vov_ptt_trinh_dinh_dung_2_qizb.jpg
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa 7 chỉ đạo đối với ngành Tài Nguyên & Môi Trường trong năm 2017.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai kế hoạch 2017 của Bộ Tài Nguyên & Môi Trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh yêu cầu trong công tác thanh tra, kiểm tra của ngành: “Bộ cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực TN&MT đảm bảo không gây thất thoát, lãng phí trong sử dụng tài nguyên, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm để nâng hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, xử lý nghiêm, triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; xử lý các cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, Bộ cần tích cực nắm bắt tình hình, địa phương cơ sở, thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, tiếp nhận và xử lý kịp thời các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp không để xảy ra các điểm nóng, bức xúc trong xã hội”.

Trước đó, trong báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết: “Trong năm 2016, công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ TN&MT đã gắn với những vấn đề bức xúc từ thực tiễn, có sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương qua đó góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Toàn ngành đã tiến hành 1.816 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 60,86 tỷ đồng, thu hồi 5.348 ha đất và 59 tỷ đồng…”

Bộ TN&MT nhìn nhận công tác thanh tra, kiểm tra đã có sự đổi mới nhưng chưa trở thành công cụ sắc bén để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật, chưa tập trung giải quyết được hết các vấn đề về TN&MT gây bức xúc trong xã hội.

Từ đó, Bộ TN&MT đề ra phương hướng triển khai kế hoạch trong năm 2017 một cách hiệu quả hơn như: Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật tập trung vào những vấn đề bức xúc như: vấn đề bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, cấp giấy chứng nhận trong lĩnh vực đất đai, các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, việc chấp hành pháp luật trọng quản lý, thăm dò, khai thác khoáng sản, trong các hoạt động xả thải vào nguồn nước và quy trình vận hành liên hồ chứa.

Đồng thời, phải có sự tăng cường sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương để tạo sự chuyển biến trong kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Ngoài ra, cần thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ ở cơ sở không để hình thành các điểm nóng, phức tạp, khiếu kiện vượt cấp.

Theo đó, trong năm 2017 sắp tới, 5 đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT được giao chủ trì các cuộc thanh tra bao gồm: Thanh tra Bộ, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục Quản lý tài nguyên nước.

Trong đó,Thanh tra Bộsẽ thanh tra theo chuyên đề về việc chấp hành pháp luật khí tượng thủy văn đối với các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng tại Sơn La, Gia Lai và Quảng Nam; thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về TN&MT của UBND các tỉnh Bắc Giang, Lào Cai, Phú Thọ, Bình Thuận, Ninh Thuận, Kon Tum và An Giang…

Tổng cục Quản lý đất đai thanh tra việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai của các cấp, trọng tâm là các thủ tục: thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký lần đầu và đăng ký biến động đất đai, cấp Giấy chứng nhận đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện thủ tục từ ngày 01/7/2014 đến thời điểm thanh tra tại một số thành phố, quận, huyện, xã thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Gia Lai…

"Những định hướng của Phó Thủ tướng sẽ là kim chỉ nam cho toàn ngành TN&MT thực hiện trong thời gian tới với một tinh thần quyết tâm và nỗ lực đổi mới..." - Bộ Trưởng Trần Hồng Hà tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Tổng cục Môi trường thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Gia Lai, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Vĩnh Long; thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố thuộc các lưu vực sông Cầu (Bắc Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hải Dương), sông Nhuệ - Đáy (Hà Nam, Ninh Bình) và Đồng Nai (Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu)…

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thanh tra chuyên đề quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Đồng Nai, Quảng Bình, Nghệ An…

Cục Quản lý tài nguyên nước thanh tra việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông và một số hồ chứa thủy điện, thủy lợi tại các lưu vực sông: Đồng Nai, Vu Gia – Thu Bồn, Ba, Sê San, Srêpôk; thanh tra hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng, xả thải vào nguồn nước của một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Long An./.