Trước đó, ngày 4/5, Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận 2 bệnh nhân trong một gia đình gồm Đinh Văn T. (39 tuổi) và Đinh Thị N. (38 tuổi), người dân tộc Ca Dong, ở huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi trong tình trạng ngộ độc nấm nặng. Trước đó, gia đình anh T. vào rẫy và hái nấm có màu trắng để ăn. Sau khi ăn tối, khoảng 12 tiếng đồng hồ sau, ông T, con gái (12 tuổi) và bà N. có biểu hiện đau bụng, nôn mửa ra máu, chóng mặt, đi ngoài phân lỏng. 3 người con còn lại do không ăn nấm nên không bị ngộ độc. Sau đó, vợ chồng ông T. và con gái được người thân đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cấp cứu.

Bà N. đang rất nguy kịch do tổn thương gan thận và não.
Bà N. đang rất nguy kịch do tổn thương gan thận và não.

Gia đình ông được điều trị ở đây 2 ngày, sau đó con gái được chuyển ra bệnh viện Phụ Sản- Nhi Đà Nẵng và 2 vợ chồng ông T. chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng.

Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, bệnh viện tiếp nhận người vợ trong tình trạng rối loạn tri giác, sau đó hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan cấp, suy thận cấp. Người chồng triệu chứng ngộ độc xảy ra chậm hơn, tỉnh táo, tiếp xúc được, tổn thương gan. Các bác sĩ đã tích cực điều trị, thải độc qua đường tiêu hóa và tiết niệu cho 2 bệnh nhân. Tuy nhiên, người vợ diễn tiến nặng, nhiễm độc gan nặng, suy gan cấp nên phải thay huyết tương, lọc máu liên tục, thở máy. Các bác sĩ vẫn đang theo dõi sát sao, tích cực cứu chữa cho bệnh nhân. 

Bác sĩ Hà Sơn Bình, Phụ trách Khoa Hồi sức Chống độc- Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: "Cực kỳ khó khăn bởi  bệnh nhân vừa tổn thương gan, thận, não. Vấn đề điều trị chỉ là còn nước còn tát. Các cơ quan ban ngành cần tuyên truyền cho tới người dân đặc biệt là người dân đồng bào miền núi về việc tránh ăn các loại nấm lạ"./.