Với thành tích này, đội tuyển Wushu Việt Nam đứng thứ 2 chung cuộc, sau nước chủ nhà Singapore.  Phóng viên Đài TNVN đã phỏng vấn ông Lê Minh Hà, Trưởng Đoàn Wushu Việt Nam về vấn đề này.

PV: Thưa ông Lê Minh Hà, ông đánh giá thế nào về kết quả mà Đội tuyển Wushu giành được ở SEA Games lần này ?

HLV Lê Minh Hà: Đội Wushu tham dự SEA Games 28 với thành tích 4 HCV, 4 HCB, 3 HCĐ là một thành công. Các thành tích này đều nằm trong dự đoán của BHL cũng như là Bộ môn đã đặt và đăng ký với Tổng cục và Lãnh đạo đoàn TTVN. Trong năm nay, nhiệm vụ quan trọng nhất là SEA Games, ngoài ra, chúng ta còn một giải nữa đó là Giải vô địch thế giới tại Indonesia vào tháng 11, hầu hết các VĐV tham dự SEA Games lần này sẽ tham gia giải vô địch thế giới ở 1 vài nội dung mà chúng ta sẽ nhắm vào ASIAD 2018 xen kẽ thêm 1 số VĐV trẻ mà điển hình là tại SEA Games này Bộ môn cũng đã xin phép Tổng cục cho  đi cùng để có sự cọ xát và học hỏi kinh nghiệm thi đấu.

img_0466_kgvg_nnxb.jpg
Võ sĩ Trần Xuân Hiệp giành HCV nội dung đao thuật. (Ảnh: Trọng Phú)

PV: Ở SEA Games lần này thì VĐV Dương Thúy Vi chỉ giành được 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ. Điều này đã phản ánh đúng trình độ của VĐV này chưa, thưa ông ? 

HLV Lê Minh Hà: Về chất lượng và thành tích thì với khả năng và trình độ của Thúy Vi là đẳng cấp thế giới và đẳng cấp châu Á thì 1 HCV, 1 HCB, 1HCĐ như vậy thì chưa phản ánh đúng trình độ của Vi, tuy nhiên, nếu ta xét về điều lệ của SEA Games thì chúng ta hoàn toàn dễ hiểu. Nước chủ nhà Singapore đã chủ động đưa điều lệ của SEA Games nội dung Thương thuật sở trường của Thúy Vi là họ không đưa độ khó, mà từ không độ khó thì tất cả các VĐV đều có thể tham dự một bài thi mà không cần phải độ khó và khả năng diễn trên sân sẽ là dựa vào sự tính toán, sự nhận xét và cảm tính của các trọng tài là VĐV nào có sự diễn xuất tốt hơn thì VĐV đó số điểm cao hơn. 

Thúy Vi vẫn thể hiện đẳng cấp của một người đã có trình độ, vẫn đánh một bài có độ khó bình thường, không hề thay đổi độ khó so với ASIAD vừa rồi, tuy nhiên, giờ phút cuối Thúy Vi với điểm là 9,71 thì chúng tôi nghĩ là Vi đã nắm HCV rồi, tuy nhiên, VĐV Myanmar cũng có một bài thi rất thuyết phục và trọng tài đã cân nhắc để VĐV Myanmar có điểm số cao hơn Thúy Vi 0,01 điểm. Đây là một vấn đề rất đáng tiếc, còn Trường quyền thì tất cả các VĐV khả năng thi đấu giống nhau và VĐV nào có khả năng thể hiện xuất thần hơn thì VĐV đấy chiến thắng. Về góc độ chuyên môn tôi đánh giá Thúy Vi vẫn đảm bảo kế hoạch và trình độ. 

Chúng tôi nhắm đến cho Thúy Vi đó là tiếp tục bảo vệ HCV tại ASIAD lần sau, đó là mục tiêu lớn nhất và qua từng năm Thúy Vi sẽ phải dần hoàn thiện hơn, nâng cao bài thi đấu với yêu cầu độ khó và chất lượng cao hơn nữa để Thúy Vi không dừng lại ở đây. Còn về thành tích SEA Games thì Thúy Vi cũng đã đảm bảo đủ 1 bộ huy chương Vàng, Bạc, Đồng …

PV: Nguyễn Thanh Tùng cũng là VĐV đạt đẳng cấp châu lục vì sao lại không thành công ở kỳ SEA Games này ?

HLV Lê Minh Sơn: Thanh Tùng hoàn toàn không có duyên đối với SEA Games. Thanh Tùng thi đấu rất tốt ở ASIAD, là VĐV có đẳng cấp nằm ngoài sân chơi của Đông Nam Á. Về góc độ chuyên môn thì độ khó của Thanh Tùng chọn là độ khó rất ngặt nghèo mà các VĐV nếu như không thực sự có trình độ cao thì không dám chọn độ khó đó và Thanh Tùng luôn giữ một trình độ như vậy. Ở đẳng cấp sân chơi châu Á thì 2 nội dung chập làm 1 rất khó nhưng Thanh Tùng vẫn đảm bảo tấm HCĐ, SEA Games lần này Thanh Tùng có sự chuẩn bị rất tốt, thuê chuyên gia huấn luyện riêng cho nội dung Thái cực… 

Tuy nhiên, vào thi đấu Thanh Tùng đã không thể hiện được khả năng của mình chịu chấp nhận là không có thành tích cũng giống như 2 kỳ SEA Games lần trước. Thực ra mà nói thì khu vực Đông Nam Á là khu vực phát triển mạnh nhất của Wushu châu Á, chính vì vậy việc Thanh Tùng có thành tích của châu Á nhỉnh hơn thành tích của Đông Nam Á thì đó cũng là điều dễ hiểu.

PV: Xin cảm ơn ông!./.