PV: Chúc mừng chị và nhóm phóng viên Cơ quan thường trú VOV khu vực Tây Bắc đoạt giải B, giải báo chí Quốc gia!
Nhà báo Tuyết Lan:
Cảm ơn bạn! Khi biết tin tác phẩm “Tây Bắc: Càng học…càng nghèo” của nhóm phóng viên gồm tôi (Tuyết Lan) và An Kiên, Khắc Kiên, Đinh Tuấn của Cơ quan thường trú Khu vực Tây Bắc đoạt giải B - Giải báo chí Quốc gia năm 2016 và cũng là giải cao nhất của VOV trong mùa giải năm nay, chúng tôi rất xúc động, tự hào.

vov_tuyet_lan_lopb.jpg
Nhà báo Tuyết Lan, một trong những tác giả đoạt giải B - Giải báo chí Quốc gia năm 2016 thuộc Cơ quan thường trú VOV tại khu vực Tây Bắc.
Giải B này thực sự mang tính tập thể rất cao, thực sự là công sức của cả Cơ quan thường trú Khu vực Tây Bắc, từ lãnh đạo đến phóng viên, rồi kỹ thuật viên, phát thanh viên. Tôi và 3 phóng viên chỉ là những người được phân công tham gia thực hiện và may mắn được đứng tên tác giả.
PV: Chị có thể nói cụ thể hơn?
Nhà báo Tuyết Lan:
Thực ra so với các khu vực khác trong cả nước, các tỉnh vùng cao Tây Bắc không nhiều sự kiện như các tỉnh miền xuôi. Chúng tôi rất thấm thía với sự chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan, là phải tìm và phát hiện sự kiện, vấn đề mang tính đặc thù của Tây Bắc. Và theo hướng đó, chúng tôi đã phát hiện ra nhiều vấn đề của Tây Bắc, trong đó có tình trạng thất nghiệp xảy ra trên địa bàn.
Với vùng cao Tây Bắc, sự học muôn vàn khó khăn, những câu chuyện “giáo viên cắm bản” hay “cõng con chữ lên non”, “bữa ăn học sinh bán trú”… đã nói lên điều đó. Bởi vậy, thật ngạc nhiên khi Tây Bắc hiện nay đang thừa trí thức, với hàng chục nghìn kỹ sư, cử nhân sau khi tốt nghiệp đại học không có việc làm, rơi vào tình cảnh thất nghiệp.
Đầu tiên, chính phóng viên của chúng tôi thường trú tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu… đã phát hiện vấn đề và liên tiếp báo cáo về lãnh đạo phòng. Lãnh đạo phòng tiếp nhận thông tin, bàn bạc, lên kế hoạch và đề xuất đề tài lên Ban giám đốc.
Rất nhanh chóng, Ban giám đốc Cơ quan thường trú đã xem xét và chỉ đạo thực hiện ngay loạt phóng sự. Với sự chỉ đạo đó, các phóng viên của chúng tôi đã lặn lội đến từng bản làng, hộ gia đình, địa phương có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất. Có được thông tin từ thực tế, phóng viên chúng tôi đã đặt nội dung làm việc với các cơ quan chức năng, các chuyên gia và Ban chỉ đạo Tây Bắc, để từ đó có được thông tin toàn cảnh về nguyên nhân thất nghiệp của thạc sỹ, cử nhân, kỹ sư; rồi giải pháp của các cơ quan chức năng trước thực trạng này.
PV:
Theo chị, đề tài này có sức lan tỏa và ý nghĩa như thế nào đối với Tây Bắc?
Nhà báo Tuyết Lan:
Tây Bắc là một trong những địa bàn khó khăn nhất trong cả nước. Và tình trạng lãng phí chất xám, kéo theo nhiều hệ lụy, chính là một vấn đề đáng quan tâm của Tây Bắc. Bà con vùng cao ai cũng mong muốn con em mình được đi học, có việc làm, giúp gia đình thoát khỏi đói nghèo. Thế nhưng thực trạng con em thất nghiệp, không có việc làm, dẫn đến tình trạng lãng phí chất xám, công sức đào tạo của nhà nước. Hệ lụy là nhiều gia đình để trang trải kinh phí cho con em đi học mà lâm vào cảnh nợ nần, và nếu tình trạng này không được giải quyết sẽ dẫn đến một hệ lụy nguy hiểm là người dân quay lưng với sự học.

Nhà báo An Kiên trong một lần tác nghiệp tại Lào Cai
Cho nên, khi loạt phóng sự của chúng tôi được phát sóng, đã mang lại hiệu ứng tích cực, bởi trong loạt phóng sự là lời cảnh báo cho các em chọn trường, ngành nghề đào tạo để theo học, cũng như cung cách đào tạo của các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp như hiện nay. Và đây cũng chính là vấn đề đặt ra đối với các tỉnh Tây Bắc.
Đó là bài toán muốn hạn chế lãng phí nguồn nhân lực, tài chính thì nhất thiết phải làm tốt công tác dự báo thị trường lao động, việc làm. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền hướng nghiệp cho học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, không làm thầy thì học làm thợ cũng tốt cho bản thân và xã hội. Tránh tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, kéo dài thời gian chờ việc khiến các em ra trường rồi “chữ thầy trả thầy”. Và điều đáng lo ngại là các em thất nghiệp không có thu nhập đã “biến” gia đình trở thành “con nợ” khó đòi của các ngân hàng.
Sau khi loạt bài phát sóng, niềm vui của chúng tôi không chỉ là đã phát hiện và phản ánh đúng thực trạng vấn đề đáng quan tâm của Tây Bắc, quan trọng hơn, chúng tôi tiếp tục nhận được sự phản hồi tích cực từ thính giả cả nước, từ các ngành chức năng của các địa phương. Có nghĩa là, thông điệp “Tây Bắc: càng học càng nghèo” đã và đang được quan tâm với nhiều hiệu ứng tích cực
PV:
Trong quá trình tác nghiệp, kỷ niệm nào khiến chị nhớ nhất?
Nhà báo Tuyết Lan:
Khi đến tiếp cận với bà con, nhiều hoàn cảnh làm chúng tôi trăn trở, khó quên. Có những gia đình trong nhà không có tài sản gì đáng giá, nhưng họ vẫn đi vay tiền và nợ một khoản 400 – 500 triệu đồng, để con em mình có tiền theo học. Đối với bà con vùng cao, đây là món nợ khổng lồ. Họ sẽ làm gì để trả món nợ này khi ngày công lao động hiện tại của người dân đã không đủ để trả lãi.
Rồi có những em sinh viên khi đã tốt nghiệp đại học, lại nghĩ bằng đại học chưa có giá trị lắm nên tiếp tục vay tiền đi học thạc sỹ. Ai ngờ cuối cùng thì vẫn cứ thất nghiệp. Bây giờ em sinh viên đó lại phải đi học nghề, phải giấu tấm bằng thạc sỹ đi, để về địa phương kiếm việc làm.
Đó là những hoàn cảnh mà chúng tôi thấy rất chạnh lòng.
PV:Xin được chia sẻ và chúc mừng chị cùng tập thể Cơ quan thường trú VOV Khu vực Tây Bắc!./.

* Mời quý độc giả đọc lại loạt phóng sự "Tây Bắc: Càng học...càng nghèo" dưới đây: