Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2018, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên hơn 2.557.300ha, tăng 3.502ha so với năm 2017, tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng đạt 46%. Trong năm 2018, lực lượng chức năng đã phát hiện 4.114 vụ vi phạm quy định về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 844 vụ so với cùng kỳ, với diện tích rừng bị thiệt hại 255ha, giảm 92ha so với năm 2017.
Diện tích rừng Tây Nguyên tăng nhưng nạn phá rừng diễn biến phức tạp. |
Mặc dù bức tranh tổng thể của quản lý bảo vệ rừng ở Tây Nguyên đạt nhiều kết quả tích cực, song thực tế vẫn còn nhiều điểm nóng phá rừng xảy ra, diễn biến phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, có tổ chức; diện tích rừng tự nhiên trong khu vực tiếp tục bị suy giảm...
Theo ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, công tác quản lý bảo vệ rừng của các tỉnh ở Tây Nguyên đều đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Toàn cảnh Hội nghị. |
“Đến nay ở Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên thì trữ lượng rừng giảm hết sức nghiêm trọng, mặc dù rất chú ý rồi nhưng việc xử lý của chính quyền các cấp chưa có kết quả cao, đặc biệt là trong công tác bảo tồn, phát triển và nâng cao trữ lượng rừng. Hiện Đắk Lắk cũng như Lâm Đồng và các tỉnh khác, họ không chặt nữa mà bơm thuốc đầu độc cho cây chết, trong khi kiểm lâm hay các lực lượng khác không thể suốt ngày ngồi dưới gốc cây rừng”, Ông Y Giang Gry Niê Knơng nói.
Còn ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng thì cho rằng, mặc dù địa phương đã tăng cường và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác quản lý bảo vệ, nhưng nạn phá rừng chiếm đất vẫn xảy ra và ngày càng trở nên khó kiểm soát, việc xác định đối tượng vi phạm là điều vô cùng khó khăn.
“Hiện hành vi phá rừng không phải là vào khai thác rồi vận chuyển đi bán, mà là khai thác lấy đất đi bán giá trị hơn nhiều, rất khó cho việc xử lý. Những vụ vi phạm như thế này nếu không xử lý dứt điểm thì việc quản lý bảo vệ rừng sẽ không có hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Sơn nói.Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng hiệu quả, đưa diện tích rừng đạt 2,72 triệu ha và nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2% theo mục tiêu mà Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển bền vững rừng vùng Tây Nguyên đã đặt ra, ngoài triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành, các đơn vị lâm nghiệp, địa phương các tỉnh cần tập trung toàn lực xử lý triệt để các vụ phá rừng xảy ra.
“Tôi có tài liệu giải đoán nhanh, chưa phải chính thức thì giữa số liệu chúng ta báo cáo, đánh giá rừng hàng năm, nhất là năm 2018 so với ảnh này đã có sai khác, giảm khoảng 4.000ha mà chủ yếu là rừng tự nhiên. Gần đây xảy ra tình hình xâm phạm nói chung, nhất là với rừng thông, hành vi khoan cây bơm hóa chất, hủy hoại tài nguyên rừng… nhưng có vẻ như chúng ta chưa quyết liệt trong đấu tranh, nhất là việc điều tra tìm ra các hành vi vi phạm. Nếu chúng ta không ngăn chặn hành vi này thì nó sẽ trở thành "bệnh dịch" rất nguy hiểm”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay./.