Nghề làm nem Lai Vung được hình thành và phát triển hơn 60 năm qua, dù trải qua bao thăng trầm, nhưng nghề làm nem Lai Vung vẫn tồn tại và phát triển. Với hương vị chua, cay, mặn, ngọt tạo nên hương vị đặc biệt cho nem Lai Vung. Đến nay, có 11 cơ sở sản xuất nem được chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu nem Lai Vung.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của nghề, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất nem Lai Vung không ngừng đầu tư về máy móc cũng như cơ sở vật chất để cải thiện chất lượng sản phẩm của mình, chú trọng thiết kế bao bì sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng hiện đại.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, lễ công bố là dịp để chúng ta tôn vinh di sản với giá trị vững bền và sức sống mãnh liệt. Qua đó ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và các hộ dân làm nghề trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống làng nghề nem. Đồng thời, thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo.

Dịp này, huyện Lai Vung tổ chức khai mạc “Ngày hội nông sản” với chủ đề “Nông sản Lai Vung – Hạnh phúc mọi nhà”. Ngày hội nhằm tạo điều kiện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán, người sản xuất tham gia giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng là dịp để người dân giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

Đồng Tháp hiện có hơn 100 di sản tập trung ở các loại hình như: Nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian, lễ hội truyền thống và Nghề thủ công truyền thống. Trong đó, có 1 di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa Thế giới (Nghệ thuật Đờn ca tài tử), 5 di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Hò Đồng Tháp, Nghề đóng xuồng ghe Long Hậu, Nghề dệt chiếu Định Yên, Nghề dệt choàng Long Khánh A, Nghề nem Lai Vung) và 29 di sản đã được đưa vào Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể.