Như VOV đã đưa tin, 17 y, bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum và 7 người dân đã bị nghi phơi nhiễm HIV sau khi tham gia cấp cứu người bị tai nạn giao thông và tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân nhiễm HIV. Tuy nhiên, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS của tỉnh Kon Tum lại bán thuốc chống phơi nhiễm (ARV) cho 2 người dân với số tiền hơn 2 triệu đồng. Bộ Y tế khẳng định, việc làm này là sai quy định.
TS Hoàng Đình Cảnh- Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum bán thuốc chống phơi nhiễm HIV (ARV) cho người dân dự phòng sau khi tham gia cấp cứu tai nạn giao thông là vi phạm quy định. Bởi, Trung tâm này không có chức năng bán thuốc mà chỉ được phép tư vấn và giới thiệu người dân mua thuốc ARV tại những hiệu thuốc có bán loại thuốc này. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm trong toàn ngành.
Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay chưa có quy định nào về việc cấp thuốc miễn phí cho người dân nếu bị phơi nhiễm HIV từ người khác, kể cả khi tham gia cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông.
Ông Hoàng Đình Cảnh nói: “Hiện nay, theo quyết định 265 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ điều trị đối với những người phơi nhiễm do rủi ro nghề nghiệp thì được xét nghiệm, điều trị miễn phí và được nghỉ 20 ngày phép trong quá trình điều trị. Ngoài ra, đối với các đối tượng khác chưa có quy định cấp thuốc miễn phí và những đối tượng này phải tự tìm nguồn thuốc điều trị, nghĩa là phải đến các phòng tư vấn của hệ thống phòng chống HIV/AIDS sẽ được tư vấn, hướng dẫn mua thuốc tại các điểm bán thuốc”.
Mặc dù chưa có quy định, nhưng xét thấy 7 người dân đã tích cực tham gia cấp cứu người bị nạn và bị phơi nhiễm HIV do tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chỉ đạo Sở Y tế Kon Tum tiến hành cấp miễn phí thuốc ARV để điều trị dự phòng cho những người này. Tuy nhiên, người dân đề nghị, cần có quy định về việc cấp thuốc ARV miễn phí trong những trường hợp đặc biệt, như ở Kon Tum vừa qua.
Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. |
Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai nói: “Ví dụ các trường hợp tai nạn giao thông cần được cấp cứu ngay mà máu của nạn nhân chảy lênh láng vẫn phải bế bệnh nhân lên, tiếp xúc với máu để cứu nạn nhân. Những trường hợp đặc biệt như thế, người dân tham gia cấp cứu không có dụng cụ bảo hộ cần phải được hưởng chế độ ưu tiên. Tôi nghĩ, cơ quan chức năng phải có quy định thêm về điều này. Hiện nay, có thể những trường hợp này ít nên cơ quan quản lý chưa bao quát hết, chưa có quy định cụ thể”.
Bộ Y tế đang kiến nghị Chính phủ cho phép chi trả bảo hiểm y tế đối với việc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS cũng như điều trị dự phòng phơi nhiễm hoặc nghi phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV, đảm bảo việc dự phòng và điều trị được kịp thời, đạt hiệu quả bền vững./.
Cách xử trí khi bị phơi nhiễm HIV
VOV.VN - Phơi nhiễm HIV đều có thể xảy ra cả trong và ngoài môi trường nghề nghiệp. Dưới đây là cách xử trí khi nghi bị phơi nhiễm HIV.
24 người bị nghi phơi nhiễm HIV sau tai nạn giao thông tại Kon Tum
VOV.VN - 17 y, bác sỹ của Trung tâm y tế huyện Đắk Hà và 7 người dân khác bị nghi phơi nhiễm HIV sau ca cấp cứu tai nạn giao thông tại Kon Tum.
Những người nổi tiếng bị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV
VOV.VN - Họ đều là những diễn viên, những ca sĩ, vận động viên... nổi tiếng và tài năng nhưng đều qua đời vì căn bệnh thế kỉ.
Đặc nhiệm Sài Gòn truy bắt kẻ cướp nhiễm HIV
Nhiễm HIV và nghiện nặng, Trung đón xe ôm lúc nửa đêm chỉ về khu vực vắng người tại vùng ven Sài Gòn để cướp.