Tại buổi tiếp xúc cử tri vận động bầu cử tại quận Đống Đa đối với ứng cử viên HĐND thành phố Hà Nội, các ứng cử viên trình bày dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu HĐND và trao đổi với cử tri về những vấn đề cùng quan tâm.
Cử tri quan tâm nhiều tới việc ứng viên sẽ làm được những gì nếu trở thành đại biểu và làm gì để thực sự là đại diện tiếng nói của cử tri. Cử tri cho rằng, một vài ứng cử viên nêu chương trình hành động còn chung chung, chưa bày tỏ chính kiến cũng như quyết tâm đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng và những vấn đề bức xúc tại chính địa bàn quận Đống Đa như: văn hóa, giáo dục, quản lý đất đai... Một số ứng cử viên nặng trình bày tiểu sử mà chưa chú trọng nhiều vào chương trình hành động.
Cử tri Nguyễn Tâm Trinh, phường Khương Thượng nhận xét: “Nhiều người trình bày lại tiểu sử mặc dù đã nói rồi. Vấn đề là người ứng cử phải nói rõ mục tiêu phấn đấu là gì. Là người đại diện cho dân, phải phản ánh, thực hiện được nguyện vọng của dân”.
Cùng chung quan đểm với cử tri Nguyễn Tâm Trinh, cử tri Đinh Ngọc Huyên, phường Phương Mai cho rằng: “Tôi muốn người ứng cử hứa một cách cụ thể và sát với mong muốn của nhân dân, giải quyết bớt được thủ tục hành chính hoặc những vô cảm trước bức xúc của nhân dân. Phải có trách nhiệm rõ ràng gắn vào vị trí của từng người”.
Sở dĩ cử tri có sự quan tâm đặc biệt này, là vì nếu muốn thuyết phục được cử tri, đương nhiên ứng viên phải có chương trình hành động cụ thể, gắn với thực tế nơi họ đang sống. Tuy nhiên, từ lời hứa đến việc làm còn là một khoảng cách, bởi thế mới tạo nên tâm lý “ngại” hứa ở một số ứng cử viên.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, một người từng ứng cử và tái cử nhiều khóa Quốc hội cho rằng: Để cử tri có suy nghĩ tích cực và bỏ phiếu cho mình nên có ý thức chuẩn bị thật kỹ những gì mình trình bày trước cử tri khi vận động bầu cử.
Ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: Một Quốc hội, HĐND thực sự là của dân, do dân và vì dân là điều tất cả chúng ta cùng mong muốn. Tuy nhiên, nói như vậy thì vẫn chung chung nên cử tri mới đặt ra yêu cầu cụ thể, là các ứng cử viên phải có chương trình cụ thể là mình sẽ làm được những gì nếu trở thành đại biểu và hứa sẽ làm hết sức mình để thực sự là đại diện tiếng nói cử tri. Khi các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đưa ra chương trình cụ thể, sát với đời sống nhân dân và hứa trước cử tri, tức là Quốc hội đã làm tốt vai trò của mình. Còn nếu đại biểu không có chương trình cụ thể và không thực hiện lời hứa của mình, thì hình ảnh của họ sẽ không còn tốt đẹp trong mắt nhân dân nữa. Về mặt luật pháp, cũng chưa có chế tài nào bắt buộc các đại biểu phải thực hiện lời hứa khi tiếp xúc cử tri, nhưng ông Trình cho rằng, chế tài lớn nhất chính niềm tin của người dân.
Lời nói phải đi đôi với việc làm. Lời hứa của các ứng cử viên sẽ là căn cứ để cử tri giám sát việc làm của các ứng cử viên đó khi đã được bầu làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trong suốt nhiệm kỳ hoạt động của mình. Như thế, cũng cần phải có một cơ chế để miễn nhiệm những đại biểu Quốc hội và HĐND nào không giữ lời hứa của mình trước cử tri, trước nhân dân lúc vận động bầu cử./.