Trận cầu tâm điểm vòng 28 Ngoại hạng Anh giữa Man City với MU trên sân Etihad đã không hấp dẫn như người hâm mộ mong đợi. MU dù chơi rất cố gắng, nhưng cũng chỉ gây được chút ít khó khăn cho người hàng xóm trong hiệp 1. Điểm sáng lớn nhất của Quỷ đỏ ở trận đấu này là bàn thắng của Sancho ở phút 22.
Ở hiệp thi đấu thứ 2, Man City đã chơi bóng ma với đội bóng của HLV Rangnick. Và trong thế trận ru ngủ đó, thiếu gia thành Manchester vẫn có được 2 bàn thắng để giành chiến thắng chung cuộc với tỉ số 4-1. Nếu như Man City chắt chiu cơ hội, có lẽ Man City đã thắng đậm hơn nữa.
MU toàn thua trước Man City ở mùa giải năm nay theo kịch bản “không thể bào chữa” không phải điều gì đó đáng xấu hổ, khi màn đoàn quân của HLV Pep Guardiola có chất lượng đội hình, phong độ ổn định bậc nhất châu Âu ở thời điểm hiện tại.
Điều đáng lo ngại hơn với MU mà người ta có thể nhìn thấy đó là Man City giờ ở đẳng cấp khác biệt hoàn toàn so với Quỷ đỏ. Cách Man City ép sân MU như đá với những đội ở nhóm trụ hạng cho thấy rõ điều này.
Thực tế thì giá trị đội hình của MU là 790 triệu Bảng, dù kém Man City (991.3 triệu Bảng), nhưng so sánh về mặt bằng chung thì Quỷ đỏ vẫn được đánh giá rất cao. Các vị trí trong đội hình của đội bóng này vẫn có những ngôi sao đẳng cấp thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề của MU đó là tầm nhìn chiến lược. Kể từ khi Sir Alex rời sân Old Trafford vào năm 2013, Quỷ đỏ đã thay tới 5 huấn luyện viên (không bao gồm những HLV tạm quyền). Số lần thay tướng của MU còn nhiều hơn cả số danh hiệu của họ giành được trong quãng thời gian này.
Những huấn luyện viên mà MU lựa chọn có những triết lý khác nhau nên việc mua sắm trên thị trường chuyển nhượng diễn ra một cách tràn lan, thiếu hiệu quả. Không quá khi nói rằng, MU ném tiền qua cửa sổ ở những kỳ chuyển nhượng.
Trong khi đó, nhìn sang Liverpool và Man City, họ đã chọn được những người tướng giỏi, mặc dù cũng bạo chi để mua sắm, những những bản hợp đồng của các đội bóng này “đắt xắt ra miếng”, hợp với triết lý bóng đá nên giúp họ duy trì được sức mạnh và gặt hái những danh hiệu trong các năm qua.
Một vấn đề nữa đó là phòng thay đồ của MU khá phức tạp. Họ có những ngôi sao, nhưng sẵn sàng trở thành “ông sao” thích thì đá bóng, không thích thì “đá ghế” của thầy. HLV Mourinho hay HLV Ole Gunnar Solskjær là nạn nhân của việc bị học trò đá bay ghế.
Sau khi Sir Alex lui về hậu trường, MU chi rất nhiều tiền để chinh phục chức vô địch Ngoại hạng Anh, Champions League, nhưng vẫn chưa thành công. Bởi họ chưa thể chiêu mộ được một huấn luyện viên giỏi, có thể làm cách mạng một cách toàn diện, triệt để.
Sau trận thua Man City, MU văng khỏi tốp 4 và cơ hội có vé dự Champions League mùa giải năm sau đang mong manh hơn bao giờ hết nên phương án mời HLV Erik ten Hag hay HLV Mauricio Pochettino có thể sẽ đổ bể. Tuy nhiên, ngay cả khi mời được 2 nhà cầm quân này thì câu hỏi đặt ra là liệu họ có vượt qua được áp lực của sự kỳ vọng để đưa MU trở lại vị thế của mình như cách mà HLV Pep Guardiola và HLV Klopp làm ở Man City hay Liverpool không, hay vẫn loay hoay đập đi, xây lại như suốt gần 10 năm qua? Đó là câu hỏi không dễ trả lời./.