Cầu ngư là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời của cộng đồng cư dân vùng biển miền Trung. Lễ hội Cầu ngư gắn với tín ngưỡng thờ cúng Thần Nam Hải, lấy hình tượng cá Ông - vị thần biển hộ mệnh của ngư dân. Đối với đời sống cộng đồng miền biển, Lễ hội Cầu ngư là lễ trọng lớn nhất trong năm, cầu mong một năm “Trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang”.

Sáng nay (29/2) là phần chính của Lễ hội với nghi Lễ Nghinh thần và khai mạc Lễ hội cầu ngư truyền thống của quận Thanh Khê. Phần hội được tổ chức đan xen nhiều hoạt động mang đậm tính dân gian của làng chài như: thi đan lưới, kéo co, ngoáy thúng, hát tuồng, hô hội bài chòi và những môn thể thao trên biển như: thuyền buồm, biểu diễn dù lượn...

Ban Tổ chức đã mở các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của các quận, huyện trên địa bàn thành phố và đặc biệt là gian như: mô hình, hình ảnh với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, gian hàng trưng bày sản phẩm thủy hải sản và các sản phẩm chế biến từ thủy hải sản của nhân dân các phường ven biển trên địa bàn quận.

Ông Nguyễn Hữu Công - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Thanh Khê, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội cho biết việc bảo tồn và phát huy lễ hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo tồn các giá trị vốn có như giá trị tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật…, đồng thời đề cao giá trị kết nối cộng đồng trong đời sống hiện đại, tạo điểm hẹn văn hóa đặc sắc cho du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương. Sau lễ hội cầu ngư, những chiếc thuyền sẽ hanh thông vượt sóng, những mẻ cá bội thu sẽ nườm nượp đổ về, một năm mưa thuận gió hòa, đời sống nhân dân được bình yên, no ấm...

“Lễ hội Cầu ngư là một trong những lễ hội đặc sắc của quận Thanh Khê. Lễ hội có giá trị về mặt tâm linh, tín ngưỡng và sự cấu kết cộng đồng của người dân Thanh Khê trong việc tham gia lễ hội. Năm nay, việc tổ chức lễ hội có sự đổi mới hơn so với các năm, đó là sự tham gia của các gian hàng OCOP, các sản phẩm đặc trưng của các quận, huyện tham gia. Quận cũng mong muốn nâng tầm Lễ hội Cầu ngư thành lễ hội cấp thành phố để có sự tham gia nhiều hơn của các làng ven biển của Đà Nẵng, để lễ hội cầu ngư thành Di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, ông Nguyễn Hữu Công cho biết.