Những ngày gần đây, vào buổi sáng, thủy triều ở bờ biển Phan Thiết rút ra xa để lộ nhiều bãi cát dài xâm xấp nước. Đây chính là thời điểm thuận lợi để khai thác đặc sản chang chang. Do vậy, sáng nào cũng vậy, hàng trăm người đổ về các bãi cát cào loại đặc sản này. Đông nhất là ở bãi biển từ làng chài Tiến Bình, xã Tiến Thành đổ về hướng Suối Nhum. Người cào chang chang đứng tiếp nối nhau thành một dãy dài hàng cây số.  

vov_chang_chang_3_vxmw.jpg
Người dân Phan Thiết đổ xô ra biển cào chang chang.

Nơi bờ cát xấp nước, người làm nghề đeo đai vào lưng, tay cầm cây cào lớn có lồng cào sắc nhọn, đi thụt lùi để cào chang chang. Chang chang nằm lẫn trong cát mắc lại trong hộc cào, được hất vào miệng lưới gắn sau miệng cào. Cứ thế, hết lượt này đến lượt khác, chang chang đầy trong túm lưới.

Ông Huỳnh Thanh Hùng, người dân xã Tiến Thành đang cào chang chang ở bờ biển cho biết:Cào chang chang, cào  phải ăn sâu xuống 10cm. Có nước mới lôi được cào, vì cát rất nặng".

Chang chang có quanh năm ở vùng biển Phan Thiết. Tuy nhiên, vào đầu mùa gió Bấc, chang chang theo con nước từ bên dưới vào trú trong các bãi cát gần bờ nhiều hơn. Chang chang bắt được chủ yếu là loại lớn, được đầu nậu mua với giá 20.000-25.000 đồng/kg, cung cấp cho các chợ, quán ăn, nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi ngày, mỗi người cào được khoảng từ 20 đến 30 kg, có khi trúng đậm lên đến 40 kg.

Chang chang được bán với giá từ 20.000-25.000 đồng/kg.

Xuống biển từ 5 giờ sáng, làm đến gần 12 giờ trưa, ông Đặng Văn Tám thu được gần 30 kg chang chang; kiếm được hơn 500.000 đồng mỗi ngày.

Vào mùa gió bấc thổi mạnh, ở Phan Thiết, Bình Thuận, phần lớn ghe thuyền tạm ngừng ra khơi. Trong lúc nhàn rỗi, một số ngư dân nghỉ đi biển đã chuyển qua nghề cào chang chang. Nhờ đó, họ duy trì được nguồn thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình./.