Mấy ngày nay, khu dân cư Hà Ra, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang xôn xao trước thông tin 3 tàu cá bất ngờ bị phía Indonesia bắt giữ. Nhiều ngư dân tỉnh Khánh Hòa phản đối hành động sai trái của phía Indonesia và đề nghị sớm trao trả 3 tàu cá cùng các ngư dân.
Ngư dân Phạm Giùm cho biết, 3 tàu cá bị bắt giữ là tàu vỏ gỗ số hiệu KH-95758, có công suất 350 CV của gia đình ông; 2 tàu còn lại mang số hiệu KH 98168 và KH 91558 của công ty TNHH Lê Trứ. Tàu cá của ông Giùm chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương từ nhiều năm nay tại vùng biển huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Đây là ngư trường truyền thống của ngư dân Nam Trung bộ. Tàu cá của ông xuất bến từ ngày 7/8 đến 10/8, khi đang khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam thì bị lực lượng chức năng của Indonesia bắt giữ trái phép.
Ông Phạm Giùm lo lắng: "Đây là truyền thống của tôi làm hồi giờ, tôi chưa bao giờ bị bắt. Vùng biển của Việt Nam mình tại sao họ lại bắt, đó là chuyện vô lý. Tôi đang lo nhất đó là tài sản 3 chiếc tàu của chúng tôi. Hơn nữa là 26 thuyền viên ăn uống như thế nào? Sức khỏe ra sao? Covid bên đó hoành hành cũng mạnh, gia đình chúng tôi đang sợ. Vừa con của mình vừa ngư dân, gia đình người ta cũng hoang mang hết".
Từ khi bị bắt giữ vào ngày 10/8 đến nay, cả 3 tàu cùng các ngư dân đều bị mất liên lạc.
Ông Lê Trứ, Giám đốc Công ty TNHH Lê Trứ cho biết, 2 chiếc tàu của ông vừa được đầu tư đóng mới, tổng giá trị hơn 30 tỷ đồng, hiện nay, doanh nghiệp này còn nợ ngân hàng đến 1/2 số tiền đóng tàu. Việc 3 tàu cá hoạt động bình thường trong vùng biển của Việt Nam bị Indonesia bắt giữ là hết sức vô lý.
Ông Lê Trứ đã làm đơn đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam can thiệp, bảo vệ tài sản, tính mạng của ngư dân: "Mấy chiếc tàu đó, giá trị tài sản nó lớn quá, 2 chiếc tàu đã hơn 30 tỷ đồng. Tôi đã ra Hà Nội gửi đơn hết tất cả đơn vị, đề nghị tạo điều kiện giúp đỡ bà con ngư dân, bảo hộ về trước. Có điều kiện lấy được tàu về, để làm ăn trả nợ".
Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa khẳng định, qua Hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản, từ ngày xuất bến đến thời điểm bị bắt giữ, các tàu cá hoạt động trong vùng biển của Việt Nam, không có thời điểm nào xâm phạm vùng biển nước ngoài nhưng lại bị lực lượng chức năng của Indonesia bắt giữ và dẫn ra khỏi vùng biển Việt Nam.
UBND tỉnh Khánh Hòa đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành Trung ương có biện pháp bảo hộ công dân, đề nghị phía Indonesia đảm bảo an toàn cho thuyền viên, trao trả 3 tàu về lại Việt Nam, không tiếp diễn việc bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam.
Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết: Tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, có chính sách hỗ trợ cho các tàu cá này khi về bờ, sớm tổ chức lại hoạt động khai thác thủy sản.
"Ngư dân mình không có vi phạm gì hết, vi phạm là phía Indonesia. 3 trường hợp này bị bắt oan, bắt ngay trên vùng biển của Việt Nam mình. Giờ bị bắt đó, báo về mình biết được thông tin, lên máy nằm hoàn toàn trong vùng biển của Việt Nam chứ không vi phạm vùng biển của Indonesia. Tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản ra ngoài Chính phủ để can thiệp để đưa tàu và ngư dân mình về nước" - ông Én cho biết./.