Vì trong khi Đức vẫn theo đuổi lối đá ồ ạt mà họ đã “trình làng” từ World Cup 2006, thì Argentina lại lấy sự chắc chắn nơi hàng thủ làm điểm tựa.

Công cường gặp thủ vững

Đức chuẩn bị cho cuộc hò hẹn lịch sử với Argentina ở Maracana bằng cách ghi 7 bàn vào lưới chủ nhà Brazil. Và đó không phải là lần đầu tiên họ khủng bố các cầu thủ phòng ngự của đối phương. Ở vòng bảng, Đức từng vùi dập Bồ Đào Nha với tỷ số 4-0. Ngay cả khi để Algeria cầm hòa 0-0 trong 90 phút, Đức vẫn có thể hài lòng về khả năng tạo ra cơ hội của hàng công. Trận đó, họ tạo ra 8 cơ hội rõ rệt ở thời gian chính thức. Để độc giả dễ hình dung, xin nhắc lại là trong 380 trận đấu ở Premier League mùa trước, số cơ hội rõ rệt tối đa mà các đội tạo được trong một trận cũng là 8, và chỉ có 2 đội làm được điều đó!

200900-1.jpg

Trong khi Đức có mặt ở 3 trong số 7 trận đấu hay nhất trên khía cạnh tấn công (ngoài trận gặp Brazil còn có trận gặp BĐN và Algeria), thì Argentina có mặt ở 2 trong số 7 trận đấu được chấm điểm cao nhất ở khía cạnh phòng ngự. Trong đó, trận bán kết vừa qua giữa Argentina với Hà Lan chính là màn trình diễn đỉnh cao của nghệ thuật phòng ngự, khi cả hai đội đã làm tốt tất cả những gì phải làm để khóa chặt những cầu thủ nguy hiểm nhất của đối phương. Tin không vui cho Đức là Argentina càng vào sâu càng phòng ngự giỏi. Trận đấu xuất sắc còn lại trong “Top 7 phòng ngự” có liên quan tới Argentina chính là trận tứ kết giữa Albiceleste với Bỉ!

Lựa chọn số 1 của người Đức

Những gì Argentina thể hiện không có gì bất ngờ, khi HLV Sabella luôn tự nhận là học trò của Bilardo, người nổi tiếng với triết lý đội bóng phải chia làm hai nửa: 3 người cho tấn công, và 7 người cho phòng ngự. Thực tế là từ sau chấn thương của Di Maria, Sabella đã chuyển hẳn đội hình từ 4-4-2 sang 4-4-1-1, với Messi và Lavezzi hỗ trợ Higuain, trong khi phần còn lại chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ phòng thủ. Ở World Cup lần này, cặp tiền vệ trung tâm và hậu vệ cánh của Argentina có tần suất xuất hiện ở 1/3 sân cuối cùng thấp nhất so với những người cùng vị trí ở các đội bóng khác!

Đức, ngược lại, luôn nhập cuộc với thái độ chủ động. Phong cách chơi bóng của họ được xây dựng trên những pha ban bật bóng ngắn ở giữa sân, hạn chế những đường chuyền dài và quả tạt từ hai cánh, trong khi tăng cường những đường chuyền vào trung lộ. Đó là cách chơi mà chúng ta vẫn biết dưới tên gọi tiqui-taca, từng cùng TBN và Barca làm mưa làm gió ở các giải đấu. Tuy nhiên, không như Tây Ban Nha đã phải về nước sớm, Đức năm nay sở hữu hàng tiền vệ năng động hơn hẳn, nên cho tới lúc này, lối chơi của họ vẫn gần như chưa bị bắt bài. 

Ở Maracana đêm nay, Argentina không có lý do gì phải thay đổi cách chơi. Trận đấu sẽ diễn ra theo hướng nào, do đó, sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của người Đức. Nếu họ quyết định cả hai tiền vệ trung tâm là Khedira và Schweinsteiger phải chơi thấp để hạn chế nguy cơ dính những đòn phản công do Messi dẫn đầu, nhiều khả năng sẽ có thêm một trận đấu tẻ ngắt nữa. Nhưng nếu Loew vẫn để một trong hai người xộc lên như thường lệ, trận chung kết Đức-Argentina thứ 3 trong lịch sử có thể trở thành kinh điển của kinh điển!
Đức - số một về chuyền bóng
Thống kê cho thấy sau 6 trận đã đấu, Đức đang bỏ xa các đối thủ về khả năng chuyền bóng. Tới lúc này, các cầu thủ của Loew đã thực hiện tổng cộng 4.169 đường chuyền, trong đó có 3.421 đường chuyền thành công, đạt tỷ lệ 82%. Argentina chính là đội xếp thứ 2, với các thống kê lần lượt là 3.732, 2.928 và 78%./.