Goal.com có buổi phỏng vấn thú vị với Steve Darby, người đã có nhiều năm tháng gắn bó với bóng đá Đông Nam Á. Ngoài việc dẫn dắt ĐT bóng đá nữ Việt Nam, vị HLV người Anh này từng huấn luyện một số CLB ở Singapore và Malaysia. Vào năm 2008, ông còn được biết đến trong cương vị trợ lý tại ĐTQG Thái Lan.

** Xin chào ông Darby. Sau khi đã tham gia huấn luyện cho nhiều đội bóng ở khu vực Đông Nam Á, ông có thể cho độc giả biết công việc hiện tại của ông là gì không?
darby.jpg
Ông Steve Darby

Steve Darby: Tôi vừa hoàn tất hợp đồng một năm với Everton FC ở Trung Quốc. Công việc chính là tìm kiếm các tài năng bóng đá ở đất nước này. Thực tế, có rất nhiều cầu thủ trẻ xuất sắc ở Trung Quốc. Trong khi chờ gia hạn hợp đồng, hiện tại tôi đang nghỉ ngơi với gia đình ở Hà Nội. Vợ tôi là người Việt Nam và cô ấy đang đầu tư xây dựng một khách sạn ở Sapa. Lý tưởng nhất đối với tôi là được dẫn dắt một đội bóng ở V-League để có thể ở gần gia đình nhưng hiện tại không có nhiều cơ hội. Tôi đã từng giành nhiều danh hiệu ở Malaysia và Singapore hay vào đến vòng knock-out AFC Champions League và bán kết AFC Cup. Hơn nữa, tôi còn có thể nói đôi chút tiếng Việt. Với những lợi thế đó, hy vọng một ngày cơ hội dẫn dắt một CLB Việt Nam sẽ đến với tôi.

**Như ông đã biết, ĐT Việt Nam rơi vào một bảng đấu khó khăn tại vòng chung kết AFF Suzuki Cup 2012. Chủ nhà Thái Lan rõ ràng là đội bóng được đánh giá cao nhất trong khi Philippines đang tiến bộ từng ngày. Myanmar cũng là một ẩn số khó đoán. Ông đánh giá thế nào về cơ hội của ĐT Việt Nam? Theo ông, hai đội bóng nào sẽ lọt vào vòng bán kết?

Steve Darby: Đó thực sự là một bảng đấu khó khăn cho ĐT Việt Nam bởi Philippines đang có những tiến bộ nhảy vọt. Họ tìm kiếm những cầu thủ gốc Philippines trên toàn thế giới và điều này đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Giờ đây, trong đội hình của họ có những cầu thủ thi đấu ở Bundesliga, Premier League hay hạng nhất Hà Lan. Đó là một cách làm hoàn toàn phù hợp và nó không giống việc nhập tịch cầu thủ của Singapore. Cách làm của Singapore có thể gây ra những bất đồng nội bộ rất lớn. Chắc hẳn cũng có khá nhiều cầu thủ gốc Việt chất lượng ở Mỹ và Châu Âu và đây có thể là một cách để Việt Nam có thêm nhiều sự lựa chọn cho ĐTQG.

Thái Lan có những cầu thủ rất chất lượng nhưng lại chưa có sự chuẩn bị tốt do giải Thai Premier League vừa mới kết thúc trong khi cúp quốc gia vẫn còn đang tiếp tục. Nhưng với những cầu thủ như Teerasil Dangda, Datsakorn Thonglao và Suree Sukha, họ luôn là một đối thủ đáng gờm. Muốn đánh bại họ, điều quan trọng nhất là phải hạn chế được khả năng ghi bàn của Teerasil Dangda.

Vấn đề của Myanmar là họ thường mất sự kiểm soát. Họ có những cầu thủ tài năng nhưng lại bốc đồng. Tốt nhất là đấu với Myanmar vào trận đấu cuối cùng hơn là ở trận đấu đầu tiên của giải!

Nếu phải chọn, tôi nghĩ Việt Nam và Thái Lan sẽ vào vòng bán kết bởi vì Thái Lan có những cầu thủ xuất sắc còn Việt Nam đang có sự chuẩn bị tốt. Tuy nhiên, mọi việc sẽ được định đoạt trong trận đấu với Philippines.

**Đâu là điểm mạnh và điểm yếu của ĐT Việt Nam theo suy nghĩ của ông?

Steve Darby: Điểm mạnh rõ ràng nhất chính là tinh thần thi đấu. Các cầu thủ Việt Nam là những người luôn khao khát chiến thắng. Họ cũng đang có được sự chuẩn bị tốt cho giải đấu. Điều quan trọng lúc này là tránh những chấn thương đáng tiếc. Các cầu thủ thường nỗ lực quá mức khi tập luyện cùng ĐTQG và điều này có thể dẫn đến những chấn thương. Theo tôi, ĐTQG nên tập trung vào việc hoàn thiện lối chơi và phục hồi thể lực cho cầu thủ. Tôi rất muốn xem Công Vinh sẽ được sử dụng như thế nào. Ông Calisto đã làm rất tốt khi phát huy tối đa được năng lực của cậu ấy. Một yếu tố nữa là áp lực của truyền thông. Các cầu thủ phải quên đi điều này và ban huấn luyện cũng phải bảo vệ học trò của họ. Họ đều có tài nhưng những yếu tố khác trong quá trình chuẩn bị sẽ quyết định thành công của đội tuyển.

**Cầu thủ Việt Nam nào mà ông ấn tượng nhất vào thời điểm hiện tại? Ông có nghĩ cầu thủ Việt Nam đủ sức thi đấu ở nước ngoài không?

Steve Darby: Tất nhiên đó là Lê Công Vinh mặc dù bàn thắng phút cuối của cậu ấy vào lưới Thái Lan vào năm 2008 khiến tôi mất một khoản thưởng lớn (cười). Cậu ấy là một cầu thủ thông minh và điềm đạm cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Tôi đã gặp Vinh vài lần ở Hà Nội và cậu ấy kể rất nhiều điều tốt đẹp về bóng đá Việt Nam. Tôi không nghi ngờ gì về việc cậu ấy có thể chơi bóng ở một số giải châu Âu như Hà Lan và Bồ Đào Nha. Tôi đã từng huấn luyện nhiều cầu thủ Australia hiện đang chơi bóng ở châu Âu. Không ai trong số họ xuất sắc như Công Vinh cả.

Tôi cũng rất ấn tượng với Tấn Tài và Minh Đức. Họ là những cầu thủ rất chuyên nghiệp và có chất lượng. Thủ môn Hồng Sơn cũng đã tiến bộ rất nhiều. Cậu ấy là người hùng tại AFF Suzuki Cup 2008 và tôi vẫn nhớ cậu ấy khi còn là một cầu thủ trẻ tập luyện tại Nhổn. ĐT bóng đá nữ từng đá giao hữu với đội U23 và chúng tôi thường hoán đổi thủ môn để Hồng Sơn bắt cho bên đội của tôi. Cậu ấy là một người rất tuyệt vời. Tôi cũng từng nghĩ Văn Quyến sẽ trở thành một cầu thủ giỏi bởi tài năng thiên bẩm của cậu ấy.

Khi lần đầu tiên đến Việt Nam, có ba cầu thủ mà tôi nghĩ chắc chắn đủ sức đá ở châu Âu: Bảo Khanh, Huỳnh Đức và cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á vào thời điểm đó, Hồng Sơn. Khi đó, tôi đang dẫn dắt một CLB ở Singapore và rất muốn ký hợp đồng với hai người trong số họ. Tuy nhiên, điều đó đã không thể trở thành hiện thực do CLB của họ không đồng ý.

**Ông đã từng làm việc nhiều năm ở Malaysia. Theo ông, điều gì đem đến thành công cho họ trong những năm gần đây?

Steve Darby: ĐTQG Malaysia giống như CLB Malaysia vậy. Họ là đội bóng có sự chuẩn bị tốt nhất trong khu vực. Họ thường xuyên thi đấu với các đội bóng chất lượng và thậm chí còn có một đội trẻ tham gia giải VĐQG Singapore. Quyết định dũng cảm nhất của Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) là cấm cầu thủ ngoại trong vài năm để các tiền đạo nội có cơ hội phát triển. Những cầu thủ như Norshahrul Idlan và Safee Sali đã trở thành những trọng pháo thực thụ. Khi bạn nhìn vào V-League, bạn thấy các CLB hầu như toàn sử dụng tiền đạo ngoại và những cầu thủ này thường có thể hình tốt cùng lối chơi thiên về sức mạnh. Điều này ảnh hưởng đến phong cách chơi bóng của các CLB. Việc cấm cầu thủ ngoại có cả mặt lợi và hại nhưng rõ ràng ĐTQG Malaysia đang hưởng lợi từ quyết định đó. Tôi luôn nghĩ rằng cầu thủ ngoại phải đáp ứng được nhiều yêu cầu. Thứ nhất, họ phải giỏi hơn cầu thủ nội và đem lại sức hút đối với khán giả. Thứ hai, họ phải hành xử chuyên nghiệp cả trong lẫn ngoài sân cỏ và trở thành một hình mẫu để cầu thủ nội học tập. Thật điên rồ khi mua cầu thủ ngoại chỉ để đủ số lượng và chấp nhận những cầu thủ ích kỷ, chỉ đá bóng vì bản thân và tiền bạc.

**Và cuối cùng, nếu một ngày ông được mời làm HLV trưởng ĐT Việt Nam, ông có nắm lấy cơ hội đó không?

Steve Darby: Tất nhiên rồi, đó thực sự là một vinh dự lớn. Tôi đã cùng ĐT bóng đá nữ giành huy chương vàng SEA Games đầu tiên và sẽ thật tuyệt nếu được huấn luyện ĐT nam. Tôi đã từng đối đầu họ tại Suzuki Cup 2008 và luôn giành cho họ sự tôn trọng lớn nhất. Bây giờ, một nửa trong tôi đã là người Việt Nam nên điều đó càng là một vinh dự lớn hơn nữa. Hiện tại, Việt Nam có một vài HLV xuất sắc như Phan Thanh Hùng hay Lê Huỳnh Đức. Nhưng nếu được đề nghị, tôi sẽ không bao giờ từ chối. Tiềm năng của bóng đá Việt Nam là vô cùng lớn.

**Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện thú vị này./.