Là quốc gia có nền cử tạ phát triển nhất nhì khu vực, ở mỗi kỳ SEA Games, cử tạ Việt Nam đều mang về những tấm huy chương quý giá cho đoàn thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, năm nay, đội cử tạ Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tấm HCV khi đội chủ nhà Myanmar có những quy định hết sức trái khoáy.

Khó khăn đầu tiên của cử tạ Việt Nam đến từ phía ban tổ chức, nước chủ nhà SEA Games 27 đã ra một quyết định “xưa nay hiếm” khi chỉ cho phép đăng ký 2 VĐV ở 1 hạng cân, trong 2 VĐV này thì chỉ có một người được tham gia tranh tài. Quyết định này khiến cho các đoàn cử tạ trong khu vực hết sức bất bình nhưng cũng đành chịu.

cu%20ta.jpg
Các VĐV cử tạ đang luyện tập rất chăm chỉ 

Khó khăn thứ 2 đến từ vấn đề nhân sự, như đã biết, cử tạ Việt Nam luôn có thế mạnh ở hạng cân 56kg Nam khi liên tục có những vận động viên đạt thành tích cao trong các cuộc thi. Trước kia là Hoàng Anh Tuấn còn hiện tại là 2 VĐV Trần Lê Quốc Toàn và Thạch Kim Tuấn đều có “số má” ở hạng cân của mình trên toàn thế giới.

Việc nước chủ nhà SEA Games 27 chỉ cho duy nhất 1 VĐV tranh tài ở 1 hạng cân, buộc ban huấn luyện đội cử tạ phải lựa chọn 1 trong 2 cái tên Trần Lê Quốc Toàn và Thạch Kim Tuấn để tham gia tranh tài. Đây thực sự là bài toán khó cho ban huấn luyện, vì cả 2 VĐV này đều có những điểm mạnh riêng.

Hiện tại, ban huấn luyện đội cử tạ đang cân nhắc để Trần Lê Quốc Toàn nhường cho người đàn em Thạch Kim Tuấn dự thi ở hạng cân sở trường 56kg để chuyển lên thi đấu ở hạng cân 62kg. Thông thường, các vận động viên chỉ ép cân để thi đấu ở hạng cân thấp hơn, trường hợp của Quốc Toàn sẽ là sự mạo hiểm.

Các VĐV tập luyện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài

Khó khăn thứ 3 cũng đến từ phía ban tổ chức, theo đó, kể cả khi đã lựa chọn được VĐV dự thi ở các hạng cân thì cử tạ Việt Nam vẫn có nguy cơ không được tranh tài ở SEA Games. Lý do là nếu ở mỗi hạng cân chỉ có 2 vận động viên đăng ký thi đấu thì môn thi đó sẽ bị hủy. Ở hạng cân 56kg của nam trong khu vực Đông Nam Á rất khó cho vận động viên của các nước có thể cạnh tranh HCV với Việt Nam và Indonesia. Vì vậy, không loại trừ khả năng các quốc gia sẽ không cử VĐV tham gia, khi đó Việt Nam và Indonesia cũng chẳng có huy chương nào.

Ngoài 3 khó khăn kể trên, theo ông Nguyễn Văn Ngọc người phụ trách huấn luyện đội cử tạ Việt Nam: “Đội chủ nhà Myanmar năm nay cũng đặt mục tiêu giành huy chương ở môn cử tạ nên họ đã sử dụng chính sách nhập tịch cho các vận động viên đến từ Trung Quốc để tham gia tranh tài với những vận động viên bản địa. Đây là khó khăn không nhỏ cho các VĐV của chúng ta”.

Rõ ràng, với luật chơi khác người, Myanmar đang dùng quyền chủ nhà để ép các đối thủ vào chân tường qua đó đạt được mục tiêu “vơ vét” huy chương ở môn cử tạ nói riêng và nhiều bộ môn thi đấu khác nói chung.

Mặc dù, trong SEA Games 27 đoàn cử tạ có 15 VĐV tham gia thi đấu, tất cả đều được chuẩn bị rất kỹ càng, nhưng với những khó khăn trên, cơ hội “gặt vàng” ở SEA Games lần này là không dễ chút nào./.