Trước đó, bệnh viện C- Bộ Y tế đã thực hiện phong tỏa từ 0 giờ ngày 24/7. Đây là 2 bệnh viện lớn nhất Đà Nẵng, phục vụ khám chữa bệnh cho các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, việc đảm bảo các yêu cầu trong công tác phòng dịch ngay lúc này là cần thiết nên các bệnh viện đã thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch coviad-19, hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. 

Các cơ sở y tế khác trên địa bàn Đà Nẵng vẫn hoạt động bình thường.

Ngay tại cổng Bệnh viện Đà Nẵng hôm nay có bảng thông báo, kể từ ngày 26/7, Bệnh viện Đà Nẵng không triển khai khám bệnh ngoại trú, dừng tiếp nhận điều trị nội trú mới vào tất cả các ngày trong tuần, trừ trường hợp cấp cứu. Những người bệnh có thẻ Bảo hiểm Y tế ban đầu đăng ký tại Bệnh viện Đà Nẵng đến các cơ sở y tế khác trên địa bàn có hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để khám và điều trị bệnh. Việc tổ chức khám chữa bệnh sẽ được trở lại ngay sau khi bệnh viện Đà Nẵng có thông báo mới.

Khi bệnh viện Đà Nẵng phát đi thông báo này, nhiều người dân tỏ ra lo lắng cho người nhà đang là bệnh nhân được điều trị trong bệnh viện.

Trước đó, ngày 24/7, Bệnh viện C Đà Nẵng đã thực hiện lệnh phong tỏa bệnh viện. Hiện có 1020 người, gồm nhân viên y tế và bệnh nhân, người chăm nuôi, y bác sĩ, sinh viên thực tập… đang được cách ly trong bệnh viện này. Lãnh đạo Bệnh viện đang cố gắng bảo đảm tốt nhất điều kiện điều trị cho bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế khi bệnh viện thực hiện phong tỏa khu vực bệnh viện. Tất cả những người đang ở trong bệnh viện này đều được bố trí chỗ nghỉ ngơi, phục vụ ăn uống hàng ngày. Riêng các bệnh nhân điều trị bệnh lý đặc biệt về tiêu hóa, hô hấp, tim mạch sẽ có khẩu phần ăn riêng, phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Bệnh viện Đà Nẵng hạn chế người ra vào.

Lãnh đạo Bệnh viện C Đà Nẵng cho biết, trong thời gian 14 ngày, bệnh viện không làm thủ tục xuất viện cho các bệnh nhân đang điều trị, không tiếp thêm bệnh nhân mới. Toàn bộ nhân viên y tế đang làm việc tại bệnh viện thời điểm này đều cách ly theo quy định. Bệnh viện đã thành lập đội phục vụ gồm 29 thành viên phối hợp với Khoa Dinh dưỡng trực tiếp xuống nhà bếp để sơ chế, nấu thức ăn, phân chia khẩu phần cho bệnh nhân và những người đang cách ly. Nhằm đảm bảo quá trình cách ly diễn ra an toàn, Bệnh viện C Đà Nẵng đã quán triệt tinh thần của nhân viên y tế, tuân thủ tuyệt đối các quy định về phòng, chống dịch; tập trung điều trị, tư vấn, trấn an bệnh nhân trong quá trình cách ly.

Trong điều kiện Bệnh viện Đà Nẵng hạn chế tiếp nhận bệnh, Bệnh viện C thực hiện phong tỏa, các bệnh viện vệ tinh ở Đà Nẵng đang bố trí cán bộ, y bác sĩ đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.

Bác sĩ Võ Văn Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hải Châu cho biết, Bệnh viện Hải Châu huy động toàn bộ nhân lực làm việc gấp đôi thời gian bình thường để phục vụ người dân đến khám, chữa bệnh.

Tại Bệnh viện Hải Châu là nơi bệnh nhân 418 từng đến khám bệnh, bác sĩ Võ Văn Đông cho biết, bệnh viện đã thực hiện cách ly những y, bác sĩ có tiếp xúc gần với bệnh nhân này và hiện đang chờ kết quả xét nghiệm: "Bệnh nhân 418 chỉ đến đây trong vòng 1 tiếng đồng hồ thôi. Bệnh viện đã phun thuốc khử trùng. Những nhân viên tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân đã cách ly và lấy mẫu xét nghiệm rồi, đang chờ CDC Đà Nẵng. Nhân lực của chúng tôi đang rất căng vì số lượng người ít thì mỗi người phải làm việc bằng 2"./.