Hiện nay, cả nước có 28 cơ sở đào tạo các ngành năng khiếu văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Những năm gần đây, do xu hướng lựa chọn nghề nghiệp, số lượng thí sinh dự thi vào các ngành năng khiếu nghệ thuật, thể dục thể thao ngày càng giảm, ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào ở một số ngành.

Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác đào tạo văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch trong thời kỳ mới và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024” do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức hôm nay (27/10), tại thành phố Đà Nẵng, các tham luận tại Hội thảo cho biết, dịch bệnh Covid-19 cũng tác động đến xu hướng lựa chọn ngành, nghề thuộc nhóm ngành du lịch của học sinh. Nguồn tuyển sinh của nhiều cơ sở đào tạo không còn dồi dào như trước, thậm chí học sinh nhập học rồi vẫn bỏ học để lựa chọn ngành, nghề khác.

Một số cơ sở đào tạo chưa chú trọng xây dựng kế hoạch dài hạn phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý, công tác quy hoạch và bồi dưỡng cán bộ kế cận chưa được quan tâm kịp thời, dẫn đến sự hụt hẫng về đội ngũ giảng viên, giáo viên. Tỷ lệ giảng viên, giáo viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ, thạc sĩ của một số cơ sở đào tạo còn thấp so với yêu cầu. Nhiều cơ sở đào tạo chưa có cơ chế thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm đã nghỉ hưu tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học…

Hiện nay, công tác đổi mới phương pháp dạy và học của các cơ sở đào tạo đã được triển khai song hiệu quả chưa cao. Chương trình đào tạo chậm đổi mới, nặng về lý thuyết; nhiều giáo trình chưa được cập nhật, hoàn chỉnh hoặc không còn phù hợp.

Năm học 2023-2024, các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tuyển sinh đào tạo hơn 36.400 chỉ tiêu trình độ từ sơ cấp đến tiến sỹ. Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu các cơ sở đào tạo thực hiện tự chủ đại học, triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam; Đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế; Tăng cường kiểm định chất lượng đào tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo; xây dựng hạ tầng dữ liệu, học liệu số dùng chung trong toàn ngành; Nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội…

“Các cơ sở đào tạo luôn luôn đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu. Trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch, tất cả đều phải đạt mục tiêu về chất lượng. Tuy nhiên, tất cả cũng phải cân đối với điều kiện cho phép của cơ sở đào tạo, cơ sở vật chất kỹ thuật. Các đồng chí cần hết sức lưu ý những vấn đề này. Tất nhiên, mỗi khối, mỗi trường có những mục tiêu cụ thể khác nhau, tuy nhiên định hướng chung là như vậy. Chất lượng là hàng đầu chứ không phải chạy theo số lượng” - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.