Đây là thông tin được đưa ra tại họp báo cung cấp thông tin định kỳ tháng 3 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) tổ chức chiều 27/3.

Theo BHXH Việt Nam, tính đến 21/03/2018, cả nước đã có hơn 33 triệu lượt khám chữa bệnh được BHYT, với tổng chi phí đề nghị thanh toán hơn 16 tỷ, tăng 18,69% so với cùng kỳ năm 2017.

bhyt_khkv.jpg
Trong 3 tháng đầu năm, cả nước có hơn 33 triệu lượt khám chữa bệnh bằng BHYT. (Ảnh minh họa)
Đến hết tháng 02/2018, có 17 tỉnh chi vượt trên 20% nguồn kinh phí khám chữa bệnh dự toán trong kỳ như Quảng Ninh 31,9%; Bình Dương: 31,8%; Cần Thơ 31,1%; Đồng Tháp: 31,1%; Khánh Hòa 30,1%.

Cũng trong 3 tháng đầu năm số lượt khám chữa bệnh tăng cao nhất tại các tuyến huyện, song chi phí khám chữa bệnh lại tăng cao nhất ở các bệnh viện tuyến tỉnh.

Đặc biệt, có  tới 1.357 Trạm y tế xã có tỷ lệ gia tăng chi phí cao so với bình quân chung toàn quốc 17.74%.

Đáng chú ý, theo khảo sát của BHXH Việt Nam, vẫn có trường hợp người bệnh phải chi trả những khoản chi phí trong danh mục được thanh toán của BHYT.

Ths. BS Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Thực hiện Chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết: "Tình trạng thu thêm những khoản trong danh mục được BHYT chi trả vẫn diễn ra tại một số cơ sở y tế. Chúng tôi đã đề nghị BHXH các tỉnh yêu cầu các bệnh viện công khai việc thu BHYT, giá dịch vụ và danh sách những dịch vụ, vật tư, thuốc  nằm trong và ngoài danh mục được BHYT chi trả để người dân giám sát. Trong quá trình đó cũng cần giải thích rõ ràng cho người bệnh. Trong thời gian qua, có rất nhiều khoản mà bệnh nhân phải trả “oan”, nhưng chỉ có thể phát hiện sai phạm khi người bệnh phản ánh”.

Bên cạnh đó, ông Phúc cho rằng, lộ trình điều chỉnh giá BHYT hiện nay chưa thực sự chuẩn xác, dẫn đến việc chi phí thanh toán cao hơn so với mức thực tế của dịch vụ y tế.

Ông Phúc đơn cử: “Khi xây dựng giá, mỗi giường bệnh có 1 bác sỹ, 3 điều dưỡng,  nhưng qua khảo sát quá trình thực hiện, nhiều cơ sở không thực hiện đúng như trên. Ngoài ra, giá xây dựng định mức cao hơn rất nhiều so với giá thực tế. Nhiều thứ hiện nay không dùng, nhưng các bệnh viện vẫn tính vào tiền giường cho bệnh nhân. Trong khi hầu hết các phòng cấp cứu, hồi sức cấp cứu hiện nay đều dùng điều hòa, thì giá tiền giường vẫn tính thêm cả tiền màn. Theo cơ cấu giá, tất cả các bệnh viện hạng 2 trở lên các phòng đều có điều hòa, nhưng nhiều nơi lại không có. Hay trong các khoa về tai mũi họng, khi xây dựng bảng giá, thì kê khai loại máy móc hàng trăm triệu đồng, nhưng thực tế lại chỉ dùng loại vài chục triệu để khám chữa bệnh”.

Ông Phúc cho rằng đây là những bất cập thấy rõ tại các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay. Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ có những khảo sát cụ thể về vấn đề này./.