Theo dân gian lưu truyền, Nữ tướng Lê Chân sinh tại làng Vẻn, An Biên, Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nay là thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh là người có nhan sắc và giỏi võ nghệ. Trong bối cảnh đất nước bị ngoại xâm đô hộ, nợ nước thù nhà chất cao, với tài năng tâm huyết và ý chí của mình, bà đã đưa gia binh, họ hàng xuôi dòng ra miền cửa biển, chọn vùng đất phên dậu miền duyên hải phía Đông (nay là thành phố Hải Phòng) để lập ấp. Tại đây, bà chiêu mộ dân chúng, quai đê lấn biển lập nên các làng, xã; đồng thời, rèn quân và luyện mã, chờ thời để đánh đuổi giặc ngoại xâm. Để nhớ về quê cũ, bà lấy tên quê gốc đặt cho vùng đất mới này là làng Vẻn - Trang An Biên.

Mùa Xuân năm 40, Nữ tướng Lê Chân mang theo gia binh xin nhập quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, chống quân Đông Hán xâm lược. Là một tướng quân tiên phong tài ba, bà đã giành được nhiều chiến công vang dội, được Trưng Vương phong làm Thánh Chân công chúa, ban chức Chưởng quản binh quyền, lĩnh ấn Trấn Đông Đại tướng quân, thống lĩnh đạo quân Nam Hải phòng thủ miền biển, sai đem binh mã về trang An Biên để dựng đồn binh phòng giặc. Bà vâng mệnh Vua trở về làng cũ, dạy dân lao động sản xuất, biến vùng đất An Biên trở nên giàu có, ai ai cũng đội ơn sâu, kính yêu bà như cha mẹ.

Nhớ ơn công đức của Nữ tướng Lê Chân, từ xa xưa nhân dân Hải Phòng và các vùng phụ cận tổ chức nhiều hoạt động lễ hội tại đền Nghè, đình An Biên… để bày tỏ lòng ngưỡng vọng và biết ơn một vị tướng tài ba, tâm phúc của Hai Bà Trưng. 

Phát biểu tại lễ khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân, ông Nguyễn Hoàng Linh, Chủ tịch UBND quận Lê Chân, TP Hải Phòng khẳng định: Tự hào lịch sử Hải Phòng từ ngàn xưa, thành phố Hải Phòng ngày nay đã trở thành một thành phố Cảng “Trung dũng - Quyết thắng” và đang chuyển mình vươn ra biển lớn. “Trong những năm qua thành phố Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, trong 9 năm liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số, quốc phòng an ninh được đảm bảo, an sinh xã hội được chú trọng hàng đầu, văn hóa - xã hội được quan tâm”, ông Linh đánh giá.

Tại lễ hội, bà Nguyễn Thị Bích (quận Hồng Bàng) và ông Trần Hùng Vỹ (quận Lê Chân, Hải Phòng) xúc động nói: “Bà Lê Chân là Thành Hoàng của TP Hải Phòng chúng tôi, vì thế Lễ hội có ý nghĩa rất to lớn trong tâm thức người Hải Phòng chúng tôi. Người Hải Phòng tự hào là con cháu của bà Lê Chân”.

“Bà Lê Chân là người tạo dựng mảnh đất An Biên xưa, TP Hải Phòng ngày nay. Nhớ bậc tiền nhân đã xây dựng mảnh đất này, chúng ta phải gìn giữ, phát huy và xây dựng thành phố ngày càng phát triển”.

Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024 diễn ra từ 16-18/3 tại Đền Nghè, Đình An Biên và Quảng trường tượng đài Nữ tướng Lê Chân (Quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng). Ngoài các nghi lễ truyền thống, Lễ hội Nữ tướng Lê Chân 2024 còn có các hoạt động như chương trình Chợ quê – Làng Vẻn, Liên hoan Võ cổ truyền mở rộng, Chương trình cờ người và các trò chơi dân gian, Hội thi hoa Thủy Tiên…