Sau 11 ngày tranh tài sôi nổi, quyết liệt, Đại hội Thể thao lớn nhất Đông Nam Á trên đất Myanmar đã chính thức khép lại bằng lễ bế mạc “hoành tráng”, rực rỡ sắc màu tại sân vận động Wunna Theikdi.

SEA Games 27 sẽ trọn vẹn hơn trong mắt người hâm mộ nếu không có lá đơn ngày 17/12/2013 của Ủy ban Olympic Philippines (POC) gửi ban tổ chức SEA Games 27, đòi trả lại Huy chương Vàng (HCV) cho VĐV Jasmine Alkhaldi ở nội dung bơi 100m tự do.

Lá đơn của POC bắt nguồn từ cách điều hành kỳ cục ở “đường đua xanh”: Jasmine Alkhaldi đã có phong độ cực tốt khi cán đích ở vị trí dẫn đầu. Tuy nhiên, ngay sau khi danh hiệu được trao, trước phản ứng của hai Đoàn thể thao Thái Lan và Singapore (cho rằng Alkhaldi đã phạm luật khi xuất phát), Ban tổ chức (BTC) nội dung bơi 100m tự do quyết định cho các VĐV thi lại.

jasmine.jpg
Jasmine Alkhaldi bị tước huy chương (Ảnh: Sports Inquire)

Trước phán quyết “không giống ai” từ nước chủ nhà, ông Jeff Tamayo - Trưởng đoàn thể thao Philippines tại SEA Games 27 phát biểu trong giận dữ: “Chẳng có luật nào cho thi lại sau khi đã công nhận kết quả thi đấu và trao huy chương”. Đúng như dự đoán của Trưởng đoàn Jeff Tamayo (Alkhaldi sẽ bị ảnh hưởng tâm lý khi phải thi lại), VĐV của quốc gia này chỉ cán đích thứ 3, sau chính các đối thủ của Thái Lan và Singapore.

Điều đáng nói là dẫu không thay đổi được quyết định từ BTC thì sự kiện lãnh đạo đoàn thể thao Philippines gửi đơn và có những phản hồi hết sức quyết liệt không chỉ là sự phẫn uất trước quyết định thiếu công tâm của tổ trọng tài mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của người được giao trách nhiệm Trưởng đoàn - cầu nối giữa các VĐV với BTC. Quả là các VĐV Philippines đã nhìn thấy ở Jeff Tamayo một chỗ dựa đáng tin cậy.

Đấy là chuyện của người Philippines, còn chúng ta thì sao?

Cũng như người Philippines, không ít lần các VĐV Việt Nam bị trọng tài công khai xử ép trên các sàn đấu. Truyền thông nước nhà đã ghi lại gần 10 lần chúng ta “vuột” mất tấm HCV danh giá mà nguyên nhân không phải sự xuất sắc, vượt trội của đối thủ - chỉ bởi một số trọng tài không vượt qua được áp lực từ nước chủ nhà.

Điển hình là sự phẫn uất của đội karate (nữ) trong trận tranh “vàng” với đội Myanmar, hay giọt nước mắt tức tưởi của Thanh Phúc khi cô bị những người cầm cân nảy mực xử ép…

Thanh Phúc không cầm nổi nước mắt khi bị trọng tài xử ép (Ảnh: Quang Trung)

Từ điền kinh tới karate, rồi taekwondo, bơi lội… hầu như nội dung nào cũng chứng kiến sự ấm ức từ các vận động viên Việt Nam, Philippines, Malaysia... Ấy thế nhưng, phản ứng từ các quan chức thể thao nước ta chỉ “cho có” hoặc mang tính qua loa, chiếu lệ. Thậm chí, trước cảnh tượng võ sỹ Nguyễn Trần Duy Nhất (Muay hạng 60kg) bị xử thua dù hoàn toàn áp đảo đối phương, ban đầu, các quan chức Thể thao Việt Nam cũng định khiếu kiện nhưng trước thái độ của những người điều khiển và chấm điểm trận đấu, họ đành “mềm nắn rắn buông”, bỏ luôn ý định khiếu kiện.

Được biết, có hơn 30 quan chức thể thao nước nhà theo chân các VĐV “mang chuông đi đánh xứ người” nhưng họ đều khoanh tay đứng nhìn trước nỗi oan ức của các VĐV, không ai chịu thảo một lá đơn “kêu oan” cho những người đã trót xem họ là chỗ dựa. Với những quan chức kiểu ấy, việc tháp tùng VĐV có khác gì một chuyến du lịch?./.

Trông chờ “luồng gió mới” trên “đảo quốc Sư tử”

Trước sự phẫn uất của nhiều vận động viên khi bị các trọng tài cướp trắng trợn những tấm huy chương, mới đây, ông Teo Chee Hean - Chủ tịch Ủy ban Olympic Singapore (nước chủ nhà của SEA Games 28) đã đăng đàn, hứa hẹn về một kỳ SEA Games “sạch”, đúng tinh thần thượng võ sẽ diễn ra trên đất Singapore 2 năm sau.

Theo ông Teo Chee Hean, SEA Games 28 sẽ không còn cảnh VĐV “đấu” với trọng tài, nước chủ nhà sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những thỏa hiệp có thể làm thể thao Đông Nam Á trì trệ. Chưa hết, người đứng đầu Thể thao Sigapore còn khẳng định: tại Đại hội thể thao khu vực năm 2015, sẽ có tối thiểu 30 môn thi đấu nằm trong hệ thống Olympic, đồng nghĩa những nội dung được xem là “đặc sản” của các nước chủ nhà sẽ “biến mất” tại sân chơi này.

Trong bối cảnh SEA Games 27 để lại không ít “sạn”, rõ ràng phát ngôn của Chủ tịch Ủy ban Olympic Singapore rất đáng để kỳ vọng và trông đợi.