Sáng nay (26/7), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Báo Nhân dân, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết đây là sự kiện quan trọng nằm trong tổng thể các hoạt động diễn ra trên khắp cả nước nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, biểu thị trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, quân và dân cả nước đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị, Bộ trưởng cũng đã biểu dương 700 đại biểu là thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công đại diện cho hàng triệu người có công trong cả nước, trong lực lượng Quân đội Nhân dân và lực lượng Công an Nhân dân.
Đây là các Mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu, những điển hình trong phong trào đền ơn đáp nghĩa, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động tiêu biểu, những người cả cuộc đời đi tìm hài cốt đồng đội hay gắn bó với anh linh các liệt sĩ; những người mẹ, người vợ, người con trung hậu đảm đang vượt khó vươn lên; các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, những người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học và những thương binh, bệnh binh tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, đã trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học giỏi, những doanh nhân thành đạt, nhiều người đã được Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý như anh hùng lao động, chiến sỹ thi đua, thầy thuốc nhân dân, nhà giáo nhân dân, nghệ sĩ nhân dân… những người không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn là các chiến sĩ tiên phong chống lại đói nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng đất nước.
Hơn 700 đại biểu là người có công với cách mạng tiêu biểu trên toàn quốc về dự hội nghị.
Trong số đó có mẹ Nguyễn Thanh Tùng (bí danh Nguyễn Thị Điểm), 87 tuổi, vừa là Mẹ Việt Nam anh hùng, vừa là Anh hùng lực lượng vũ trang. Mẹ Tùng sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở vùng Gia Định - Sài Gòn. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bố Mẹ và 8 người anh của Mẹ lần lượt hy sinh, từ năm 11 tuổi Mẹ đã làm giao liên cho các cơ sở cách mạng. Lớn lên Mẹ tham gia vào Mặt trận dân tộc giải phóng và công tác trong đội biệt động thành Sài Gòn. Đến khi lập gia đình, Mẹ sinh được hai người con trai là Phạm Quốc Nam và Phạm Quốc trong địa đạo.
Gặp nữ họa sỹ vẽ gần 1.500 chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng
Đến cuối năm 1967, Mẹ nhận được hung tin chồng của mình là liệt sĩ Phạm Văn Tám đã hy sinh. Nỗi đau ấy chưa nguôi ngoai, thì đến tháng 4/1975, Mẹ lại thêm muôn phần đau đớn khi cả 2 người con đều hy sinh trong trận đánh cầu Rạch Chiếc.
Với ý chí kiên cường bất khuất, Mẹ đã nén nỗi đau riêng để tiếp tục cùng anh em đồng đội hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục cùng tổ chức củng cố và xây dựng lực lượng, phát triển phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang chiến đấu trên các mặt trận để hướng tới ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Không chỉ mẹ Tùng mà cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm (Thanh Hóa) cũng khiến không ít người cảm phục. Anh dũng trong chiến đấu trên chiến trường, đến khi hòa bình lập lại, người lính năm xưa vẫn không ngừng chiến đấu chống lại cái đói, cái nghèo, xây dựng cuộc sống mới.
Ngay từ năm 1995, khi Đảng và Nhà nước có chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm đã đứng ra thành lập Công ty Bình Sơn chuyên về may mặc. Với số vốn ban đầu chỉ 500 triệu đồng, nhưng đến nay công ty Bình Sơn của ông Lâm đã phát triển rộng khắp với 9 công ty con, mang về lợi nhuận tiền tỷ mỗi năm và tạo công ăn việc làm cho hơn 3000 lao động. Đáng chú ý, trong đó có tới 2/3 số lao động là con em các cựu chiến binh, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh./.
Về nơi mỗi nhà dân đều có am thờ vọng các anh hùng liệt sỹ