Nỗi lo hàng thủ
Không thể phủ nhận lối chơi khởi sắc của U23 Việt Nam trước U23 Malaysia, từ cá nhân đến tập thể đều thể hiện sự tự tin, dám chơi bằng nội lực và phẩm chất vốn có. Chúng ta đã đá tốt hơn trận đấu nhưng những điểm yếu vẫn chưa thể khắc phục. Hai tuyến trên đem đến cảm giác an tâm đến “sướng mắt” bao nhiêu thì hàng thủ rơi vào trạng thái trái ngược.
U23 Việt Nam chơi tốt hơn trận đầu (Ảnh: Trọng Phú). |
Gần như suốt 90 phút, U23 Malaysia chỉ có một miếng đánh duy nhất: khoét sâu vào cánh của Thanh Hiền. Cũng trong một tình huống tương tự, “bầy hổ” mang về bàn thắng danh dự. Ngoài ra là một vài pha bắt người “lỏng”, để cầu thủ đối phương thoát xuống uy hiếp khung thành Minh Long.
Hơn nữa, nếu không có sự xuất sắc của Minh Long thì chưa chắc U23 Việt Nam có được một trận đấu dễ dàng như vậy.
Chưa tìm được giải pháp bên hành lang phải, HLV Miura đã phải lo đến cánh trái. Minh Tùng chấn thương rời sân, U23 Việt Nam lại khuyết thêm một vị trí chưa có người thay thế.
Xét một cách toàn diện, U23 Việt Nam chơi hay song cũng phải nói thêm rằng U23 Malaysia đã tự thua. “Mãnh hổ” Đông Nam Á không phát huy được sức mạnh vốn có, trình độ chênh quá lớn so với thế hệ đàn anh, mà dẫn đầu là “người đàn ông khắc khổ” K.Rajagopal và đội trưởng Mohd Safiq Rahim. Thời kỳ hoàng kim của bóng Malaysia, thống trị cả AFF lẫn SEA Games suốt 4 năm trời.
Thành công trong bóng đá có chu kỳ, nhưng với đối thủ của U23 Việt Nam tối qua, đó là một sự hụt hẫng không thể diễn tả hết, một “bầy hổ” quá nhu nhược!
U23 Việt Nam thắng đậm Malaysia (5-1): Công Phượng rực sáng
Nhìn vào cục diện 2 bảng, bốn cái tên góp mặt tại vòng bán kết nhiều khả năng sẽ là : Myanmar, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Gặp Myanmar đang đá lên chân hay đội chủ nhà sẽ không còn đơn giản như Malaysia “hết thời” đã thể hiện.
Đâu là điểm rơi phong độ của U23 Việt Nam?
Giữ được phong độ cao trong cả chặng đường dài là quá trình khó khăn (Ảnh: Anh Tuấn) |
Sau trận đấu, HLV Miura nhanh chóng đưa đôi chân các cầu thủ trở lại mặt đất và thận trọng nói về việc vào bán kết. Ông Miura cũng không hài lòng với việc truyền thông quá quan tâm tới cá nhân Công Phượng. Hành động cần thiết của chiến lược gia người Nhật!
So với bảng đội chủ nhà, U23 Việt Nam gặp bất lợi hơn vì đá nhiều hơn một trận. Có thể giành vé sớm, nên vấn đề thể lực có thể giải quyết bằng việc tung đội hình 2 ở trận đấu cuối. Nhưng nó lại dẫn đến một vấn đề khác: Điểm rơi phong độ trong cả giải đấu và nút “hẫng” giữa 2 giai đoạn vòng bảng – bán kết.
Nếu cứ thắng tưng bừng ở vòng bảng, kể cả ở trận gặp Thái Lan ngày 10/6, thật sự là điều đáng lo cho U23 Việt Nam tại vòng knock-out. Phác họa phong độ lên biểu đồ, thì hiện tại, U23 Việt Nam đang ở điểm cực đại và sẽ trôi dần xuống về cuối giải, nếu… không giữ được trạng thái cân bằng. Điều này lý giải vì sao, HLV Miura nhanh chóng lôi các học trò từ trên “mây” xuống ngay sau tiếng còi kết thúc.
Tại các kỳ SEA Games trước, U23 Việt Nam cũng đã từng thắng tưng bừng ở vòng bảng, điển hình như ở Lào năm 2009, khi đó cơ hội giành HCV của chúng ta là rất lớn nhưng cuối cùng lại để thua trong trận chung kết trước chính đối thủ Malaysia.
Nhìn lại V-League, của cái tên “sáng” nhất Singapore đêm qua – Công Phượng. Số 10 U23 Việt Nam nổ 2 “phát súng” ngay trận đầu mở màn trước Khánh Hòa, rồi cũng kể từ đó “mất tích” đến vòng 12.
Clip: Những bàn thắng “để đời” của Công Phượng
Hy vọng điều tương tự không xảy đến ở giải đấu này và HLV Miura có thể giữ được sự bình tĩnh cần thiết cho các cầu thủ. Biết đâu, một trận thua tối thiểu trước người Thái sẽ tốt hơn cho U23 Việt Nam./.