Ngày 27/11, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến được trả chuyển tiền cho doanh nghiệp, giữ lại toàn bộ diện tích sân vận động Chi Lăng đã bán cho Tập đoàn Thiên Thanh.
Theo UBND TP. Đà Nẵng, chính quyền và nhân dân TP.Đà Nẵng có nguyện vọng được giữ lại toàn bộ diện tích đất sân vận động Chi Lăng thông qua thi hành án bằng cách tự nguyện, thỏa thuận với các bên được thi hành án.
Đây không đơn thuần là địa điểm phục vụ các hoạt động thể thao mà còn là nơi có ý nghĩa lịch sử và văn hóa quan trọng của người dân thành phố Đà Nẵng. Cử tri thành phố Đà Nẵng đã nhiều lần kiến nghị giữ lại khu đất này để sử dụng vào mục đích công cộng.
Sân Vận động Chi Lăng bỏ hoang từ nhiều năm nay. |
Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, TP.Đà Nẵng sẽ chuyển trả toàn bộ số tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách khi được giao khu đất này để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của người sử dụng đất có đất đang bị thế chấp. Số tiền thực tế thu nộp ngân sách khi giao quyền sử dụng đất là 1.251 tỷ đồng.
Trước đó vào năm 2010, thành phố Đà Nẵng giao khu đất sân vận động Chi Lăng cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh để xây dựng Khu phức hợp thương mại. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã tách thành 14 lô và được UBND thành phố khi đó cấp 10 Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 Công ty thành viên thế chấp để vay vốn tại các ngân hàng. Năm 2016, Phạm Công Danh bị Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử và tuyên án.
Hiện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (chủ nợ của Tập đoàn Thiên Thanh) đều là ngân hàng 100% vốn Nhà nước. Do đó, UBND TP.Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xem xét kiến nghị của UBND TP.Đà Nẵng, cho phép thành phố thỏa thuận với các ngân hàng này nhằm thực hiện thay nghĩa vụ thi hành án của người sử dụng đất, đồng thời thu hồi lại các khu đất tại sân vận động Chi Lăng.
Sau khi Phạm Công Danh, Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh bị Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên án, Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh đã ủy thác cho Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng thi hành quyết định của bản án.
Tuy nhiên, việc kê biên phát mãi để thi hành án còn gặp nhiều khó khăn phức tạp. Tại buổi làm việc mới đây với Đoàn Kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết: "Về vụ án Phạm Công Danh, với ủy quyền của Tòa án và Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh thì vừa rồi Đà Nẵng đã họp. Nội dung mà thực hiện thi hành án vụ án này đã xin ý kiến cả Ban Thường vụ Thành ủy chứ không chỉ dừng lại ở UBND Thành phố.
Hiện nay chúng tôi cũng đã có những văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh để báo cáo những khó khăn vướng mắc cũng như đề xuất của TP Đà Nẵng".
Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, sân vận động Chi Lăng được chia thành 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Tất cả đều được cấp thời hạn sử dụng lâu dài.
Theo Luật Đất đai năm 2003, khu phức hợp sân vận động Chi Lăng thuộc diện đất sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, chỉ được cấp đất có thời hạn. Việc cấp 10 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất là vi phạm pháp luật đất đai về thời hạn sử dụng đất. Có 4 lô đất thuộc giai đoạn 2 chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng.
Liên quan đến vụ mua bán sân vận động Chi Lăng, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng vừa kỷ luật 2 cán bộ thuộc Văn phòng UBND thành phố và Công ty Quản lý và Khai thác đất TP.Đà Nẵng./.
Chùm ảnh: Khi “hung thần” Gaston Merlo trở lại Chi Lăng