Gần 5 giờ chiều, một tiếng trước trận Mỹ-Ghana, bên ngoài quán Hooters nằm ở ngoại ô thủ đô Washington DC, địa điểm nổi tiếng không chỉ vì bia ngon, đồ nhậu hấp dẫn, các cô phục vụ bàn đẹp như người mẫu mà còn là nơi tụ hội của dân mê thể thao, vẫn lặng như tờ, chả thấy không khí bóng bánh đâu cả. Đẩy cửa vào mới giật mình. Khách đã ngồi kín cả hơn trăm bàn từ bao giờ, ồn hơn cái chợ.

Ở cái xứ mà môn thể thao vua bị đẩy xuống hàng thứ 5 trong các môn được dân ưa chuộng nhất thì nguyên cái việc chen nhau đi xem bóng đá, nhất là vào lúc chưa hết giờ làm việc như thế này thì quả là sự lạ. Gần 50 màn hình lớn trong không gian vài trăm mét vuông hôm nay đều ưu tiên hết cho trận bóng, chẳng bù cho mọi hôm, tìm mỏi mắt mới được một góc có bóng đá, còn lại toàn bóng bầu dục, bóng chày, golf, đua ngựa...

xem%20wc%20tai%20hooters_nznl.jpg

Người Mỹ xem World Cup tại Hooters

Bóng vừa lăn, nhiều người còn chưa kịp định thần thì đã có bàn thắng. Lại là anh Dampsey. Sau một giây ngỡ ngàng, cả quán nhẩy cẫng lên, vỗ tay rào rào như mừng hội nghị thành công, rồi thì mạnh ai nấy hô "USA! USA!". Vui như tết. Cách đó mấy bàn, một nhóm thanh niên hò hét, cổ vũ, bình luận rất hăng. Lân la hỏi chuyện thì mới ngớ người, anh nào anh nấy mù tịt về bóng đá. Có anh nói toạc "Tao không thích và cũng chả hiểu tí gì về bóng đá cả", hỏi thế không biết gì thì đi xem làm gì, anh bảo " Đi cho có khí thế, với cả ở đây có món cánh gà nướng cực ngon".

Bóng đá ở Mỹ bị xếp vào hàng "nhược tiểu", sau bóng bầu dục, bóng chày, bóng rổ và khúc côn cầu trên băng. Mức lương của vận động viên cũng chênh lệch một trời một vực. Trung bình, một cầu thủ bóng đá ở Mỹ kiếm khoảng 600.000 USD/năm, chỉ bằng 1/10 lương cầu thủ bỏng rổ và 1/5 lương cầu thủ bóng chày.

Có nhiều lý do để người Mỹ không mê bóng đá. Thứ nhất là ít bàn thắng. Người Mỹ thích xem ghi điểm liên tục, như bóng rổ chẳng hạn để duy trì kịch tính và sự phấn khích liên tục trong suốt trận đấu. Thứ 2 là bóng đá hay có trận hoà, chuyện rất hãn hữu trong các trận đấu bóng rổ hay bóng bầu dục và cũng là điều mà người Mỹ rất ghét. Thứ 3 là người Mỹ thích các pha trình diễn cá nhân và độ chính xác cao trong các pha dứt điểm, trong khi bóng đá là trò chơi tập thể và độ chính xác khi chơi bóng bằng chân thấp hơn rất nhiều so với tay. Nói tóm lại, với người Mỹ thì bóng đá là môn thể thao vừa tẻ nhạt, vừa chán ngắt.

Nhóm cổ động viên Mỹ

Nhưng có vẻ như khái niệm này đang dần thay đổi. Matt, một anh bạn ngồi bàn kế bên với chiếc mũ in quốc kỳ Mỹ, áo phông mang tên tiền vệ tài hoa Landon Donovan nói trong bóng đá nhiều bàn thắng xem cũng thích nhưng nhiều quá thì cũng nhàm, thà xem một trận hoà 1-1 nhưng căng như dây đàn còn hơn một trận đấu quá thiên lệch về trình độ với tỷ số 5-0 hay 6-0.

Matt bảo, bóng đá Mỹ cũng như mối quan tâm của người Mỹ với bóng đá đã thay đổi nhiều kể từ ngày giải chuyên nghiệp MLS ra đời và sự đổ bộ ồ ạt của những ngôi sao lừng lẫy một thời như David Beckham, Thierry Henry hay Fredrik Ljungberg. Còn Geromy, một người bạn cùng nhóm với Matt thì tin rằng bóng đá Mỹ đang trỗi dậy và sẽ sớm trở thành một thế lực mới. "Việc David Beckham mua một đội bóng tại Miami, cùng với sự xuất hiện của những ngôi sao như David Villa, và rất có thể là Frank Lampard, John Terry, Ibrahimovic tại giải MLS sẽ mang nguồn sinh khí mới cho bóng đá Mỹ. Nếu đầu tư nghiêm túc thì đội tuyển Mỹ sẽ có mặt trong trận chung kết World Cup chỉ trong một vài mùa tới", Geromy tự tin nhận xét.

Sắp hết 90 phút, vài chục người đến muộn, không tìm được chỗ ngồi vẫn kiên nhẫn đứng trước cửa quán theo dõi trận đấu, để ôm đầu thở dài khi Ghana gỡ hoà rồi vỡ oà sung sướng khi Brooks ghi bàn ấn định chiến thắng vào những phút cuối. Có vẻ như người Mỹ thực sự đã bắt đầu thích bóng đá./.

Hình ảnh người Mỹ xem World Cup tại quán Hooters:

 

 Gần 50 màn hình lớn trong không gian vài trăm mét vuông hôm nay đều ưu tiên hết cho trận bóng

 

 Cổ động viên nữ cũng chăm chú dõi theo màn hình

 

 Hết chỗ ngồi, nhiều cổ động viên phải đứng xem bóng đá

 

 Nữ tiếp viên cũng không thể rời mắt khỏi màn hình

 

 Các cổ động viên reo hò khi đội tuyển Mỹ ghi bàn

 

 Mọi người vỡ oà sung sướng khi Brooks ghi bàn ấn định chiến thắng vào những phút cuối

 

 Cổ động viên Mỹ với chiếc mũ in hình quốc kỳ