u23_viet_nam_vov_zbsz.jpg
U23 Việt Nam dừng bước ở vòng bảng U23 châu Á 2020 (Ảnh: Ngọc Duy).

U23 Việt Nam không thể viết câu chuyện cổ tích trên đất Thái Lan giống như cách đây 2 năm tại Thường Châu tuyết trắng. Thầy trò HLV Park Hang Seo chia tay VCK U23 châu Á 2020 với kịch bản đau đớn nhất mà trước giải đấu không ai nghĩ đến.

“Những ngôi sao vàng” đã cầm hòa 2 đội bóng có thực lực mạnh nhất bảng D là U23 UAE và U23 Jordan, nhưng cuối cùng lại gục ngã trước U23 CHDCND Triều Tiên, đội sớm bị loại để rồi chia tay Thái Lan với 2 điểm/3 trận cùng với vị trí cuối bảng.

Sai lầm của Bùi Tiến Dũng có thể được nhắc tới để nói về trận thua ngược của U23 Việt Nam trước U23 CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, nếu mang Dũng ra làm bia đỡ đạn cho thất bại của nhà Á quân, đó chẳng khác gì tội ác.

Trong bóng đá, ranh giới giữa người hùng và tội đồ khá mong manh. Công bằng đánh giá, thủ môn của TPHCM đã chơi tốt ở VCK U23 châu Á 2020, đặc biệt là ở 2 trận đấu với U23 UAE và U23 Jordan. Nếu không có phản xạ xuất thần của Dũng, có lẽ U23 Việt Nam đã trắng tay ở 2 trận đấu kể trên.

Bùi Tiến Dũng mắc sai lầm ở trận đấu cuối cùng tại vòng bảng (Ảnh: Ngọc Duy).

Mặc dù vậy, Bùi Tiến Dũng cũng phải rút kinh nghiệm sâu sắc với pha đấm bóng hụt của anh ở trận đấu với U23 CHDCND Triều Tiên. Bởi nếu tiếp tục mắc lỗi như vậy, tương lai của anh ở ĐTQG Việt Nam sẽ đi vào ngõ cụt.

Trở lại với trường hợp của U23 Việt Nam, chúng ta thất bại ở VCK U23 châu Á 2020 vì nhiều lý do và nhiều yếu tố.

Thứ nhất, U23 Việt Nam không có được thể trạng, trạng thái tinh thần tốt nhất sau chiến dịch SEA Games 30, giải đấu đã vắt kiệt sức của Quang Hải và đồng đội.

Thứ hai, HLV Park Hang Seo không có lực lượng mạnh nhất khi thiếu Văn Hậu. Trong khi đó, người thay thế cầu thủ quê Thái Bình là Thanh Thịnh lại gặp chấn thương. Ở vị trí tiền vệ, chúng ta thiếu một cầu thủ thông minh, thoát pressing và "chia bài" tốt như Hùng Dũng.

Hàng tiền đạo của U23 Việt Nam với “song sát” Đức Chinh - Tiến Linh đã hoạt động hết công suất, nhưng do cháy hết mình vì tấm HCV SEA Games 30 ở Philippines nên họ đã bị đối thủ nghiên cứu kỹ và bắt bài.

Nguyên nhân thứ ba, các đối thủ đều nghiên cứu rất kỹ lối chơi của U23 Việt Nam. Họ đề cao cảnh giác, chơi phòng ngự và pressing tầm cao nên đại diện của khu vực Đông Nam Á không có nhiều đất để triển khai thế trận. Do đó, lối chơi của chúng ta thiếu tính đột biến hơn so với 2 năm trước.

“Có bột mới gột nên hồ” - công bằng mà nói, HLV Park Hang Seo vẫn làm rất tốt công việc của mình trên băng ghế huấn luyện. Nhưng, chiến lược gia người Hàn có quá ít sự lựa chọn để có thể thay đổi cục diện của trận đấu.

Quang Hải và đồng đội bị bào mòn thể lực ở SEA Games 30 (Ảnh: Ngọc Duy).

Đơn giản vì lứa cầu thủ của U23 Việt Nam dự VCK U23 châu Á 2020 thua kém về nhiều mặt so với những “chiến binh” đã viết nên câu chuyện cổ tích ở Thường Châu cách đây 2 năm.

“Thất bại là mẹ của thành công” - U23 Việt Nam vẫn có quyền ngẩng cao đầu rời giải vì ngay cả những cường quốc bóng đá của châu lục như U23 Iran, U23 Nhật Bản, U23 Qatar cũng phải về nước sớm. Điều này cho thấy chất lượng và trình độ chuyên môn của giải được nâng lên.

Thật khó để nuốt trôi thất bại nhất là khi chúng ta gặt hái được nhiều thành công trong 2 năm qua, nhưng U23 Việt Nam cần phải chấp nhận nó. Và đây chỉ là thất bại ở một giải đấu, tan vỡ một giấc mơ mà thôi, phía trước các cầu thủ vẫn là bầu trời, bóng đá Việt Nam vẫn còn những mục tiêu cao hơn, xa hơn nữa.

Ở khía cạnh nào đó, việc dừng bướcbước tại VCK U23 châu Á 2020 giúp chúng ta biết mình ở đâu để từ đó tiếp tục đầu tư cho công tác đào tạo trẻ, cung cấp những nguồn nhân lực chất lượng thường xuyên, liên tục cho ĐTQG để vươn tới giấc mơ World Cup./.