Theo bác sĩ Trần Đức Thọ, phó trưởng Khoa gây mê hồi sức, Bệnh viện K,, chị Đậu Thị Huyền Trâm mang thai trên nền cơ địa ung thư phổi giai đoạn muộn, phổi ứ nước và khối u đã di căn vào gan và hạch nên điều trị rất khó khăn.

chi_tram_pybi.jpg
Chị Đậu Thị Huyền Trâm trong vòng tay mẹ trong những ngày được điều trị tại Bệnh viện K, ảnh chụp sáng 26-7 trước khi chị Trâm về quê nhà Hà Tĩnh trong buổi chiều cùng ngày - Ảnh: Nguyễn Khánh.

Những ngày sau sinh chị bắt đầu được điều trị tích cực nhưng đáp ứng với thuốc rất hạn chế và chị có nguyện vọng về lại quê nhà Hà Tĩnh.

Chiều 26/7, dù sức cùng lực kiệt nhưng chị Trâm vẫn về tới nhà an toàn và qua đời chiều 27/7.

Trong khi đó, bé Gấu con chị Trâm đang tiếp tục được điều trị tại Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện phụ sản trung ương.

Các bác sĩ của trung tâm cho biết sức khỏe bé Gấu đã tiến triển khả quan hơn so với thời điểm mới vào viện, như phổi tốt hơn, thở tốt hơn, nhưng bé phải điều trị tại đây trong  3 tháng mới có thể được ra viện. Khi bé 4 tuần tuổi sẽ được kiểm tra đánh giá về mắt.

Chị Trâm qua đời trước khi được ôm con lần đầu tiên trong đời, bé Gấu ra đời sau ca mổ bắt con ngày 10-7 (khi bé Gấu ở tuần thai 28 tuần 5 ngày), và được các bác sĩ đưa vào lồng ấp và chuyển Bệnh viện Phụ sản T.Ư cấp cứu ngay.

Điều an ủi là chị được nghe tiếng khóc đầu đời của con trai, đứa con chị đã đánh đổi bằng cả sức khỏe và sự sống của mình.

Những ngày qua, câu chuyện xúc động người mẹ hoãn điều trị ung thư để giữ con của mẹ con bé Gấu đã khiến cộng đồng hết sức cảm động.

Mẹ bé nhận được kết quả chẩn đoán mắc ung thư phổi ở giai đoạn muộn khi đang mang thai ở tuần thứ 19, chị đã trì hoãn điều trị để giữ con, dù 2 tháng trước sinh chị không nằm được vì nếu nằm sẽ không thở nổi.

Theo ông Trần Văn Thuấn, phó giám đốc Bệnh viện K, các bác sĩ đã rất nỗ lực để điều trị cho mẹ bé Gấu, nhưng bệnh hiểm nghèo và thời điểm bắt đầu điều trị đã quá muộn nên chị Trâm đã không qua khỏi. 

Trước đó, bác sĩ Trần Đức Thọ - phó trưởng khoa gây mê hồi sức Bệnh viện K, người trực tiếp tham gia điều trị cho chị Trâm từ cuối tháng 6 khi chị nhập viện - nói anh không tưởng tượng được về nghị lực của người mẹ.

Chị Trâm đã cố trì hoãn đến khi không thể chịu đựng được nữa mới quyết định mổ sinh con. Chị đã cố gắng giữ con trong bụng thêm ngày nào hay ngày đó để đứa trẻ tránh được các tổn thương về phổi, về võng mạc và lớn lên được khỏe mạnh dù những ngày qua chị phải ngồi suốt ngày đêm, phổi ứ dịch thỉnh thoảng phải hút bớt, khối u cũng đã di căn.

Thời gian qua, chị Trâm hầu như không thể điều trị căn bệnh ung thư đang tiến triển từng ngày, mà chỉ điều trị các triệu chứng bằng các loại thuốc được thảo luận rất kỹ giữa 2 bệnh viện K và Phụ sản T.Ư nhằm đảm bảo an toàn cho đứa trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Liên Phương - phó trưởng khoa sản 1 Bệnh viện Phụ sản T.Ư, người trực tiếp mổ đẻ cho chị Trâm và đón bé Gấu - cứ nhắc mãi về lời tâm sự của chị Trâm khi quyết định mổ bắt con vào đêm 10/7: “Trâm nói để bé ra đời và để bé tự chống chọi. Trâm không thể giúp bé được nữa. Dù ngay khi mổ đẻ cũng phải ngồi, có hai người đỡ hai bên thành bụng, nếu không ruột tràn hết xuống phần vết mổ, Trâm đã được an ủi khi nghe tiếng khóc chào đời của con”./.

Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm công tác ở phòng Tham mưu tổng hợp Công an tỉnh Hà Tĩnh.

Sau khi lấy chồng, thiếu ủy Trâm mang bầu đứa con đầu lòng được tuần thứ 11 thì phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối.

Dự kiến thiếu úy Trâm sẽ được gia đình an táng tại TP. Hà Tĩnh vào 14g30 ngày 28-7. (V.Đ)