 2007, chúng tôi đang có chuyến công tác tại Hải Phòng, nhận thông tin từ Hà Nội, Đại tướng có buổi tiếp Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng tăng đoàn Phật tử làng Mai gồm Phật tử các quốc gia châu Âu đến chúc thọ Đại tướng đầu giờ chiều. Thế là chúng tôi bỏ bữa, gấp rút phóng về Hà Nội.

Trên xe, tôi chỉ có một ao ước nho nhỏ gửi gắm tới nghệ sỹ Trần Hồng: “Anh chụp cho em một kiểu cạnh Đại tướng”. Vậy mà ước nguyện không thành, dù tôi đã đặt máy ghi âm và luôn cố đứng gần Đại tướng. Tận mắt thấy ông luồn lách, len lỏi chọn góc ảnh trong không gian chật hẹp do người đông, khách quý tại tư gia Đại tướng số 30 đường Hoàng Diệu – Hà Nội, mới thấy lao động nghệ thuật quả là kỳ công. Khi có những khuôn hình đẹp về Đại tướng, nghệ sĩ Trần Hồng mới hỉ hả trả lời tôi bằng giọng xứ Nghệ trọ trẹ nhưng dễ nghe: “Tại mi không đẹp bằng mấy bàn tay búp măng của nữ Phật tử chắp tay cầu kinh mừng Đại tướng đại thượng thọ”. Cũng còn may là khi tác phẩm hiện hình, tôi vẫn còn nhận ra lưng áo mình đang tác nghiệp...

Như lời đề tựa đầu cuốn sách của nhà thơ Trần Đăng Khoa, trong mỗi người chúng ta ai cũng có một hình ảnh vị Đại tướng của dân. Có rất nhiều người chụp ảnh Đại tướng, nhưng Đại tướng trong sinh hoạt đời thường với áo lụa, trang phục thể thao tập Thiền… như người ông gần gũi, thân thiết trong mỗi gia đình qua khuôn hình, qua cách cảm, cách nghĩ, cách thể hiện của Trần Hồng thật khó có thể minh định đâu là hình tượng nghệ thuật chứa đựng trong một nhân cách lớn của dân tộc...

Cũng vì thế, đó là một ấn phẩm khó quên với độc giả trong những ngày hội sách tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long do các diễn giả nhà thơ Trần Đăng Khoa, Đại tá nhà báo Trần Hồng, họa sĩ cao niên Phan Kế An cùng minh họa cho tác phẩm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp./.