Liên quan đến vấn đề bồi thường đối với trường hợp thiếu nữ Lê Thị Hà Vi (16 tuổi - bị cưa chân do sự tắc trách của Bệnh viện đa khoa Cư Kuin), luật sư Đặng Huỳnh Lộc - Đoàn luật sư TP HCM cho biết trách nhiệm thuộc về đơn vị để xảy ra sự việc.
Theo luật sư Lộc, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực từ 1/1/2010 đã cụ thể hoá phạm vi trách nhiệm trên các lĩnh vực: quản lý hành chính công quyền; dân sự, hành chính; quyền được yêu cầu bồi thường của tổ chức, cá nhân bị gánh chịu thiệt hại về cả vật chất và tinh thần; xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường (là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại)…
Bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin. Ảnh:M. Q |
Ngoài ra, luật còn hướng dẫn các thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có hành vi hoặc quyết định sai trái.
“Tuy nhiên, khi người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thì mới đủ điều kiện để làm các thủ tục yêu cầu bồi thường. Trong trường hợp này, gia đình cháu Vi phải chờ Hội đồng giám định y khoa tỉnh có kết luận cuối cùng thì mới gửi đơn yêu cầu bồi thường được”, luật sư Lộc thông tin.
Theo vị luật sư, khi có kết luận cuối cùng, gia đình cháu Vi cần chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tinh thần theo Điều 9 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước.
Liên quan đến nguồn kinh phí bồi thường, luật sư Lộc cho biết, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin phải có văn bản gửi Sở Y tế Đắk Lắk, Sở Tài chính xin trích kinh phí của tỉnh để chi trả. Sau khi có kết luận cá nhân nào để xảy ra sai phạm sẽ yêu cầu hoàn trả một số tiền đã được tạm ứng trước đó.
Sáng 25/3, Lê Thị Thùy Trang (chị gái Hà Vi) cho biết gia đình đã gửi đơn lên Bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin và Sở Y tế Đắk Lắk yêu cầu bồi thường thiệt hại về mặt vật chất và tinh thần cho em gái.
Hà Vi điều trị tại bệnh viện. Ảnh:Gia đình cung cấp. |
Theo nội dung đơn trình bày, trong quá trình điều trị vì sự tắc trách của đội ngũ y, bác sĩ dẫn đến tình trạng Hà Vi bị cưa chân. Do đó, gia đình yêu cầu cơ quan chức năng có liên quan bồi thường vật chất, tinh thần để bù đắp phần nào mất mát mà Hà Vi và gia đình gánh chịu.
"Trong đơn, gia đình chưa đưa ra mức bồi thường là bao nhiêu vì đợi các cơ quan chức năng kết luận. Tuy nhiên, mức tiền gia đình sẽ yêu cầu khoảng 1 tỷ đồng", chị gái nạn nhân nói.
Trước đó, vào trưa 6/3, trên đường đi học về, Vi bị tai nạn giao thông té xuống đường. Sau khi người gây tai nạn bỏ chạy, người dân đã đưa Vi vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin.
Chị Lê Thị Thùy Trang (chị gái của Vi) cho biết sau khi nhập viện, các bác sĩ chẩn đoán Vi bị gãy mâm chày bên phải rồi bó bột. Đến tối cùng ngày, Vi kêu bó bột chật quá, kêu gào đau đớn và bị tê chân, phần dưới không còn cảm giác. Do vậy gia đình đã đề nghị bác sĩ tháo bột ra và cho chuyển viện nhưng đến sáng 8/3, các bác sĩ mới đồng ý.
Thấy chân Vi xuất hiện nhiều bỏng nước, sưng vù, gia đình tiếp tục đề nghị được chuyển viện nhưng các bác sĩ bảo bệnh nhẹ, không cần chuyển viện. Suốt những ngày sau đó, bệnh viện hầu như không có động thái xem xét kỹ lưỡng vết thương, đến ngày 11/3 nơi này mới cho chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.
Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ cho biết chân Vi đã hoại tử. Chiều cùng ngày, các bác sĩ đã chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM phẫu thuật cắt bỏ gần hết chân phải do hoại tử./.
Nữ sinh bị cưa chân bắt đầu tập vật lí trị liệu
Nữ sinh bị cưa chân: Người nhà yêu cầu bồi thường 1 tỉ đồng
Gia đình nữ sinh bị cưa chân yêu cầu xử lý hình sự bác sĩ tắc trách
Vụ nữ sinh bị cưa chân: Bộ trưởng Y tế xin lỗi là xong?