Quần thể di tích Cố đô Huế có 29 điểm di tích, nằm rải rác trên địa bàn thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, với gần 500 hạng mục công trình chủ yếu làm từ gỗ. Năm 1993, Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Trải qua thời gian, sau các đợt bão lũ, nhiều điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế bị ảnh hưởng, xuống cấp dù đã được bảo vệ chu đáo.
Ông Nguyễn Thành Nam, Chánh Văn phòng Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết: gần 200 cán bộ, nhân viên của trung tâm chia làm nhiều tổ, triển khai các biện pháp bảo vệ ở các di tích có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của gió bão. Tại khu vực kinh thành Huế, các di tích như Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Nhật Thành Lâu, Hiển Lâm Các, lầu Ngũ Phụng hay tại các lăng Minh Mạng, Tự Đức, Đồng Khánh, Gia Long, Thiệu Trị, điện Hòn Chén… cũng triển khai các biện pháp gia cố, bảo vệ các công trình, di tích.
Ông Nam nói: "Trong quần thể di tích Cố đô Huế có rất nhiều công trình, ví dụ như các công trình Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình… Đây là một trong những công trình nằm ở địa bàn rất đễ ảnh hưởng bởi bão, lụt, cho nên chúng tôi các phương án riêng, triển khai đến các anh em làm việc trực tiếp, giằng chống, cũng như đảm bảo về an toàn trong mùa mưa bão".
Hiện nay, hàng chục dự án trùng tu, bảo tồn di tích với nhiều hạng mục đang thực hiện tại các điểm di tích. Khi có dự báo mưa, bão lớn, trung tâm và các đơn vị thi công thực hiện các biện pháp che chắn, lên phương án bảo vệ các công trình di tích đang trùng tu. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung, đơn vị tham gia bảo tồn, tu bổ công trình di tích điện Kiến Trung, khu vực kinh thành Huế cho biết, mùa mưa bão, đơn vị đặc biệt quan tâm các khu di sản, đảm bảo an toàn tại công trường đang thi công.
Ông Tuấn cho biết: “Về khả năng ứng chịu trước bão lũ của công trình gỗ nói chung cũng như công trình di tích Huế nói riêng, chúng tôi nhận thấy là những mối liên kết mộng, liên kết giằng rất yếu. Sau này những vật liệu và công tác tu bổ thì có sử dụng những công nghệ tiên tiến hơn, chúng tôi luôn lường trước và đều phải có công tác giằng chống rồi neo, những công trình đang thi công thì mình tìm đủ mọi biện pháp làm sao che chắn để chống đỡ được.”
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết trong nhiều năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế luôn chủ động các biện pháp bảo vệ các công trình. Hầu hết các công trình trong Quần thể Di tích Cố đô Huế đã trải qua tuổi đời khá lâu, kết cấu chính là gỗ và vôi vữa. Dưới tác động của thời tiết, đặc biệt mưa lũ kéo dài như thời gian vừa qua đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các di tích ở Huế. Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết: bão lũ ngày càng cực đoan chính là thách thức lớn đối với di tích và những người làm công tác bảo tồn. Những ngày xảy ra bão lũ, đơn vị luôn phân công lực lượng túc trực 24/24 và các phương tiện cơ giới sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
“Trong mùa mưa bão hàng năm, trước đấy 1-2 tháng, chúng tôi tổ chức công tác dọn dẹp vệ sinh mái tránh chuyện thám dột, rồi giằng néo các công trình để đẩm bảo chịu dựng cấp độ gió đến cấp 13. Trên thực tế, giai đoạn vừa qua khi mùa mưa bão đến thì hầu như không có sự cố gì xảy ra hư hại đối với các công trình", ông Trung nói./.