Dàn dựng tiết mục phù hợp với lứa tuổi
Sân trường THCS Bình Trị Đông (quận Bình Tân) hôm nay rộn ràng, náo nhiệt. Hàng trăm học sinh sau giờ tan học đã ngồi lại cùng xem trích đoạn tiết mục cải lương “Thạch Sanh – Lý Thông” do đoàn nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang thực hiện. Không khô cứng, hàn lâm, trích đoạn cải lương được biến tấu đầy duyên dáng, dí dỏm khiến các em học sinh rất hào hứng, nhiệt tình tương tác, trả lời các câu hỏi được đặt ra.
“Chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ thiếu nhi” là chương trình thuộc dự án “Sân khấu học đường” do Sở Văn hóa – Thể thao, Thành đoàn TP.HCM phối hợp với các đơn vị nghệ thuật của TP.HCM thực hiện và đã được duy trì suốt nhiều năm qua. Hàng tuần, hàng tháng, các đơn vị nghệ thuật sẽ lần lượt đến các trường học trên địa bàn TP.HCM để tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật cho học sinh. Mỗi chương trình kéo dài từ 45 phút đến 1 tiếng, thường vào giờ chào cờ sáng thứ Hai hoặc giờ sinh hoạt ngoại khóa buổi chiều của các trường. Thời lượng không quá dài nhưng chương trình đều được các đoàn nghệ thuật chuẩn bị khá chu đáo.
Ông Hoài Nam – Trưởng phòng nghệ thuật của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cho biết: “Muốn cho các em gần gũi, tiếp xúc với bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương – một bộ môn nghệ thuật truyền thống thì khi biểu diễn, các nghệ sĩ sẽ thay đổi, biến tấu một chút, khác với khi biểu diễn cho người lớn xem. Khi biểu diễn cho thiếu nhi thì mình sẽ dựng vở súc tích hơn và làm cho gần gũi hơn, dễ hiểu hơn”.
Khán giả trẻ hiểu sẽ yêu và gìn giữ di sản
Không chỉ đến với các trường phổ thông, chương trình “sân khấu học đường” còn đến với các trường đại học, cao đẳng ở TP.HCM. Gần đây nhất, đoàn nghệ sĩ của Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM có buổi giao lưu với sinh viên Trường Đại học Văn Lang. Trong chương trình, sinh viên không chỉ được thưởng thức trích đoạn các vở hát bội mà còn được NSƯT Hữu Danh giới thiệu về quá trình hình thành, phát triển cũng như ý nghĩa của mặt nạ hóa trang và tính ước lệ, tượng trưng của nghệ thuật hát bội.
Không ít sinh viên ban đầu đến với chương trình chỉ vì tò mò, nhưng sau khi xem và lắng nghe chia sẻ của các nghệ sĩ lại thấy say mê. Minh Châu – một sinh viên Khoa Mỹ thuật công nghiệp của Trường Đại học Văn Lang nói: “Chương trình hôm nay rất thú vị, các nghệ sĩ đã giúp em hiểu hơn về bộ môn hát bội này. Đồng thời em đang học ngành thiết kế mỹ thuật, nên em thấy mặt nạ và phục trang của hát bội rất đặc sắc. Em nghĩ có thể ứng dụng vào các thiết kế sau này của mình”.
Bên cạnh việc đưa nghệ thuật đến với học sinh, sinh viên, các đoàn nghệ thuật của TP.HCM còn tổ chức nhiều buổi diễn phục vụ công chúng miễn phí tại sảnh nhà hát hoặc tại các địa điểm công cộng như: lăng Lê Văn Duyệt, đền thờ Vua Hùng ở Thảo Cầm Viên. Tại các buổi diễn, đoàn còn trưng bày triển lãm ảnh về từng nhân vật để khán giả có thể tìm hiểu thêm.
Cũng chính bằng những nỗ lực bền bỉ ấy, các nghệ sĩ đã dần kéo công chúng, nhất là khán giả trẻ đến với các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó trưởng phòng Tổ chức biểu diễn của Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM cho biết: “Có một tín hiệu rất vui: lượng khán giả xem ngày càng đông hơn, lượng khán giả trẻ chiếm đa số. Sự đầu tư của chính nhà hát, từ lãnh đạo nhà hát tới từng nghệ sĩ, tất cả các bộ phận đều phải tự đổi mới, giữ những giá trị cổ điển nhưng phải đem những cái mới, tinh thần của người trẻ vào để mình dễ dàng tiếp cận với khán giả trẻ hơn”.
Việc giữ gìn và phát huy các di sản truyền thống là điều không dễ dàng trước áp lực của các loại hình giải trí hiện đại. Việc đào tạo khán giả là một nhiệm vụ quan trọng để giữ lửa cho các bộ môn nghệ thuật truyền thống, bởi còn khán giả thì sẽ còn sân khấu./.