Từ khi mới khởi động cuối tháng 5/2011, Dự án thí điểm “Tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ Đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo” được sự quan tâm của hàng vạn bạn trẻ trong và ngoài nước.

Từ 1/3/2012, đã có hàng trăm bạn trẻ chính thức bắt đầu nhận nhiệm vụ tại một số huyện miền núi của các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An… Đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước dành cho các bạn trẻ; đồng thời cũng là niềm vinh dự và trọng trách rất lớn của mỗi trí thức trẻ.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến hết hết tháng 12/2012 phải tuyển chọn, bồi dưỡng và bố trí đủ 600 trí thức trẻ tăng cường về làm phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo trên cả nước.

Vậy hiện nay, các bạn trẻ quan tâm có còn cơ hội để tham gia dự án này? Trong thời gian tới có còn các dự án tương tự để ngày càng có thêm nhiều bạn trẻ có cơ hội thử sức?

Đảng, Nhà nước cũng như chính quyền sở tại sẽ có sự quan tâm, hỗ trợ như thế nào đối với các bạn trong suốt 5 năm tham gia dự án cũng như sau khi các bạn đã hoàn thành nhiệm vụ?

Còn những người trong cuộc, sau gần một tháng trải nghiệm, dù là thời gian quá ngắn, nhưng các bạn đã trải qua những khó khăn như thế nào, liệu thời gian 5 năm có đủ để các bạn có vượt qua thử thách và hoàn thành nhiệm vụ của mình?

Tham gia buổi trực tuyến sẽ có cách khách mời:

- Ông Dương Văn An, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

- Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ, Giám đốc Ban dự án 600 Phó Chủ tịch xã;

- Đặc biệt có sự tham gia của bạn Sầm Văn Huy, xóm Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, Cao Bằng, bạn trẻ đã tham gia trải nghiệm làm Phó Chủ tịch xã ở các xã vùng cao của tỉnh Cao Bằng.

Anh-trong-to.jpg
Các vị khách mời đang trả lời trực tuyến tại Toà soạn báo VOV Online

Anh An có cho rằng dự án này còn mang tính phong trào không? Mà đã phong trào đôi khi lại thiếu chiều sâu? - (Đoàn Hương Ngọc, 24 tuổi, Nữ , huyện Phú Bình, Thái Nguyên)

Ông Dương Văn An, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:
Dự án này được chuẩn bị khá công phu, có sơ sở lý luận và thực tiễn, có quá trình điều tra xã hội học kỹ lưỡng; thời gian thực hiện dự án khá dài, giải quyết những vấn đề cụ thể ở các xã nghèo thông qua xây dựng và phát triển nguồn lực con người – đó là những Phó chủ tịch xã trẻ, được đào tạo cơ bản, được bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, tâm huyết sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Dự án này cũng đi liền với những chế độ chính sách cho các đội viên tham gia dự án, và thực hiện các nội dung theo quy định của pháp luật. Do vậy không thể cho rằng đây là dự án mang tính chất phong trào.

BQL dự án nên có thang điểm cụ thể ưu tiên những người đã tham gia công tác tại xã đặc biệt là những đối tượng về theo nguồn thu hút của tỉnh bởi những đối tượng này họ rất tâm huyết khi sẵn sàng tình nguyện lên huyện miền núi cao công tác.- (Đặng Xuân Kiều , 26 tuổi, Nữ , kieukaka@gmail.com.vn)

Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên

Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ, Giám đốc Ban quản lý dự án 600 Phó Chủ tịch xã:

Bộ Nội vụ đã có công văn hướng dẫn việc tuyển chọn trí thức trẻ có trình độ đại học đăng ký tham gia dự án, trong đó có quy định cụ thể về thang điểm ưu tiên. Ví dụ như có hộ khẩu thường trú tại địa phương, con em đồng bào dân tộc thiểu số, người tốt nghiệp các chuyên ngành phù hợp với nhu cầu bố trí và sử dụng của các xã thuộc huyện nghèo. Đặc biệt, ưu tiên những người đã kinh qua công tác lãnh đạo, quản lý; Bí thư Đoàn Thanh niên từ cấp trường phổ thông trung học trở lên; những người đã từng tham gia các chương trình tình nguyện tại các địa phương như: Chương trình 30A, dự án tăng cường trí thức trẻ về khu kinh tế quốc phòng…

Tổng mức ưu tiên không vượt quá 30 điểm.

Thực tế, qua tuyển chọn, đào tạo và bố trí những đội viên dự án về xã trong thời gian qua cho thấy, những trí thức trẻ đã qua công tác tại cơ sở là những người đã xác định được quyết tâm vượt khó khăn gian khổ nên có tinh thần rất tốt và hầu hết đạt kết quả cao trong việc bảo vệ đề án phát triển kinh tế-xã hội của chính các xã mà các đội viên Dự án về công tác. Bước đầu, họ cũng được cấp uỷ, chính quyền và người dân đón nhận.

Theo em được biết dự án này chỉ được áp dụng tại địa bàn 1 số tỉnh. em không có hộ khẩu ở các tỉnh có chương trình 600 trí thức trẻ thì em có thể tham gia đăng ký không. cách thức đăng ký và nộp hồ sơ. em xin hỏi tiếp là trong giai đoạn tới có các chương trình tương tự giông chương trình 600 trí thức trẻ nay. vậy cụ thể sẽ là chương trình gì. khi nào sẽ tiến hành. em xin cảm ơn- (Bùi Văn Phúc, 24 tuổi, Nam , p12 q10 tphcm)

Ông Dương Văn An (trái), Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Ông Dương Văn An, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

: Các bạn trí thức trẻ dù có hộ khẩu bất cứ tại tỉnh nào đều có thể đăng ký tham gia dự án, cho dù tỉnh có xã nghèo hay không có xã nghèo. Về cách thức nộp hồ sơ và hồ sơ liên quan đăng ký tham gia dự án bạn có thể truy cập ở các địa sau: http://www.moha.gov.vn/, http://www.doanthanhnien.vn/. Hiện tại, dự án này được triển khai đến năm 2017 và trên cơ sở kết quả dự án, Chính phủ sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng trí thức trẻ trưởng thành từ cơ sở. Do vậy từ nay đến năm 2017, chưa có thêm dự án nào tương tự.

Tuy nhiên, tôi cũng được biết một số địa phương cũng có những dự án tương tự. Bạn có thể để lại địa chỉ email để tôi có thể giới thiệu cho bạn.

Tôi đã tốt nghiệp đại học và đi làm được 3 năm, được biết chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vậy tôi muốn đăng ký thì BTC có bản hướng dẫn không? Tôi tình nguyện đi đến nơi khó khăn ở các tỉnh vùng núi phía Bắc. - (Nguyễn Cường, 29 tuổi, Nam , Hà Nội)

Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ, Giám đốc Ban quản lý dự án 600 Phó Chủ tịch xã: Tôi rất hoan nghênh bạn đã có tinh thần sẵn sàng tham gia Dự án và tôi giới thiệu bạn với đồng chí Doãn Đình Chức, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu để bạn đăng ký tham gia dự án.

Hiện nay, Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu đang tổ chức tiếp nhận hồ sơ của các trí thức trẻ đăng ký tham gia Dự án. Vì vậy, đề nghị bạn gửi hồ sơ về Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu để kịp tổng hợp và tổ chức phỏng vấn, tuyển chọn.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nội vụ, công tác tuyển chọn sẽ phải hoàn thành trước ngày 01/5/2012 để kịp tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng cần thiết đối với Phó Chủ tịch UBND xã cho các đội viên Dự án trước khi bố trí về xã công tác.

Bạn có thể lấy hồ sơ (gồm: đơn đăng ký tham gia Dự án, sơ yếu lý lịch) trên trang website: http://moha.gov.vn để tải văn xuống và hoàn chỉnh hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền.

Hoặc bạn có thể đăng ký tham gia dự án tại tỉnh Điện Biên, Lào Cai (các tỉnh này cũng đang tiếp tục tuyển bổ sung số đội viên Dự án còn thiếu so với chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao).

Em xin được giấu tên. Em là một trong các bạn đã được tuyển trong dự án 600. Em đã nhận nhiệm vụ được gần 1 tháng, nhưng em cảm thấy hoang mang quá, không biết cán bộ cơ sở có tạo điều kiện cho em làm việc không, vì em còn trẻ, kinh nghiệm ít, lại lạ nước lạ cái? - (Giấu tên, 26 tuổi, Nữ , Hà Nội)

Ông Dương Văn An

Ông Dương Văn An, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:

Điều mà bạn lo lắng thì Ban chỉ đạo dự án cũng đã tính tới, tuy nhiên qua điều tra, qua thăm dò ý kiến của cán bộ cơ sở, hầu hết đều ủng hộ các bạn và mong chờ sự đóng góp của các bạn khi nhận nhiệm vụ Phó chủ tịch UBND xã.

Bạn hãy vững tin vào mình, vào cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con nhân dân nơi bạn nhận nhiệm vụ; bạn hãy luôn học hỏi, gần dân, vượt khó, “lăn” mình vào thực tiễn để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Tôi tin là bạn sẽ thành công.

Em rất vui khi nhận được thông tin này. Em rất háo hức và muốn nhận ngay nhiệm vụ này ngay cho bản thân minh. Nhưng thực sự em chưa tự tin cho lắm. Vả lại, em đang học năm cuối đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh. Em góp ý nhỏ, mong mọi người không cười em nhé. Nếu thực sự là cán bộ của một vùng nào đó cụ thể là một xã miền núi, thì điều quan trọng nhất là phải hiểu được nếp sống văn hoá, phong tuc, lịch sử, vị trí địa lý... tóm lại là ngoài chuyên môn mà người cán bộ có thì phải hiểu được "bản địa" thi mới quản lý được. Khi tuyển chọn, các anh có quan tâm đến chỉ tiêu này? - (Lê Văn Trường , 22 tuổi, Nam , levanxuyen.ly@gmail.com)

Ông Dương Văn An, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:
Chúng tôi rất quan tâm tới vấn đề bạn đặt ra. Vì vậy, trong chương trình đào tạo cho cán đội viên trước khi về nhận nhiệm vụ, Ban chỉ đạo dự án đã đưa nội dung này vào; không những thế, còn đưa các đội viên về từng địa phương để trải nghiệm thực tiễn.

Tôi tin là cùng với thời gian, những địa phương mà các đội viên dự án nhận nhiệm vụ sẽ trở thành quê hương thứ hai của họ, và họ xứng đáng là người con của nhân dân nơi đó.

Sao ở TP có nhiều cơ hội, bạn không chọn mà lại chọn làm việc ở nơi “khỉ ho, cò gáy” điều kiện khắc nghiệt? - (Nguyễn Hồng Lê, 20 tuổi, Nam , Quảng Xương, Thanh Hoá)

Bạn Sầm Văn Huy, Phó Chủ tịch xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, Cao Bằng:
Thành phố đúng là nơi lập nghiệp rất lý tưởng, là đích đến của nhiều bạn trẻ, với em thành phố cũng hấp dẫn lắm nhưng em yêu quê hương của mình hơn. Có lẽ do em sinh ra tại huyện nghèo nên những nơi gọi là “khỉ ho, cò gáy” đố với em bình thường lắm, những điều kiện khắc nghiệt tại những nơi đó chẳng thể làm em chùn bước được. Hơn nữa em thấy quê mình còn nghèo quá nên muốn góp chút công sức của mình để giúp bà con bớt khổ hơn.

Giờ thì bạn đang có quyết tâm cao, nhưng liệu sau một thời gian thử thách, nhiều khó khăn cản trở bạn, thì bạn tính thế nào? - (Bùi Nhã Phương, 20 tuổi, Nữ , ĐH Công Nghiệp, Hà Nội)

Bạn Sầm Văn Huy, Phó Chủ tịch xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, Cao Bằng
: Điều này thì em cũng đã nghĩ tới rồi, chắc chắn là không chỉ em mà tất cả các bạn khác trong Dự án đều gặp phải. Em đã chuẩn bị tâm lý rồi, khó khăn thử thách sẽ rất nhiều nhưng không có khó khăn nào là không thể giải quyết, hơn nữa em không đơn độc mà đồng hành với em còn có 559 bạn nữa nên em đang có quyết tâm rất cao và sẽ cố gắng giữ quyết tâm của mình luôn cao như thế..

Tôi tốt nghiệp đại học kinh tế mới ra trường, sau khi thực tập xong, trong thời gian làm khóa luận tốt nghiệp cũng như nhận bằng, tôi làm việc tại UBND Xã Tam Anh Nam, Núi Thành Quảng nam, xã vùng bãi ngang ven biển. Tôi được biết ở xã tôi vừa rồi có 1 xuất tham gia lớp học này, tháng 4/2012 này sẽ có thêm 1 xuất nữa, tôi muốn tham gia. Cho tôi hỏi, nếu tôi muốn tham gia chương trình đào tạo này phải có phải có sự đề xuất của UBND xã hay tôi có thể tự ứng tuyển?- (Đào Thị Bích Ân, 23 tuổi, Nữ , bichanpctu@gmail.com)

Ông Dương Văn An, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:
Như tôi đã trả lời ở câu trước, việc đăng ký là không có giới hạn. Các bạn trẻ nếu có đủ điều kiện: Tốt nghiệp đại học, dưới 30 tuổi, là đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh hoặc đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đều có thể đăng ký tham gia làm ứng viên của dự án. Nếu qua quá trình tập huấn, bồi dưỡng thực tế, bạn đủ điều kiện thì bạn có thể trở thành đội viên chính thức của dự án.

Theo tôi thì không phải cả 600 bạn bạn nào cũng cống hiến tốt và có khả năng quản lý. Với trường hợp những bạn sau thời gian trải nghiệm mà không phát huy được năng lực của mình, Ban Quản sẽ giải quyết như thế nào? - (Phan Hồng Hạnh, 25 tuổi, Nam , Lập Thạch, Vĩnh Phúc)

Ông Vũ Đăng Minh
Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ, Giám đốc Ban quản lý dự án 600 Phó Chủ tịch xã: Ngay từ khi chắp bút xây dựng Dự thảo Dự án này, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều các cuộc hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý ở các cấp và nhất là cán bộ chủ chốt của các xã thuộc huyện nghèo (đại diện cho 3 khu vực Bắc, Trung, Nam).

Tại các cuộc họp này, các đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã, Chủ tịch UBND xã đều thống nhất một quan điểm rằng, việc tăng cường trí thức trẻ về các xã khó khăn để giúp cấp uỷ, chính quyền và nhân dân phát triển kinh tế-xã hội là hết sức cần thiết và thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc tăng cường nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản cho cơ sở.

Tuy nhiên, các đồng chí cũng thừa nhận rằng, về công tác tại những xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, thiếu thốn về vật chất và tinh thần, cộng thêm với việc chưa kinh qua công tác lãnh đạo, quản lý nên cũng có thể có bạn trẻ không theo được hết chặng đường còn lại như các đội viên khác là chuyện hết sức bình thường.

Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, trong văn kiện của Dự án ban hành kèm theo Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 26/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ các phương án áp dụng đối với từng thời gian, mức độ cống hiến và trưởng thành của đội viên.

Thông tin chi tiết, bạn nên nghiên cứu tại Quyết định nêu trên ở trên mạng internet.

Mình cũng tốt nghiệp Đại học chính quy, cũng đanh là một Trí thức trẻ công tác tại một xã ĐBKK, nhưng rất tiếc xã mình không được nằm trong danh sách các xã thuộc 62 huyện nghèo (theo CT 30a của Chính phủ) mà chỉ là một xã ĐBKK thuộc CT 135, nên mình chẳng được ưu ái như vậy. Rất mong Chính phủ có thể mở rộng áp dụng cho các xã ĐBKK thuộc CT 135 để khỏi thiệt thòi cho những người như mình.- (Bùi Thanh Tuấn , 24 tuổi, Nam , dakpnekonray@gmail.com)

Ông Dương Văn An, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:Như tôi đã nói ở trước, đây là dự án thí điểm. Địa bàn áp dụng các xã thuộc 62 huyện nghèo. Con số 600 đội viên về làm Phó chủ tịch xã không phải là ít. Sau dự án này, Chính phủ sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng trí thức trẻ trưởng thành từ cơ sở và diện thực hiện sẽ được mở rộng. Ngoài ra, tôi cũng được biết không chỉ các xã thuộc chương trình 135 mà các xã, phường khác cũng rất cần thí thức trẻ về công tác. Nếu như những bạn sinh viên tốt nghiệp đại học không chê làm cán bộ cấp xã, không ngại đi vùng sâu vùng xa thì tôi tin các bạn đều được hoan nghênh.

Xin được hỏi bạn Huy, nhiều bạn trẻ muốn tham gia chương trình nhưng cũng rất e dè việc cán bộ cơ sở có tạo điều kiện cho mình công tác không. Bạn có sợ điều này không? - (Lê Thu Trang, 23 tuổi, Nữ , phường Phú Thuỷ, TP Phan Thiết)

Bạn Sầm Văn Huy, Phó Chủ tịch xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, Cao Bằng: Về vấn đề này thì mình muốn chia sẻ với các bạn trẻ thế này: Các bạn đang có ý định tham gia Dự án thì đừng e dè, các bạn dám tham gia, dám dấn thân và chấp nhận thử thách là đã có hơn 50% sự thành công rồi, cộng với những kiến thức chuyên môn được trang bị ở nhà trường và hơn hết là nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi nghĩ các bạn hoàn toàn có đủ năng lực và sự tự tin khi giữ chức danh Phó chủ tịch xã.

Vì sao em thấy dự án có nói là không tuyển các đối tượng thuộc ngành y tế, sư phạm, nhưng lại vẫn thấy có bạn học sư phạm đã được tuyển chọn. Vậy là sao hở anh? - (Phạm Tuấn Tài, 20 tuổi, Nam , đại học Sư phạm, Hà Nội)

Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ, Giám đốc Ban quản lý dự án 600 Phó Chủ tịch xã: Trong văn kiện của Dự án ban hành kèm theo Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 26/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ có ưu tiên tuyển chọn một số nhóm ngành như: Kinh tế, khoa học-kỹ thuật, Nông, Lâm nghiệp và thủy sản, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, luật… Những trí thức trẻ học đúng các chuyên ngành này cũng chỉ được ưu tiên không quá 30 điểm.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tuyển chọn đội viên phải xuất phát từ nhu cầu của các xã và do chính đồng chí Chủ tịch UBND các huyện nghèo đề xuất và trực tiếp phỏng vấn để tuyển chọn.

Do vậy, cũng có nhiều bạn không thuộc nhóm ngành trên vẫn được tuyển chọn làm đội viên Dự án. Mặc dù không được điểm ưu tiên nhưng các bạn đó đã trả xuất sắc các câu hỏi phỏng vấn của Hội đồng tuyển chọn, cộng với kết quả học tập đại học nên tổng số điểm sẽ cao hơn cao hơn các bạn khác. Việc chọn bạn nào trúng tuyển sẽ được lấy theo thứ tự từ trên xuống dưới cho đến khi hết chỉ tiêu.  

Em xin được hỏi anh An, Trung ương Đoàn tham gia dự án này ở mức độ như thế nào, cụ thể tham gia những việc gì? - (Bùi Minh Hùng, 21 tuổi, Nam , Đống Đa, Hà Nội)

Ông Dương Văn An, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:
Trung ương Đoàn tham gia dự án này với góc độ là cơ quan phối hợp (chính), cùng với Bộ nội vụ xây dựng dự án trình Thủ tướng Chính phủ, tham gia Ban chỉ đạo dự án, tham gia xây dựng các quy chế, quy định, chế độ chính sách, tuyển chọn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ… cho đội viên; chủ trì nội dung tuyên truyền về dự án.

Ở địa phương, đồng chí Thường trực Tỉnh đoàn tham gia làm Phó chủ tịch hội đồng tuyển chọn.

Bạn Huy ơi, sau 1 tháng trải nghiệm bạn gặp khó khăn gì không, nơi ăn chốn ở, điều kiện làm việc? - (Đậu Hồng Đức, 19 tuổi, Nữ , huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang)

Bạn Sầm Văn Huy, Phó Chủ tịch xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, Cao Bằng: Từ đầu khi mới đăng ký tham gia Dự án mình đã xác định con đường phía trước sẽ rất khó khăn. Nhưng có lẽ mình may mắn hơn một chút so với một số bạn khác là nhà mình cách chỗ làm 10km nên nếu không muốn ở lại cơ quan thì có thể đi về trong ngày.

Còn về điều kiện làm việc tại các xã nghèo thì tất nhiên là rất thiếu thốn rồi, nhiều lúc cũng thấy thiệt thòi lắm nhưng khi nhìn bà con lao động vất vả mà cuộc sống vẫn còn bộn bề khó khăn thì mình cảm thấy mình còn may mắn hơn họ rất nhiều. Từ đó tự nhủ với bản thân là phải làm việc chăm chỉ, hiệu quả hơn nữa để không phụ sự tín nhiệm của bà con.

Trung ương Đoàn quản lý các bạn trí thức trẻ về tham gia làm làm PCT xã nghèo như thế nào, thưa anh? - (Chu Đức Anh, 21 tuổi, Nam , thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương)

Ông Dương Văn An, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:
Khi các bạn đã được bầu làm Phó chủ tịch UBND xã, các bạn thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo luật  HĐND, UBND xã và được cấp có thẩm quyền quản lý theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, Ban quản lý dự án thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, động viên cổ vũ các bạn trong suốt thời gian thực hiện dự án. Sáu tháng, 1 năm Ban quản lý dự án sẽ cùng với địa phương nhận xét, đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ của đội viên; bình xét thi đua khen thưởng…

Về phía Trung ương Đoàn sẽ xây dựng website, phát hành bản tin, xây dựng các chuyên mục ở trên các phương tiện truyền thông đại chúng… để tạo điều kiện cho các bạn chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và để xã hội theo dõi, động viên, cổ vũ các bạn. Với cách làm này, các đội viên dù ở các địa phương khác nhau nhưng sẽ không cảm thấy lẻ loi, luôn luôn được động viên, chia sẻ; người làm tốt trao đổi kinh nghiệm cho người làm chưa tốt… Chúng tôi cũng có dự  kiến cùng với Bộ nội vụ định kỳ hàng năm mời các bạn về thủ đô Hà Nội gặp gỡ với lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Năm nay sẽ tổ chức vào cuối năm.  Có thể nói, Đoàn thanh niên sẽ là người bạn đồng hành với các đội viên trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Tôi là phụ huynh của một cháu đang tham gia dự án ở Cao Bằng. Tôi thấy việc động viên con em mình nhận nhiệm vụ, trải nghiệm sức trẻ là vô cũng cần thiết. Tôi tin ở năng lực và ý chí của con mình. Nhưng tôi cũng lo lắng là sau 5 năm, khi xong dự án rồi, tương lai của con mình sẽ như thế nào? - (Nguyễn Văn Mạnh, 55 tuổi, Nam , huyện Gia Viễn, Ninh Bình)

Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ, Giám đốc Ban quản lý dự án 600 Phó Chủ tịch xã: Xin cảm ơn bác và gia đình đã đồng hành cùng với Ban Quản lý Dự án và cấp uỷ, chính quyền địa phương, nơi các em về công tác. Qua đó, các em có thêm sự cổ vũ của gia đình, bạn bè và xã hội để vượt qua những thử thách cả về vật chất và tinh thần để hoàn thành nhiệm vụ.

Trong văn kiện của Dự án ban hành kèm theo Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 26/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ việc bố trí và sử dụng đội viên Dự án sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được bố trí công tác phù hợp với nhu cầu sử dụng của cơ sở từ xã, đến huyện và tỉnh tuỳ theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ và công hiến của từng đội viên Dự án.

Điều quan trọng để quyết định tương lai của các đội viên phụ thuộc vào chính trình độ, phẩm chất và năng lực của các đội viên Dự án khi về công tác tại các xã thuộc huyện nghèo.

Sau khi hết 5 năm dự án ,các bạn có mong muốn tiếp tục công việc của mình tại Xã mà các bạn đã công tác .hay thời gian 5 năm chỉ là bắt buộc hoàn thành nhiệm vụ của mình? - (Ngô Xuân Mạnh, 42 tuổi, Nam , khu 5 TT Vạn Hà Thiệu Hoá T H)

Ông Dương Văn An, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:
Sau 5 năm thực hiện dự án, nếu các bạn được tín nhiệm thì có thể tái cử chức danh Phó chủ tịch UBND xã hoặc cao hơn. Nếu đội viên không muốn nhận nhiệm vụ ở xã nữa, thì sẽ được bố trí công tác phù hợp với nhu cầu công tác ở cấp huyện, cấp tỉnh, nhưng với điều kiện đội viên đó trong quá trình công tác phải hoàn thành nhiệm vụ. Những đội viên có thành tích suất xắc sẽ được ưu tiên trước.

Em nghe nói có một số bạn tham gia dự án rồi nhưng đến khi ra quân lại bỏ. Số lượng này có nhiều không ạ? Anh có thể cho biết lý do được không ạ? - (Lê Hồng Hạnh, 27 tuổi, Nữ , Quận 1, Tp Hồ Chí Minh)

Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ, Giám đốc Ban quản lý dự án 600 Phó Chủ tịch xã:Trước hết, tôi phải khẳng định rằng, trong số 225 đội viên của 4 lớp đã qua bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng cần thiết đối với Phó Chủ tịch UBND xã vừa kết thúc cuối năm 2011 và quý I/2012 đã và đang được cấp có thẩm quyền bố trí về xã công tác thì không có đội viên Dự án nào của chúng tôi “đến khi ra quân lại bỏ” cuộc.

Các đội viên của chúng tôi rất đang háo hức và mong chờ từng ngày để về xã làm việc. Có một số bạn trong khi chờ làm thủ tục bầu và phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND xã đã tình nguyện về chính xã đã đi thực tập để làm việc và đã được cấp uỷ và chính quyền địa phương đồng thuận.

Em được biết chương trình này do Bộ Nội vụ tổ chức. Mà thực tế Bộ Nội vụ chỉ quản lý về tổ chức, còn con người là các bạn trí thức trẻ là do Trung ương Đoàn tổ chức. Như vậy Bộ Nội vụ đứng ra tuyển liệu có sợ không “đúng người, đúng việc” không? - (Nguyễn Nam Sơn, 30 tuổi, Nam , huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi)

Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ, Giám đốc Ban quản lý dự án 600 Phó Chủ tịch xã:Tại Điều 2 của Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 26/01/2012, Thủ tướng Chính phủ đã giao “Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý Dự án” có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện dự án; đồng thời đề nghị Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Nội vụ, Đài TNVN, Đài THVN tổ chức rộng rãi các kênh tuyên truyền về ý nghĩa, nội dung, phương pháp thực hiện và hiệu quả kinh tế xã hội của Dự án để thanh niên biết thông tin và đăng ký tham gia Dự án nếu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và nhu cầu.

Thực tế triển khai trong thời gian qua, Bộ Nội vụ đã chủ trì phối hợp với UBND các tỉnh hướng dẫn Sở Nội vụ, UBND các huyện nghèo tổ chức tiếp nhận, phân loại hồ sơ, tổ chức phỏng vấn tuyển chọn, tổ chức thẩm định hồ sơ, quyết định phê duyệt danh sách các ứng viên trúng tuyển, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và đúng trình tự, thủ tục; Tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng cho đội viên đã được tuyển chọn; Tổ chức họp Hội đồng nhân dân xã (phiên họp bất thường) để bầu và trình Chủ tịch UBND huyện phê chuẩn chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã cho các đội viên đạt kết quả khóa bồi dưỡng.

Như vậy, Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cấp có thẩm quyền thực hiện từ khâu tuyển chọn, bồi dưỡng, bầu và bố trí về làm Phó Chủ tịch UBND xã chứ không phải là Trung ương Đoàn là cơ quan thực hiện. Như vậy, các công việc mà Bộ Nội vụ thực hiện trong thời gian qua là đúng thẩm quyền, trách nhiệm đã được Thủ tướng Chính phủ giao và bảo đảm đúng yêu cầu của Dự án.

Anh có thể cho biết trong dự án có quy định chọn khoảng bao nhiêu phần trăm là nữ, liệu tuyển nhiều nữ có ảnh hưởng đến hiệu quả dự án vì thực ra 5 năm cũng là một khoảng thời gian không ngắn, nhất là các bạn nữ lại phải còn có cơ hội tìm kiếm cho mình hạnh phúc? - (Hồng Hà, 22 tuổi, Nữ , Sầm Sơn, Thanh Hóa)

Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ:
Song trên thực tế, tôi thấy nhiều bạn nữ lại có quyết tâm rất sắt đá. Ví dụ như bạn Lương Thị Vân Anh-sinh năm 1985 (dân tộc Thái),  tình nguyện đến xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An công tác. Xã này không có điện, bốn bề là hồ nước, phải đi lại bằng thuyền. Đây là một trong những xã khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An nhưng bạn ấy rất vui vẻ và tự hào đóng góp sức trẻ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của xã, nơi tình nguyện đến công tác. Trong số các bạn đội viên tình nguyện cũng đã có bạn tìm được hạnh phúc ở nơi đến công tác. Ví dụ như bạn Lô Thị Trà My, sinh năm 1986 (dân tộc Thái) về công tác tại xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Sau gần 2 tiếng đồng hồ, các vị khách mời đã trả lời hầu hết các câu hỏi của độc giả nêu ra, phần nào giải đáp được những băn khoăn về dự án "600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã nghèo".

Xin cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị./.