Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Cà Mau cho biết Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có quyết định đưa Nghề làm tôm khô của tỉnh vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.

Theo lời truyền miệng của người dân Cà Mau, xa xưa nguồn hải sản địa phương rất phong phú, ngư dân đánh bắt tôm về tiêu thụ không hết đã luộc nên phơi khô, để ăn dần. Theo tiến trình phát triển, tôm khô của Cà Mau được thương lái các địa phương khác đến thu mua đưa đi tiêu thụ rộng rãi và nghề làm tôm khô hình thành.

Về sau, tỉnh Cà Mau phát triển nghề nuôi tôm, đặc biệt, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng, với con tôm đất có chất lượng thịt ngon nên tôm khô Cà Mau ngày càng được biết đến rộng rãi.

Vào năm 2012, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học – Công nghệ đã công nhận “Tôm khô Rạch Gốc” là nhãn hiệu tập thể của người dân huyện Ngọc Hiển. Năm 2021, “Tôm khô Cà Mau” đã vào tốp 100 đặc sản quà tặng Việt Nam.

Toàn tỉnh Cà Mau, hiện có 280.000 ha đất nuôi tôm. Tôm khô được người dân nuôi tôm làm phổ biến để dùng trong gia đình, đặc biệt, phục vụ dịp Tết Nguyên Đán. Còn nghề làm tôm khô phát triển ở các huyện có thế mạnh nuôi tôm dưới tán rừng như Ngọc Hiển, Năm Căn.

Ngoài nghề làm tôm khô, tỉnh Cà Mau còn có nghề “Gác kèo ong” và nghề “Muối ba khía” là những nghề truyền thống được công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.