Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật được tổ chức sáng 19/5 - đúng 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Nhà hát Lớn - Hà Nội. Trong 128 tác giả, đồng tác giả được trao giải, có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đối với các nghệ sĩ, Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về VHNT là một niềm vinh dự lớn lao, ghi nhận những đóng góp của người nghệ sĩ đối với nền VHNT nước nhà.

“Giải thưởng là sự ghi nhận đóng góp của nghệ sĩ với nghệ thuật”

Nhạc sĩ Hồng Đăng được vinh danh với cụm tác phẩm “Lênh đênh”, “Đêm hành hương về huyền thoại”, “Buổi tối chuyện một căn nhà nhỏ”, “Khao khát”, “Gửi một câu hát cho Tokyo”. Ông qua đời năm 2022 khi chưa kịp đón nhận Giải thưởng.

Hôm nay, bà Lê Anh Thuý – vợ nhạc sĩ Hồng Đăng là người nhận giải thay chồng. Bà Anh Thuý nói rằng, “tiếc vì giây phút nhận giải, ông không thể có mặt”.

Bà Anh Thúy chia sẻ thêm: "Khi chồng tôi còn sống thì đã biết được giải thưởng Hồ Chí Minh. Được trao giải thưởng lớn như vậy, gia đình tôi rất vui mừng, hãnh diện. Giải thưởng là một ghi nhận đóng góp của ông ấy đối với âm nhạc, với nghệ thuật.

Bà Thuý khẳng định, những ca khúc đã tới được với công chúng chưa phải là tất cả những bài hát hay của nhạc sĩ Hồng Đăng. 

“Ông vẫn nói với tôi, cơ duyên để “đứa con tinh thần” đến với công chúng rất khó khăn. Ông thuần túy là người sáng tác, làm việc, không có điều kiện để dàn dựng, phổ biến, tập cho ca sĩ. Nên những đứa con của ông cứ lang thang lưu lạc, hầu như phải cả chục năm mới có chỗ đứng trong nền nghệ thuật.

Ông bảo, bản nhạc trên giấy mới chỉ là một nửa. Nó chỉ thực sự sống khi được dàn dựng, biểu diễn một cách chu đáo. Có bài rất hay nhưng có bài chết yểu ngay khi mới dàn dựng vì không ra được chất”, bà Anh Thuý chia sẻ.

“Nhiếp ảnh đã nâng cao nhận thức của tôi về đất nước, về tình người, về cái đẹp của xã hội và nhân loại”

Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Chu Chí Thành được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật với tác phẩm “Hai người lính” gồm 4 bức ảnh: "Tay bắt mặt mừng", "Hai người lính", "Cầu Quảng Trị" và "Những bàn tay lưu luyến".

Chia sẻ cảm xúc khi đón nhận vinh dự này, NSNA Chu Chí Thành nói: “Đây là phần thưởng cao quý mà Nhà nước đã trao cho tôi cùng với các tác phẩm của mình. Năm nay tôi đã 79 tuổi rồi nhưng khi biết mình được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, tôi vẫn thấy mình như một học sinh được thầy giáo khen, là “em học giỏi, em tiến bộ…”. Chứ không phải tôi già rồi nên khô cứng đâu. Được Nhà nước ghi nhận những đóng góp của mình, tôi phấn khởi lắm chứ”.

NSNA Chu Chí Thành cũng không quên nhắc lại câu chuyện lịch sử gần nửa thế kỷ trước, khi ông chụp bức ảnh để đời. Một người lính giải phóng quân và một người lính Sài Gòn vô tư khoác vai nhau dù 2 miền đất nước vẫn còn chia cắt là một minh chứng sinh động cho ước vọng hòa bình, thống nhất đất nước.

Nhiều người cho rằng đây là "bức ảnh dự báo ngày hòa bình" hay "bức ảnh hướng tới tương lai". Điều này, đã được chính tác giả cảm nhận ngay ở giây phút bấm máy.

“Hai người lính đã từng đánh nhau ở Quảng Trị và từng nếm trải ranh giới sống chết giữa bom đạn của hai phía, vì thế nên họ hiểu được giá trị của giây phút hòa bình. Tôi cũng vài lần “chết hụt” nên lúc đó tôi cũng có cảm xúc gần như đồng điệu với những người lính này. Họ vốn là những người con của đất nước Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử mà bị đẩy vào hai chiến tuyến khác nhau. Và lúc đó tôi nghĩ rằng, ngày Bắc Nam sum họp một nhà đã gần lắm rồi, chiến tranh sắp kết thúc, sẽ không còn những hy sinh bằng máu và nước mắt của cả dân tộc nữa”, ông nói.

NSNA Chu Chí Thành chia sẻ thêm: “Nhiếp ảnh đem đến cho tôi cả cuộc sống, cả sự vinh quang cho cá nhân và cho gia đình. Càng đi sâu vào nhiếp ảnh, tôi càng cảm thấy thú vị. Cho nên nhiếp ảnh trở thành nghề nghiệp suốt đời của tôi. Nhiếp ảnh đã nâng cao nhận thức của tôi về đất nước, về tình người, về cái đẹp của xã hội và nhân loại”.

“Vinh dự lớn lao của một đời văn”

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật lần này với tác phẩm “Quyên”. “Quyên” là tiểu thuyết đầu tay của ông, xuất bản năm 2009. Tác phẩm kể về Quyên - một cô gái Hà Nội gốc nghe theo chồng vượt biên từ Nga sang Đức. Cuộc ra đi tìm kiếm đất hứa trở thành cuộc phiêu lưu 9 năm với biết bao bất ngờ, như con thuyền nhỏ lênh đênh ở xứ người chính ngay giữa đồng bào mình.

Với sự xuất hiện của “Quyên”, Nguyễn Văn Thọ được đánh giá là "một trong số ít những cây bút đương đại xuất sắc nhất về đề tài người Việt ở hải ngoại".

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ: “Tôi bất ngờ và cảm động. Bởi vì rõ ràng công sức của mình đóng góp cho dòng chảy văn học nước nhà đã được Nhà nước ghi nhận.

Thực ra khi nhà văn viết, người ta cũng không có ý định viết để được giải hay trở thành hội viên. Hầu hết những nhà văn lao động nghiêm túc đều như thế cả. Vì điều quan trọng nhất đối với một tác phẩm văn học đó là sức bền với thời gian, được công chúng, được bạn đọc đánh giá. Nhưng giải thưởng Nhà nước là giải thưởng cao quý mà không phải ai tham gia dòng chảy văn học cũng có được vinh dự được giải.

Tất nhiên không phải khi được giải mình cảm thấy mình là nhất, đánh giá ấy vẫn là của thời gian và bạn đọc. Nhưng bằng một giải 5 năm mới xét 1 lần và xét trong rất nhiều người, trong hàng ngàn tác giả, nhà văn và tác phẩm, đối với tôi, đây là vinh dự lớn lao của một đời văn”.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ, ông vốn không có ý định theo nghề cầm bút mà từng có ước mơ trở thành một kỹ sư điện. Ông viết văn từ những năm ngoài 30 tuổi nhưng đứt quãng. Mãi đến tuổi 50, ông mới quay trở lại văn chương như là sự sẻ chia những chìm nổi của cuộc đời, để giải tỏa những ẩn ức trong đời sống, giải tỏa nỗi cô đơn.

“Tôi coi viết văn là việc quan trọng vì chính văn chương tạo điều kiện cho tôi nhìn rõ bản thân mình, đất nước mình hơn. Tôi coi thân phận mỗi cá nhân phụ thuộc vào thân phận của dân tộc. Mình viết văn là soi xét thân phận từng cá nhân, cũng như thân phận của cả đất nước, dân tộc này trải qua chiều dài lịch sử mà mình đã tham chiến, cùng sống với nó. Đó là một công việc nghiêm túc. Khi nhìn lại cá nhân mình, đất nước mình, tôi tựa vào đấy để tìm ra con đường sống tốt đẹp hơn, lương thiện hơn, tử tế hơn, nhân ái hơn. Tôi coi văn chương như chỗ để tu thân, như lời của bố tôi dặn: “Anh cầm bút, muốn viết những điều tử tế và thuyết phục được người khác thì trước hết anh phải tử tế””, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói.

“Nếu đã lao vào nghề này thì phải biết yêu nó, sống với nó và hết lòng vì nó”

NSND Nguyễn Thước được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho cụm tác phẩm phim tài liệu: Không chỉ là thương hiệu; Đất lạnh; Cỏ xanh im lặng.

Ông chia sẻ: "Giải thưởng Nhà nước là danh hiệu cao quý với những người làm văn học nghệ thuật nói chung, với người làm điện ảnh nói riêng và cụ thể hơn là làm điện ảnh tài liệu như chúng tôi. Đó là vinh dự, sự ghi nhận cả một đời làm nghề với các tác phẩm được đánh giá cao".

NSND Nguyễn Thước cho biết: "Giải thưởng Nhà nước là cột mốc trong chặng đường làm nghề của tôi. Tôi rất vui vì giải thưởng này là điều mà tôi có thể tự hào với các em sinh viên mình đang giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Đây cũng là điều động viên các em với con đường làm nghề sau này".

Chia sẻ về nghề đạo diễn phim tài liệu, NSND Nguyễn Thước cho rằng, đây là một nghề khó. "Một đạo diễn học xong ở trường Đại học Sân khấu điện ảnh, thông minh một chút có thể làm phim truyện được ngay. Nhưng phim tài liệu thì chưa chắc. Để trở thành đạo diễn phim tài liệu thì phải có bản lĩnh sống đã, sau đó mới đến tri thức và tài năng. Nếu đã lao vào nghề này thì phải biết yêu nó, sống với nó và hết lòng vì nó. Có lẽ đó là điều quan trọng nhất với những người làm điện ảnh”, NSND Nguyễn Thước khẳng định.

“Niềm vui lớn khi tác phẩm được lan tỏa trong đời sống xã hội”

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT trong dịp này với ca khúc "Tổ quốc gọi tên mình". Đây cũng được coi là một sáng tác đương đại về chủ đề tình yêu quê hương, đất nước, biển đảo Việt Nam, tạo ấn tượng mạnh mẽ cho đông đảo công chúng và có sức lan tỏa sâu rộng.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chia sẻ: “Có thể nói đối với một nhạc sĩ làm nghề sáng tác, không chỉ tôi mà các anh em nhạc sĩ khác cũng vậy, khi viết thì không suy nghĩ đến một lúc nào đó sẽ nhận một giải gì đó. Khi biết được giải thưởng Nhà nước về VHNT, tôi rất vui và hạnh phúc vì những tâm huyết của mình đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, chắc đây cũng là một dấu ấn rất lớn trong quãng đời làm nghệ thuật tôi.

Đây cũng là một bàn đạp, một bệ phóng để chúng tôi tiếp tục dâng hiến suốt cuộc đời còn lại của mình vì nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, cho quê hương, đất nước Tổ quốc mình. Đây là một điều vô cùng hạnh phúc”.

Đối với nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, "Tổ quốc gọi tên mình" được giải thưởng Nhà nước về VHNT, ngoài việc được Đảng và Nhà nước trao tặng giải thưởng cao quý này thì niềm vui lớn của ông là tác phẩm được lan tỏa trong đời sống xã hội.

“Âm nhạc có một chất kích thích rất lạ đối với đời sống. Với "Tổ quốc gọi tên mình", tôi muốn gửi gắm thông điệp đến hôm nay, các bạn trẻ và cả mai sau là, trước những vận mệnh của Tổ quốc này, tất cả chúng ta, mỗi người ở mỗi vị trí, phải sẵn sàng vì Tổ quốc. Xương máu của cha ông ta đã đổ xuống rồi để gìn giữ lại từng tấc đất, từng con sóng vỗ, hàng triệu triệu liệt sĩ đã nằm xuống, thì trước những biến cố, những giờ phút lâm nguy của lịch sử, tất cả phải sẵn sàng khi Tổ quốc cần đến chúng ta. Bất cứ ai, ở vị trí nào, tuổi tác nào, trong nước hay ở nước ngoài, chúng ta sẵn sàng để làm sao bảo vệ được mảnh đất mà cha ông chúng ta đã hy sinh gìn giữ và để lại cho thế hệ sau, để chúng ta có được độc lập, tự do, hạnh phúc như hôm nay chúng ta hưởng thụ”, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chia sẻ./.