Thời thế đổi thay

Brazil và Đức là hai cường quốc của bóng đá thế giới và đã giành tổng cộng 8 chức vô địch World Cup. Nhưng họ cũng chỉ mới gặp nhau có duy nhất 1 lần, đó là trận chung kết World Cup 2002 tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm đó, với Ronaldo trong đội hình, Brazil đã vượt qua Đức với tỷ 2 – 0 và lần thứ 5 lên ngôi vô địch.

9538c659e04e77_gnng.jpg 

Brazil không còn được đánh giá cao hơn Đức như 12 năm trước.

12 năm trước, Brazil được đánh giá cao hơn hẳn đối thủ nhờ lực lượng đồng đều với bộ ba Ronaldo – Rivaldo và Ronaldinho. Khi đó, Klose là một tiền đạo mới nổi và Đức là đội bóng già nua, cũ kỹ.

12 năm sau, nhờ sự thay đổi về chiến lược phát triển bóng đá, Đức đã sở hữu một “thế hệ vàng” với hàng loạt những siêu sao dù tuổi đời của họ vẫn còn rất trẻ. Họ thể hiện một thứ bóng đá khoa học và không kém phần hấp dẫn. Thành tích mà ĐT Đức làm được rất đáng tự hào đó là 4 lần liên tiếp lọt vào bán kết World Cup.

Trái ngược lại, Brazil sau giải đấu năm 2002 chưa từng lọt vào vòng đấu của 4 đội mạnh nhất. Trong đội hình của Brazil họ không còn những siêu sao tấn công tầm thế giới, người duy nhất mang lại niềm hy vọng cho đội bóng vàng xanh là Neymar. Đáng tiếc, anh đã gặp chấn thương và không thể ra sân.

Không chỉ vậy, lối chơi cũng có sự thay đổi lớn. Đức trong 12 năm qua đã xây dựng được thứ bóng đá tấn công đẹp mắt và hiệu quả, nó khác hẳn với năm 2002 với những toan tính. Brazil thì ngược lại, phòng ngự và sẵn sàng phạm lỗi của Scolari hiện tại trái với phối hợp nhóm nhỏ và sử dụng kỹ thuật cá nhân của cầu thủ.

Thời thế đổi thay, sau 12 năm dù lần này được chơi trên sân nhà nhưng Đức mới là đội được đánh giá cao hơn Brazil.

Đức càng lúc càng đáng sợ

Sau trận ra quân thắng tưng bừng Bồ Đào Nha tới 4 – 0, “xe tăng” Đức bắt đầu chậm lại. Những tính toán kèm theo mục tiêu vô địch khiến họ không thể chơi đùa với thể lực, nhất là trong điều kiện thời tiết tại Brazil. Dù không tưng bừng nhưng ĐT Đức của Loew thật sự đáng sợ. Họ giành ngôi đầu tại bảng G không mấy khó khăn. Một chiến thắng muộn trước Algeria và đặc biệt là trận tứ kết với Pháp.

 

Mannschaft đang thể hiện một bộ mặt đáng sợ (Ảnh: Getty Images).

Trước đối thủ đang hừng hực khí thế, Loew biết làm cách nào để triệt tiêu nhuệ khí của đối thủ trước khi kết liễu họ bằng bàn thắng duy nhất từ pha đánh đầu của Hummels. Có thể thấy, khi chân sút hàng đầu của họ là Muller không ghi bàn thì ngay lập tức có người khác thay thế, thậm chí là một hậu vệ. Đội tuyển Đức hiện tại quá đồng đều và không ai là không thể thay thế.

Hơn nữa, sau 3 lần chết trước cửa thiên đường đã mang lại cho người Đức những bài học sương máu. Trong lần thứ 4 này, chắc chắn người Đức sẽ không triển khai thứ bóng đá tấn công nhưng ngây thơ để rồi lãnh hậu quả.

Brazil trong thế kẻ cùng đường

Đội tuyển vàng – xanh bước vào World Cup lần này với mộ áp lực đè nặng, áp lực từ 200 triệu người dân Brazil muốn đội tuyển lần thứ 5 lên ngôi vô địch. Không chỉ từ người dân, kể cả Chính phủ Brazil cũng muốn đội nhà lên ngôi để xoa dịu những cuộc biểu tình chống lại việc nước này đăng cai World Cup và Olympic 2016.

Tuy nhiên, cái cách mà ĐT Brazil thể hiện cho tới nay có lẽ chưa làm hài lòng đại đa số người hâm mộ. Phải tới loạt 11m mới thắng được Chile ở vòng 2, Brazil chật vật lắm mới vượt qua Colombia tại tứ kết.

 

Việc mất Silva và đặc biệt là Neymar khiến Brazil bị đánh giá thấp hơn (Ảnh: Getty Images).

Tuy nhiên, cái giá phải trả của HLV Scolari là quá lớn, họ mất siêu sao Neymar, đầu tàu của dội bóng. Không chỉ vậy, trung vệ đội trưởng Silva cũng không thể ra sân vì lãnh đủ thẻ phạt. Mất Silva và Neymar, Brazil mất phân nửa sức mạnh. Phải đối đầu với Đức trong hoàn cảnh như vậy thật không dễ cho đội chủ nhà.

Để thay thế hai nhân vật cực kỳ quan trọng trên, Scolari đã đưa ra phương án là Dante cho Silva nhưng với Neymar thì đó thật sự là bài toán nan giải. Thay thế Neymar sẽ khiến cả hệ thống chiến thuật phải xoay theo, đã có các phương án được đưa ra đó là Willams hoặc Bernard để trám chỗ để giữ nguyên 4-2-3-1 như từ đầu giải. Hoặc Ramires hay Hernanes sẽ vào sân để chuyển sang đá 4-2-2-2. Nếu theo phương án này, Brazil sẽ thêm sức mạnh phòng ngự song nó cũng phá vỡ lối chơi mà Selacao theo đuổi.

Nhưng vẫn có vài lợi thế cho Brazil vào lúc này đó là trên băng ghế chỉ đạo của họ là Scolari, một nhà vô địch thế giới. Việc được chơi trên sân nhà cũng tiếp thêm sức mạnh cho họ, hơn nữa, Brazil có một niềm tin rất lớn đó là lịch sử. World Cup 1962 tại Chile, Pele khi đó cũng bị chấn thương ở vòng ngoài và không thể thi đấu. Nhưng với sự tỏa sáng của “dị nhân” Garrincha, Brazil đã lần thứ 3 có được cúp Nữ thần vàng./.