Giá vàng miếng SJC tăng "điên cuồng" bất chấp mọi động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bằng cách tổ chức đấu thầu vàng nhằm tăng lượng cung. Thế nhưng đến nay, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới vẫn cao, không phản ánh đúng quy luật thị trường.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/5, Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng mua vào 87,2 triệu đồng/lượng; bán ra là 89,5 triệu đồng/lượng, tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với mở cửa phiên giao dịch cùng ngày. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC hiện ở mức 2,3 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 86,8 – 88,3 triệu đồng/lượng. So với mở cửa phiên giao dịch ngày 9/5, giá vàng tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra. Khoảng chênh lệch giữa giá mua với giá bán vẫn duy trì ở mức 2,5 triệu đồng/lượng.

Vàng trong nước diễn biến ngược chiều với thế giới. Cuối giờ chiều 9/5 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao dịch trên sàn Kitco ở mức 2.308 USD/oz, giảm 1,7 USD/oz so với đầu giờ sáng cùng ngày.

Trong khi đó, giá nhẫn tròn trơn vàng Rồng Thăng Long cuối phiên chiều 9/5 tăng 140.000 đồng/lượng so với trưa 9/5, giao dịch ở mức 74,02 - 75,52 triệu đồng/lượng. Nhẫn tròn Phú Quý bán ra là 75,50 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng so với cuối phiên 8/5, giao dịch 73,90 – 75,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngoại tệ tại Vietcombank: 1 USD = 25.478 VND, giá vàng thế giới tương đương 70,84 triệu đồng/lượng, thấp hơn 18,66 triệu đồng/lượng so với giá bán vàng SJC bán ra ở cùng thời điểm.

Trong bối cảnh giá vàng trong nước đang “một mình một chợ”, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, khách hàng nên thận trọng đầu tư vì rủi ro rất lớn. Dư luận đang mong chờ Ngân hàng Nhà nước sớm sửa đổi Nghị định 24 xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, cho phép nhập khẩu vàng.

Trước đó, sáng 8/5, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC với giá sàn (giá tối thiểu các đơn vị trả khi dự thầu) là 86,05 triệu một lượng vàng miếng SJC. Có 3 đơn vị trúng thầu tổng khối lượng 3.400 lượng, “ế” đến 13.400 lượng vàng miếng SJC. Giá trúng thầu là 86,05 triệu, tương đương mức sàn Giá này cao hơn khoảng 1 triệu đồng mỗi lượng so với giá SJC mua vào từ người dân đầu ngày, và thấp hơn giá bán ra 1,3 triệu đồng.

Đây là lần thứ hai Ngân hàng Nhà nước tổ chức thành công sau 5 phiên đấu thầu. Tổng cộng, nhà điều hành tiền tệ mới cung ứng 6.800 lượng vàng miếng ra thị trường.