Bệnh tự kỷ ở trẻ xuất hiện ở nước ta hơn chục năm về trước, nhưng thực sự mới được gọi tên trong những năm gần đây.Theo số liệu của ngành y tế, ngày càng nhiều trẻ mắc phải chứng bệnh này. Có lẽ vì thế, đây đang là một vấn đề được nhiều gia đình và cả xã hội quan tâm.

Để có một cái nhìn cụ thể hơn căn nguyên của chứng bệnh, việc can thiệp và học tập của trẻ mắc bệnh tự kỷ, VOVNews tổ chức “phòng mạch online: Phát hiện sớm và điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ” vào lúc 14h ngày 12/5.

Tham gia trả lời trực tuyến có Ths.BS Quách Thúy Minh, Trưởng khoa Tâm bệnh, BV Nhi TW;chị Mai Anh-một bà mẹ đã bỏ cả ước mơ trở thành nhà văn, nghỉ việc ở nhà, miệt mài tìm cách chữa bệnh cho con trai mắc chứng tự kỷ hơn 10 năm nay.

* Dấu hiệu của bệnh tự kỷ là gì? - (Hoàng Thanh Vân, 20 tuổi, Nữ , Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội)

BS Quách Thuý Minh:  Có 3 nhóm dấu hiệu phát hiện bệnh tự kỷ gồm:

1./. Giảm/khiếm khuyết về tương tác xã hội. Cụ thể như:

+ Trẻ giảm giao tiếp mắt, ít nhìn vào mắt người khác, ít các cử chỉ giao tiếp như không chỉ tay, không biểu lộ nét mặt phù hợp khi giao tiếp với người khác, các động tác gật đầu, lắc đầu rất hạn chế.

+ Không biết khoe những thứ trẻ thích cho người khác.

+ Không biết chơi với bạn cùng lứa tuổi

+ Ít chia sẻ tình cảm qua lại với người khác. Trẻ không biết đoán ý, không biết người khác nghĩ gì, cảm xúc như thế nào để có đáp ứng phù hợp.

2./. Khiếm khuyết về giao tiếp

+ Chậm nói, một số trẻ đã nói được một vài từ ở lứa tuổi 12-15 tháng nhưng sau đó không nói nữa

+ Trẻ hay phát âm vô nghĩa

+ Một số trẻ nếu đã nói được thì hay nhại lời, nói theo quảng cáo, không biết hội thoại, không biết kể chuyện lại, nói năng bị động, giọng nói bất thường thiếu cảm xúc

+ Trẻ không biết chơi giả vờ, không biết chơi tưởng tượng mang tính xã hội phù hợp với lứa tuổi.

 3./. Bất thường về hành vi

+ Có hành vi định hình như: Đi nhón chân, quay vòng tròn, ngắm nhìn tay, nghiêng đầu, vẫy tay, dáng đi bất thường…

+ Cách chơi dập khuôn đơn điệu: Quay bánh xe, xếp các thứ thành hàng, quăng ném đồ chơi tạo âm thanh…

+ Cuốn hút quá mức với một số hoạt động và một số thói quen đặc biệt cứng nhắc: Xem tivi, xem sách, chỉ ăn đúng cái bát quen thuộc hoặc nằm đúng cái gối quen thuộc, đi về theo đúng 1 con đường cũ…

+ Trẻ hay quan tâm tỉ mỉ đến những chi tiết của đồ vật…

Nếu trẻ có cả 3 nhóm dấu hiệu trên và xuất hiện trước 3 tuổi thì được gọi là tự kỷ điển hình.

Mức độ tự kỷ giao động khác nhau từ nhẹ, trung bình đến nặng nên gọi chung là phổ tự kỷ. Có 5 thể tự kỷ khác nhau: Tự kỷ điển hình, hội chứng Aspenger, hội chứng Rett, rối loạn phân rã, tự kỷ không điển hình.

Trẻ tự kỷ có mức độ trí tuệ khác nhau, có khoảng 70% trẻ tự kỷ trí tuệ chậm phát triển, có khoảng 5-10% trẻ tự kỷ có trí tuệ khá, một số có năng khiếu đặc biệt về số, chữ, vi tính, hội hoạ, âm nhạc…

Có khoảng 70-90% trẻ tự kỷ có rối loạn cảm nhận giác quan do não hoạt động bất thường. Có khoảng 70-80% trẻ tự kỷ có biểu hiện tăng động. Chính sự chậm phát triển về trí tuệ và tăng động làm cản trở và làm giảm hiệu quả cho việc giáo dục trẻ.

* Chị Mai Anh ơi, tôi thấy nhiều cháu có nét mặt và những đặc trưng giống bệnh down nhưng cha mẹ cháu lại bảo bị tự kỷ. Có phải nói như vậy có thể an ủi một phần nên họ không nói con họ bị down? - (Ngô Minh Thanh, 29 tuổi, Nữ , Sóc Sơn, Hà Nội)

Chị Mai Anh: Thật ra, tự kỷ hay down đều là một dạng khuyết tật. Và khuyết tật đó sẽ theo đứa trẻ suốt cuộc đời. Nếu như cha mẹ chưa hiểu rõ về hội chứng tự kỷ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi nghĩ hoặc cho là con mình bị tự kỷ chứ không phải down nhưng thực sự tự kỷ là khuyết tật rất nghiêm trọng về sự phát triển và khi có con bị tự kỷ cha mẹ cũng như gia đình phải đối mặt với muốn vàn khó khăn thách thức.

Chính vì vậy, theo tôi các mẹ nên đọc tài liệu tìm hiểu rõ về 2 dạng khuyết tật này và đưa ra câu trả lời chính xác nhất.

* Cho tôi hỏi là một cháu bé nếu mắc bệnh tự kỷ nhẹ thì có biểu hiện gì, có chữa khỏi được không ạ- (Nguyễn Hữu Thắng, 37 tuổi, Nữ, Gia Lâm, Hà Nội)

tu-ky-2.jpg

Chị Mai Anh đang dạy con đan len

Chị Mai Anh

: Những biểu hiện của trẻ tự kỷ thường rất nhiều. Những trẻ bị nhẹ vẫn có ngôn ngữ, tư duy và giao tiếp tuy nhiên, thường diễn đạt ngôn ngữ khó, lộn xộn. Giao tiếp không theo chủ đề đang nói hay nhảy sang chủ đề khác. Vấn đề, hành vi không có nhiều, thường chỉ là khó bảo.

Trẻ bị mắc bệnh tự kỷ nhẹ nếu được can thiệp sớm, đúng phương pháp sẽ có cuộc sống như những người bình thường, nhưng vẫn tồn tại thói quen, sở thích khác người một chút.

* Tôi thấy ở nhiều cơ sở khám bệnh trong và ngoài công lập nhiều khi đi khám cứ thấy một cháu chậm nói, nghịch ngợm một chút, có thể cả cháu chậm phát triển điển đều nói là bị tự kỷ và tư vấn này nọ. Có phải nói như vậy thì dễ "kiếm tiền" từ bệnh nhân hơn phải không bác sĩ - (Nguyễn Hằng Thủy, 32 tuổi, Nữ , Từ Liêm, Hà Nội)

BS Quách Thuý Minh
: Mỗi ngày ở khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi Trung ương có khoảng từ 10-25 cháu đến khám vì chậm nói. Theo thống kê của bệnh viện, năm 2010 có khoảng 90% trong số các cháu chậm nói đến khám được xác định tự kỷ ở những mức độ khác nhau.

Nếu được phát hiện sớm, trẻ tự kỷ sẽ có khả năng phát triển tốt hơn. Sau khi khám và định bệnh, gia đình và trẻ được tư vấn can thiệp. Nếu các cháu bị tự kỷ nhẹ thì nên đi học mẫu giáo hoà nhập với các trẻ bình thường khác và gia đình cùng giáo viên mầm non tích cực dạy trẻ.

Nếu trẻ bị tự kỷ nặng thì nên được học ở trung tâm để được can thiệp tích cực với những phương pháp đặc biệt hơn.

* Tôi có con trai 7 tuổi mắc bệnh tự kỷ điển hình. Tôi muốn sinh thêm cháu nữa nhưng lại sợ nếu chẳng may đứa sau lại giống đứa đầu thì tôi sẽ không chịu đựng nổi. Liệu bất hạnh có xảy ra với tôi không BS - (Lê Thu Nga, 32 tuổi, Nữ , Đông Anh, Hà Nội)

BS Quách Thuý Minh:
Có khoảng 3-5% anh em ruột của trẻ tự kỷ có thể cũng bị tự kỷ. Hiện nay, chưa có phương pháp nào xác định sớm được trẻ trong bào thai có bị tự kỷ hay không. Nếu trẻ sinh đôi đồng hợp tử (cùng trứng) bị tự kỷ thì nguy cơ tự kỷ của trẻ sinh đôi cũng rất cao (90%).

* Thuốc mà bác sĩ đã kê đơn ở mức độ trung bình thì có tác dụng như thế nào đối với trẻ? Vì khi tôi đọc hướng dẫn có tác dụng bổ não? (van, 36 tuổi, Nữ , DONG ANH - HA NOI)

BS Quách Thúy Minh (ảnh phải) đang trả lời độc giả

BS Quách Thuý Minh

: Hiện nay, vẫn chưa có thuốc để chữa bệnh tự kỷ mà chỉ có một số thuốc điều trị triệu chứng đi kèm với tự kỷ như: Tăng động, lo âu, động kinh.

Một số thuốc có tác dụng “bổ não” chỉ phần nào hỗ trợ cho dinh dưỡng, tế bào thần kinh tại não cũng có thể làm cho trẻ tăng sự chú ý.

Khi kiểm tra cháu được 32 điểm. Hiện nay, cháu nói được vài tiếng, chân thỉnh thoảng vẫn đi kiễng, vẫn còn triệu chứng cáu. Tất cả những trò chơi mà cô đã hướng dẫn cháu đã tiến bộ: Thổi bóng bay, chơi trò chơi nào cũng được. Như vậy, cháu đã đỡ bệnh chưa, thưa bác sĩ?- (van, 36 tuổi, Nữ , DONG ANH - HA NOI)

Bác sĩ Quách Thuý Minh
: Theo như gia đình thông báo thì điểm tự kỷ của cháu theo thang đo tự kỷ (CARS) là 32 điểm. Như vậy là cháu bị tự kỷ mức độ nhẹ. Hiện nay, cháu vẫn còn các dấu hiệu, hành vi định hình và ngôn ngữ còn chậm, các trò chơi ở mức độ đơn giản. Việc dạy cháu còn phải tiếp tục kéo dài. Mức độ dạy cháu ngày càng cao hơn như dạy nói từng câu, biết chia sẻ, quan tâm tới người xung quanh, biết chơi với các bạn, các kỹ năng sinh hoạt tự lập…

Cháu tôi được phát hiện tự kỷ còn rất bé và đã can thiệp rất nhiều. Nhưng đến nay 7 tuổi cháu vẫn cứ như đứa bé lên 1, chẳng hiểu gì và chẳng phát âm được gì. Chúng tôi đã rất tốn kém và cũng khá chán nản. Theo BS và chị Mai Anh, có nên tiếp tục không, vì điều kiện gia đình chúng tôi cũng không dư rả gì? - (Đỗ Mai Quang, 67 tuổi, Nam , Vĩnh Hồ, Đống Đa, Hà Nội)

Chị Mai Anh: 
Theo tôi, gia đình bạn vẫn nên tiếp tục can thiệp bệnh cho cháu vì tiến bộ của trẻ tự kỷ rất bất thường, đừng vì sau một thời gian can thiệp không thành công mà gia đình bạn buông xuôi.

Tuy nhiên, bạn nên tìm hiểu các phương pháp can thiệp và tìm lấy một phương pháp phù hợp với điều kiện của gia đình mình. Không phải cứ nhiều tiền, thuê nhiều cô giáo can thiệp cho con mình mới là tốt.

Bạn hãy vào trang web dành riêng cho các gia đình có con bị tự kỷ ở địa chỉ (http://www.tretuky.com/) để tìm tài liệu thông tin cũng nhưng các kinh nghiệm của các gia đình đang can thiệp cho con.

* Tôi nghe nói có chuyện BS ở bệnh viện lập Trung tâm dạy trẻ và lấy giá cắt cổ, mà thực tế việc đào tạo không hiệu quả. Có đúng vậy không BS - (Thanh Thị Quỳnh, 34 tuổi, Nữ, Lục Ngạn, Bắc Giang)

Bác sĩ Quách Thuý Minh
: Hiện nay, ở một số thành phố lớn có một số bác sĩ và giáo viên mở trung tâm dạy trẻ. Một số trung tâm được Quỹ Bảo trợ trẻ em tàn tật hỗ trợ, còn hầu hết là các trung tâm tư nhân. Do vậy, khi chị cho con học thì cần chọn lựa trung tâm cho phù hợp.

Phải nói rằng, việc dạy trẻ tự kỷ rất vất vả và công phu vì các em thường không hợp tác, trong khi đó kết quả rất hạn chế vì phải đòi hỏi nhiều năm thì trẻ mới tiến bộ dần dần.

* Tôi cũng là bố của một cháu bé bị tự kỷ. Nhưng thực sự tôi rất lúng túng trong việc dạy con, vì con tôi mới 3 tuổi. Tôi rất muốn được học hỏi kinh nghiệm từ chị, nhưng lại e chị bận? - (Ông Văn Bình, 39 tuổi, Nam, Đại La, Hà Nội)

Chị Mai Anh
: Tôi rất sẵn lòng trao đổi mọi thông tin với bạn. Bạn có thể gửi câu hỏi vào hộp thư của tôi: nguyenmaianh9p12@gmail.com. Ngoài ra, bạn cũng có thể vào trang web (http://www.tretuky.com/) để tải các chương trình học về cho con của bạn.

* Chị Mai Anh ơi, em biết là chị vẫn đặt cả niềm tin vào chồng. Nhưng ở đời ai nói được chữ ngờ, chị không đi làm như thế liệu có sợ nếu có chuyện gì xảy ra thì mình không chủ động được không chị? Chúc mẹ con chị luôn gặp nhiều may mắn. - (Quản Minh Phương, 27 tuổi, Nữ , Phương Mai, Hà Nội)

Chị Mai Anh: 
Cũng như em nói, ở đời chẳng có ai nói trước được chữ ngờ, chị cũng không nói trước được điều gì cả nhưng trong hoàn cảnh của chị thì chị vẫn phải đặt niềm tin vào chồng thôi…Hì hì!!!

Thật ra, chị vẫn đi làm đấy chứ nhưng công việc vẫn có nhiều thời gian dành cho con.

Chị rất cảm ơn em đã quan tâm tới chị.

Chúc em mạnh khỏe và thành đạt trong cuộc sống!.

* Chị Mai Anh ơi, nghỉ việc ở nhà để chăm một đứa con bị tự kỷ, chị có cảm thấy stress không? Chị vượt qua bằng cách nào? - (Lê Thị Tươi , 27 tuổi, Nữ , Láng Hạ, Hà Nội)

Chị Mai Anh (ảnh phải) tại Toà soạn VOVNews

Chị Mai Anh

: Em ạ, thỉnh thoảng chị cũng cảm thấy bị stress nhất là những lúc con có hành vi bùng phát, la hét tự làm tổn thương. Những lúc đó chị cũng buồn và cảm thấy bất lực nhưng rất may bên cạnh chị còn có những người bạn, những gia đình cùng cảnh ngộ đã giúp chị vượt qua khó khăn trên. 

* BS ơi, bệnh viện Nhi bắt đầu khám tự kỷ từ khi nào? Để đánh giá một cháu bị tự kỷ cần qua các khâu như thế nào vì bây giờ nhiều gia đình nói cứ cho con vào viện Nhi khám là bị tự kỷ?- (Đới Liên Hạnh, 34 tuổi, Nam, Đống Đa, Hà Nội)

BS Quách Thuý Minh
: Bệnh viện Nhi TW bắt đầu khám tự kỷ từ khoảng 10 năm nay, nhưng 3-4 năm gần đây, số lượng trẻ đến khám tăng nhanh. Để đánh giá một cháu bị tự kỷ cần qua các khâu như: bác sĩ hỏi gia đình, quan sát trẻ để nắm được các biểu hiện bất thường.

Sau đó, gửi cháu đi làm trắc nghiệm tâm lý để sang lọc tự kỷ và xác định mức độ tự kỷ (nếu có), đánh giá mức độ phát triển của trẻ. Một số cháu được đi khám tai-mũi họng, răng hàm mặt, nội tiết, thần kinh nếu thấy cháu có biểu hiện bất thường. Sau đó quay trở lại bác sĩ chuyên khoa Tâm bệnh tổng hợp lại để có hướng xác định bệnh.

* Mỗi khi dạy bé 3 tuổi nhưng bé chẳng hiểu gì nhưng lại rất nghịch ngợm, tôi nhiều khi không kiềm chế được đã đánh vào mông cháu. Nhưng nghe nói trẻ tự kỷ không hiểu và không biết đau, có phải vậy không bác sĩ? - (Trần Việt Hùng, 31 tuổi, Nam , Lạc Long Quân, Hà Nội)

Bác sĩ Quách Thuý Minh
: Nếu bạn đánh trẻ khi trẻ nghịch ngợm là bạn đã kém kiên nhẫn và không kiềm chế được bản thân. Mỗi khi trẻ có hành vi sai nên nhắc nhở trẻ cụ thể là con nên làm thế này, thế kia chứ không nên mắng chung chung là con hư vì trẻ tự kỷ không hiểu.

Có một số trẻ tự kỷ giảm cảm giác đau nên khi bị đánh, trẻ không biết đau. Nhưng nhiều cháu lại rất nhạy cảm về xúc giác nên vẫn bị đau như những trẻ khác.

* Con tôi đi khám bị tự kỷ. BS kê cho cháu uống 2 loại thuốc 1 là giảm động, 2 là bổ não. Nhưng mỗi khi uống cháu lại bị đi ngoài, như vậy có sao không bác sĩ? - (Lê Duy Hải, 35 tuổi, Nam , Nghĩa Đô, Hà Nội)

BS Quách Thuý Minh:
Do tác dụng phụ của thuốc nên cháu có thể bị đi ngoài sau khi uống thuốc nhưng thông thường, sau một thời gian ngắn, trẻ sẽ hết triệu chứng đó.

Nếu trẻ vẫn đi ngoài tiếp tục thì bạn hãy đưa trẻ đi khám và được tư vấn bác sĩ.

* Xin bác sĩ cho biết can thiệp cho 1 cháu tự kỷ ở Viện Nhi có tốn kém không, thời gian bao lâu?- (Mai Trọng Hà, 29 tuổi, Nam , Vĩnh Tuy, Hà Nội)

BS Quách Thuý Minh:
Nếu cháu bị tự kỷ nặng thì có thể vào khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương để được can thiệp sớm theo hẹn mỗi đợt điều trị từ 2-3 tuần. Nếu trẻ đi đúng tuyến thì được chế độ bảo hiểm y tế chi trả. Còn nếu cháu đi trái tuyến thì nếu học nửa buổi hết 100.000 đồng; còn học cả ngày là 150.000 đồng.

* Cháu nội tôi năm nay 7 tuổi, năm 2 tuổi đi khám bác sĩ nói tự kỷ. Từ bấy đến giờ gia đình tôi điều trị rât tích cực và cháu đã có thể nói được. Nhưng nhìn chung nhận biết của cháu khá kém. Bệnh này sau lớn có thuốc chữa hay điều trị tích cực thì có bình thường được không bác sĩ? - (Lê Ngọc Hằng, 61 tuổi, Nữ , Nghĩa Tân, Hà Nội)

Can thiệp cho trẻ tự kỷ tại BV Nhi Trung ương

BS Quách Thuý Minh

: Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị khỏi tự kỷ. Nếu gia đình tích cực dạy cháu và được giáo viên hỗ trợ, cháu sẽ có tiến bộ nhưng nếu cháu có trí tuệ kém thì mặc dù cháu đã biết nói nhưng sau này vẫn khó khăn về tự lập và cần sự hỗ trợ của gia đình, xã hội.

* Con trai tôi 4 tuổi và đi khám bác sĩ bảo là bị tự kỷ. Mặc dù không giao tiếp được nhưng cháu có thể nghe và hiểu hết lời người lớn nói. Tôi cũng đã cho con đi khám về điếc, nhưng bác sĩ bảo cháu không điếc. Tôi vẫn hoài nghi về con mình bị tự kỷ nhưng không biết con bị gì? - (Nguyễn Tiến Quang, 36 tuổi, Nữ , Tâm Mai, Hà Nội)

Chị Mai Anh
: Theo như mô tả của bạn thì rất khó để biết con bạn có bị tự kỷ hay không? Bạn nên đưa con đi khám ở nhiều nơi như: Khoa Tâm bệnh Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), Trung tâm Sao Mai (Hà Nội), Trung tâm Tuna (Hà Nội)…

Lúc con tôi còn nhỏ, cháu cũng những biểu hiện gần giống như con bạn và sau 1 năm đưa con đi khám nhiều nơi và tự tìm hiểu tôi mới biết chính xác là con mình bị gì. Để chấp nhận con bị tự kỷ là một khó khăn rất lớn đối với cha mẹ.

* Con trai tôi 2,5 tuổi. Hiện tại cháu chưa biết nói, chơi rất nghịch và hầu như mẹ gọi không có phản ứng. Nhưng trông mặt cháu rất thông minh, sáng sủa và đôi lúc cháu cũng biết đùa với mẹ, nhưng rất ít. Đi khám một vài nơi bác sỹ bảo cháu tăng động và theo dõi tự kỷ. Tôi lo lắm, bác sĩ và chị Mai Anh cho tôi lời khuyên với - (Thanh An, 31 tuổi, Nữ , Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội)

Chị Mai Anh
: Đúng như lời bác sĩ nói, bạn nên theo dõi sự phát triển của con so với các bạn cùng trang lứa để thấy được sự khác biệt của con mình. Đồng thời, bạn nên tìm hiểu về chứng tự kỷ. Khi đã hiểu rõ về tự kỷ rồi, bạn cũng có thể xác định được hoặc đánh giá được con có bị tự kỷ hay không.

* Tôi đang có bầu tháng thứ 3. Khi đọc các bài về tự kỷ, tôi lại cảm thấy lo lắng. Liệu có cách nào phát hiện bệnh này sớm từ khi mang thai không bác sĩ? - (Thanh Lan, 27 tuổi, Nữ , Khương Thượng, Hà Nội)

BS Quách Thuý Minh
: Tự kỷ là bệnh lý còn đang được nghiên cứu. Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, tự kỷ là do bất thường về gen và cấu trúc não của trẻ không bình thường (Tiểu não nhỏ, các nhân não bất thường…). Các gen bất thường kết hợp với nhau từ khi hình thành bào thai trong 1-2 tháng đầu. Hiện nay vẫn chưa có phương pháp phát hiện được tự kỷ từ trong bào thai.

* Con tôi năm nay 3 tuổi, cháu không nói được và tôi đã đem cháu đi khám bác sĩ nói cháu bị bệnh ADRH kém tập trung gì đó. Xin bác sĩ cho biết rõ về bệnh này và cách điều trị? - (Nguyễn Trung Dũng, 45 tuổi, Nữ , Gia Viễn, Ninh Bình)

BS Quách Thuý Minh
: Cách điều trị trẻ tự kỷ hiện nay chủ yếu là bằng các phương pháp tâm lý, giáo dục nhằm cho trẻ hoà nhập cộng đồng, thích nghi được cuộc sống với khả năng cao nhất.

Cụ thể: Nếu trẻ được phát hiện sớm thì nên can thiệp ngay bằng chương trình trị liệu ngôn ngữ, liệu pháp hành vi, các phương pháp điều trị tâm vận động, dạy các kỹ năng sinh hoạt tự lập, chơi trị liệu, các kỹ năng xã hội.

Nếu trẻ lớn hơn và có trí tuệ khá thì nên đi học hoà nhập ở lớp bình thường. Nếu trẻ trí tuệ kém thì nên cho đi học ở trung tâm hoặc lớp đặc biệt trong trường.

Nếu trẻ có các dấu hiệu bệnh lý khác kèm theo như: Động kinh, tăng động, lo âu… thì có thể điều trị thêm bằng thuốc do bác sĩ chuyên khoa chỉ định.

* Con trai tôi đã 6 tuổi. Cháu có thể nói tiếng Anh, nhưng đôi lúc nghịch ngợm không kiểm soát được, trèo lên bàn ghế có nói và đánh cháu cũng chẳng sợ. Tôi nghe nói về bệnh tự kỷ cũng hơi lo, liệu có phải đem cháu đi khám không? - (Lê Ngọc Mai, 35 tuổi, Nữ , Đội Nhân, Hà Nội)

BS Quách Thuý Minh

: Nếu con của bạn ít nhìn mắt người đối diện khi giao tiếp, gọi trẻ thờ ơ ít đáp ứng lại, không quan tâm chia sẻ với người khác, chỉ ham mê một số trò chơi đơn điệu, cách giao tiếp bất thường, nhại lời, không biết nói chuyện, kể chuyện… thì bạn nên cho con đi khám bác sĩ. Một số trẻ tự kỷ có thể đọc được chữ, số rất sớm, hát thuộc lòng một số bài hát nhưng chỉ đọc vẹt, hát nhại mà không hiểu nội dung.

Một số cháu tự kỷ có trí nhớ rất cao về vị trí không gian, đồ vật nhưng ít chú ý đến người xung quanh.

* Bác sĩ ơi, con nhà em 18 tháng tuổi nhưng vẫn chưa biết nói, nếu muốn làm gì cháu hay dẫn mẹ đi lấy. Nhiều lúc em gọi cháu nhưng cháu không có phản ứng. Đây có phải là dấu hiệu của bệnh tự kỷ không ạ, em nên cho con đi khám bây giờ chưa? - (Lê Thị Quyên, 29 tuổi, Nữ , Bạch Mai, Hà Nội)

Chi Mai Anh
: Bạn có thể tham khảo thêm thông tin ngay đầu trang giao lưu mà bác sĩ Thúy Minh đã trả lời.

* Con gái tôi gần 5 tuổi. Cháu chậm nói và có đi khám ở Viện Nhi và BS nói cháu có dấu hiệu tự kỷ. Đến năm 3 tuổi cháu mới biết nói. Giờ thì cháu nói rất nhiều, và thấy bất kỳ từ gì trên tivi hoặc xung quanh mà cháu thấy lạ cháu đều hỏi. Thậm chí có từ cháu vận dụng đúng hoàn cảnh, chẳng hạn "bạn này không biết vẽ, học dốt lắm" nhưng nói xong cháu lại hỏi: "Mẹ ơi thế học dốt là gì?". Nói chung là cháu hỏi rất nhiều, những thứ đại loại như vậy. Tôi không có người thân bị tự kỷ nên cũng không chắc có phải con mình bị thế không hở chị Mai Anh? - (Minh Minh, 36 tuổi, Nữ , Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội)

Chị Mai Anh
: Cho đến bây giờ trên thế giới vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính để gây ra chứng tự kỷ.

Theo lời bạn kể, con của bạn chưa hẳn là bị chứng tự kỷ. Bởi vì các nhà chuyên gia cũng như bác sĩ, khi khám cho bất cứ một trẻ nào từ 0 - 6 tuổi thì cũng không gắn mác tự kỷ ngay cho đứa trẻ đó mà họ chỉ nói có triệu chứng, nguy cơ bị tự kỷ thôi. Khi được can thiệp, quan tâm chăm sóc, rất nhiều trẻ đã hết triệu chứng đó và hòa nhập được với xã hội.

* Xin hỏi BS Minh. Tôi đã đem con vào Viện Nhi khám bệnh Tự kỷ, nhưng tôi thấy nhiều cháu trông rất xinh và nhanh nhẹn, biết đùa với bạn sao vẫn phải học ở đây?- (Dũng Quang, 36 tuổi, Nam , Từ Sơn, Bắc Ninh)

BS Quách Thuý Minh
: Hầu hết các cháu tự kỷ trông đều xinh xắn, nhanh nhẹn nhưng không thể xét trẻ bị tự kỷ theo vẻ bề ngoài. Tự kỷ là một rối loạn phát triển do hệ thần kinh bất thường. Cần phân biệt trẻ tự kỷ chậm nói với trẻ không bị tự kỷ nhưng bị chậm nói (chậm nói đơn thuần). Trẻ chậm nói đơn thuần có thể là do cha mẹ ít dạy và ít cho trẻ giao tiếp với xung quanh, nhưng những trẻ này vẫn có giao tiếp bằng mắt, vẫn có những cử chỉ, giao tiếp thông thường, vẫn thích chơi với các bạn, vẫn biết chơi các đồ chơi đa dạng mà không có những hành vi định hình như trẻ tự kỷ.

Nếu trẻ chậm nói đơn thuần được tác động và dạy dỗ, trẻ sẽ nói được sớm.

Con trai tôi năm tuổi, cháu nói được từ lúc 2 tuổi. Nhưng hay có thói quen nếu không đồng ý thứ gì cháu nằm lăn ra ăn vạ, bứt tóc bứt tai trông sợ lắm. Không ai có thể dỗ cháu nín được. Vậy đây có phải là biểu hiện của bệnh tự kỷ không ạ? - (lan Nhi, 31 tuổi, Nữ , Đội Nhân, Hà Nội)

Chị Mai Anh:

 Như vậy, con bạn biết nói lúc 3 tuổi so với sự phát triển của trẻ bình thường thì con bạn bị chậm phát triển ngôn ngữ.

Hiện tại cháu hay hỏi là do muốn khám phá thế giới xung quanh, là điều rất bình thường đối với trẻ nhỏ. Khi giải thích cho bạn, bạn nói rất đơn giản vì lúc này tư duy của trẻ chưa phát triển nên cháu không hiểu những từ mang tính trìu tượng và quá trìu tượng. Còn muốn biết con có bị tự kỷ hay không thì bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ.

* Con trai tôi đến nay 10 tuổi (cháu sinh năm 2001), năm 2 tuổi khám bệnh ở BV nhi Trung ương, bs kết luận Tự kỷ, tôi xin hỏi: Cháu có được coi là khuyết tật không, khám chữa bệnh, đi học, điều trị ở đâu? con tôi có được hưởng các chế độ như một cháu bé khuyết tật không? - (Huy, 48 tuổi, Nam , 278 ton duc thang)

BS Quách Thuý Minh:
Thực sự trẻ tự kỷ bị khuyết tật phát triển đa dạng: chậm nói, kém tự lập, trí tuệ thường chậm phát triển, kém hoà nhập, kém hoà hợp các giác quan…

Trẻ cần được hưởng các chế độ như một cháu bé khuyết tật. Hiện nay, trong Luật Người khuyết tật ban hành đầu năm 2011, vẫn chưa có từ tự kỷ trong văn bản. Các cha mẹ của trẻ tự kỷ và các tổ chức cộng đồng đang tích cực đề nghị Nhà nước có Nghị định cụ thể để hướng dẫn cho trẻ được hưởng chế độ.

Tôi bị bệnh tự kỉ lúc nào cũng u sầu tôi muốn hỏi làm thế nào để tôi hoà nhập cộng đồng - (tran quang sao, 23 tuổi, Nam , hai phong)

BS Quách Thuý Minh:
Có thể bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Tâm bệnh để xác định xem bạn bị tự kỷ hay trầm cảm. Trước hết, bạn nên chia sẻ băn khoăn với người thân, tham gia các hoạt động xã hội, thể thao… để tạo sự thoải mái và đó là những dịp gặp gỡ với mọi người.

Trong gần 2 tiếng, BS Quách Thúy Minh và chị Mai Anh đã trả lời phần lớn các câu hỏi của độc giả gửi tới VOVNews, giúp bạn đọc hiểu hơn và có cách nhìn chính xác hơn về chứng tự kỷ ở trẻ. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi và hẹn gặp lại ở chương trình phòng mạch online lần sau./.