Kể từ khi bắt đầu tập trung luyện tập từ 1/12 năm ngoái cho tới lúc bước vào giải đấu chính thức ở Qatar, thầy trò HLV Miura có hơn một tháng để chuẩn bị, trong đó có 6 trận giao hữu. Tính đến thời điểm này, sau hai thất bại trước U23 Jordan và U23 Australia tại VCK giải U23 châu Á, U23 Việt Nam đã ra sân tất cả 8 trận, nhưng có tới 11 lần chiếc băng đội trưởng được đổi chủ.
Hữu Dũng đã không còn là chính mình trước áp lực quá lớn khi đảm nhiệm trọng trách thủ lĩnh tinh thần cho U23 Việt Nam. (Ảnh: Hà Tuấn). |
Cụ thể, lần lượt Mạnh Hùng, Thanh Hiền, Tiến Dũng, Hữu Dũng được ông thầy người Nhật Bản tin tưởng ở 2 trận đấu tập với JFL Selection; kế đến là Công Phượng trong trận gặp Cerezo Osaka. Thanh Bình, Tấn Tài cũng được thử nghiệm vai trò “đầu tàu” trong trận đấu tập với U23 Yemen trong khi Duy Khánh, Đức Huy là đội trưởng U23 Việt Nam trong trận giao hữu với U23 Nhật Bản.
Trong trận đấu mở màn tại VCK giải đấu trẻ châu lục gặp U23 Jordan, Hữu Dũng đeo băng đội trưởng, sau đó trao lại cho Thanh Hiền khi rời sân trogn hiệp hai. Tuy nhiên, việc hậu vệ Đồng Tháp dính chấn thương phải nghỉ thi đấu khiến trọng trách này trở lại với Mạnh Hùng ở trận gặp U23 Australia.
Dù nhiều lần được trao băng đội trưởng nhưng Hùng "xà ngang" vẫn bị tâm lý. (Ảnh: Getty). |
Với hơn 30 tuyển thủ trong đó đa phần đã có thời gian dài sát cánh cùng nhau tại vòng loại giải U23 châu Á cũng như SEA Games 28 trên đất Singapore, và được thi đấu cọ xát với các đối thủ từ trung bình tới mạnh, thế nhưng sự ổn định vẫn là thứ xa xỉ với U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Miura.
Hiếm có đội bóng nào khi bước vào giải chính thức mà vẫn loay hoay với những phép thử, liên tục xoay tua để tìm ra một đội hình tối ưu như cách mà thầy trò HLV Miura thể hiện ở hai trận thua vừa qua. Điển hình về sự thiếu ổn định của U23 Việt Nam ở vị trí đội trưởng, khi chủ nhân của tấm băng này thay đổi tới 11 lần.
Công Phượng sẽ "lĩnh ấn" trong trận đấu cuối cùng gặp U23 UAE ? (Ảnh: Trường Giang). |
Việc không thể triệu tập Quế Ngọc Hải khiến U23 Việt Nam “khuyết” vị trí thủ lĩnh, vốn là điểm tựa tinh thần, thay thế HLV trưởng lẫn dẫn dắt lối chơi của toàn đội lúc thi đấu trên sân. Các đời HLV trước đây khi dẫn dắt đội tuyển luôn rất chú trọng tới việc tìm kiếm, đào tạo và đặt niềm tin vào người đội trưởng.
Lịch sử bóng đá Việt Nam hai thập kỷ qua đã ghi nhận những người đội trưởng xuất sắc như Công Minh, Huỳnh Đức, Hồng Sơn… ở thế hệ vàng trước đây, hay lứa cầu thủ đưa ĐTVN “lên đỉnh” ở Đông Nam Á năm 2008 như Tấn Tài, Minh Phương, Công Vinh. Tuy nhiên, ở ĐT U23 Việt Nam hiện tại chưa cá nhân nào đủ sức gánh vác trọng trách này.
Trong trận đấu cuối cùng tại vòng bảng trước U23 UAE, người hâm mộ chờ đợi một màn trình diễn ấn tượng hơn từ HLV Miura và các học trò, khi áp lực đã không còn đè nặng trên đôi chân các cầu thủ trong trận cầu chỉ còn mang tính thủ tục và để U23 Việt Nam chia tay giải đấu.
Clip: Công Phượng kiến tạo để Mạnh Hùng gỡ hòa cho U23 Việt Nam
Rất có thể, ở trận đấu tối nay, Công Phượng, cầu thủ vừa bày tỏ khao khát ghi bàn vào lưới U23 UAE, sẽ được tin tưởng trao chiếc băng đội trưởng U23 Việt Nam. Ở trận giao hữu với CLB Cerezo Osaka trước thềm giải đấu, CP10 đảm nhiệm vinh dự này và chơi đầy ấn tượng./.