Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng “cò” vé tàu Tết nhưng theo ghi nhận, tại Ga Sài Gòn vẫn có rất đông các đối tượng "cò vé" sẵn sàng chèo kéo hành khách có nhu cầu.
Trước một số quán nước ngay trong sân ga, chỉ cần khách hàng dừng xe lại là đã có nhiều "cò vé" mời mua. Những "cò vé" ở đây cho biết, vé mua không chính chủ vẫn có cách để lên được tàu và họ đảm bảo việc đưa được khách lên tàu. Khi chúng tôi đòi phải có vé “chính chủ” - tức đúng với tên và chứng minh nhân dân mới chịu mua, các "cò vé" cho biết, cũng sẵn sàng đáp ứng nhưng tiền công cao hơn. Thay vì 250.000 đồng, nếu như cần vé đúng tên, phải chịu tiền công chi riêng cho cò ngoài tiền vé là 400, thậm chí là 500.000 nếu muốn lấy vé nhanh.
Khu vực trước ga Sài Gòn nhiều “cò” vé vẫn ngang nhiên hoạt động. (ảnh: Báo Giao thông) |
Một cò vé nói: “Vé đã in sẵn rồi nên tụi tui chỉ sang tên thôi chứ có gì đâu. Sang tên tiền công cao hơn là đương nhiên. Người ta mua ở ngoài không sang tên 250.000 vẫn đi được, đâu có trục trặc. Năm nay nếu họ làm căng sẽ tăng tiền công lên, chuyển tên thôi”.
Vào trưa 19/1, có rất nhiều người dân đã đến gặp gỡ các "cò vé" để hỏi thông tin bởi càng đến gần Tết, nhu cầu có một tấm vé ngày càng lớn. Anh Bùi Văn Bình, sinh viên, sau khi hỏi vé từ "cò vé" đi Quảng Ngãi đã ngần ngừ ra về vì không yên tâm. Anh Bình nói: “Tôi không mua được vé xe chất lượng cao, canh mua online của Phương Trang cũng không được nên ra đây tìm mua thử nhưng chưa yên tâm nên chưa mua”.
Theo qui định của ngành đường sắt, năm nay, hành khách đi tàu phải có thông tin thẻ lên tàu chính xác với giấy tờ tùy thân (bản gốc) kèm theo. Vì thế, khách hàng khi mua vé từ "cò vé" sẽ không lên được tàu.
Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn giải thích: “Khách hàng mà sử dụng cái vé này chắc chắn sẽ không đi được tàu vì thông tin trên chứng minh nhân dân photo không có giá trị. Thứ hai, chỗ ngồi khách hàng là đúng vì đối tượng "cò mồi" chợ đen có thể photo nhiều bản, bán cho nhiều người”.
Ông Văn cũng lý giải việc tại sao "cò vé" có thể tự tin là “kiếm” được vé tàu “chính chủ”; đó là bởi hiện nay mỗi ngày có khoảng 200 vé tàu mà hành khách đã mua để đi từ 20 đến 28 tháng Chạp, nhưng thay đổi kế hoạch nên trả lại.
Số vé này sẽ được ngành đường sắt đưa lại lên hệ thống bán vé để phục vụ người dân. Vì thế, các đối tượng "cò vé" thường canh thời điểm ngành đường sắt đưa vé lên lại mạng bán vé tàu để mua và đăng kí đúng thông tin với hành khách để lấy tiền hoa hồng.
Trước tình trạng trên, ngành đường sắt thay vì đưa vé lên mạng bán vé vào một giờ cố định sẽ đưa ngẫu nhiên vào một giờ bất kì trong ngày hôm sau. Người dân quan tâm có thể theo dõi để đặt mua. Hiện Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền bằng băng rôn trước và trong ga để cảnh báo người dân không mua vé tàu từ "cò vé" để tránh tiền mất mà lại không lên được tàu./.