Sáng nay (30/11), tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) đã tổ chức “Hội nghị Đối tác Phát triển Bảo hiểm Xã hội Việt Nam 2017”.

vov_bhxh_lids.jpg
Toàn cảnh hội nghị. 

Hội nghị nhằm báo cáo và tham vấn ý kiến các đối tác, các nhà tài trợ quốc tế về mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển ngành, đồng thời trao đổi, tìm hiểu khả năng hợp tác, hỗ trợ của các đối tác quốc tế đối với BHXH Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, hội nghị được tổ chức ngay sau thành công của Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng và trước thềm Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017 (VDF) do Chính phủ Việt Nam tổ chức dự kiến vào trung tuần tháng 12/2017, tại Hà Nội, cho thấy BHXH Việt Nam đang tích cực, chủ động hội nhập, đồng hành với sự phát triển của hệ thống an sinh xã hội thế giới. 

Nhìn lại 20 năm hoạt động và phát triển, bà Nguyễn Thị Minh cho biết, BHXH Việt Nam đã mở rộng, tăng nhanh và bền vững. Độ bao phủ của BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 2,2 triệu người (năm 1995) lên gần 80 triệu người (năm 2017); tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc đạt 85,3% dân số; quỹ BHXH là quỹ tài chính nhà nước lớn thứ 2 sau ngân sách nhà nước; hệ thống BHXH được tổ chức tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương với trên 20.000 cán bộ có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. 

Để đảm bảo phát triển bền vững hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam, Chính phủ đã định hướng mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho ngành BHXH đến năm 2020, đó là thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN; 90% dân số tham gia BHYT. Sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ BHYT. Xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. 

Bà Nguyễn Thị Minh cũng cho rằng những mục tiêu, nhiệm vụ trên đặt ra thách thức rất lớn đối với hệ thống BHXH Việt Nam. Thực tế triển khai hoạt động của hệ thống BHXH trong thời gian qua cũng cho thấy hiện còn nhiều bất cập như: người lao động ở khu vực phi chính thức tham gia BHXH còn thấp; quy trình thủ tục hành chính chưa thống nhất, thiếu đồng bộ; hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ còn mang tính hành chính; công tác dự báo chưa chính xác gây khó khăn cho việc xây dựng chiến lược dài hạn, kế hoạch trung hạn phát triển ngành cũng như quá trình tham vấn điều chỉnh và hoạch định chính sách BHXH, BHYT của Chính phủ. 

Trên cơ sở thực tiễn hoạt động của ngành và những dự báo về xu thế phát triển của hệ thống an sinh xã hội hiện đại trong bối cảnh chung của thế giới, bà Minh cho biết BHXH Việt Nam đang tích cực, chủ động hội nhập và phát triển, hướng đến một hệ thống BHXH chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững và hiệu quả, lấy sự hài lòng của mọi người dân và doanh nghiệp tham gia BHXH làm mục tiêu, làm thước đo chất lượng hoạt động./.