1."Cuối cùng, các bạn là phóng viên ở lĩnh vực nào?" - Đó là câu hỏi, pha giữa ngạc nhiên và tò mò, của một giám sát viên FIFA dành cho các PV Việt Nam tác nghiệp tại... World Cup U20, tổ chức hồi tháng 6/2017 tại Hàn Quốc.

Câu hỏi này lần nữa được một giám sát viên AFC đặt ra, vẫn dành cho các PV Việt Nam đang tác nghiệp tại Trung Quốc, khi chứng kiến cánh PV nhoay nhoáy "lột xác", chơi trò "tắc kè hoa" bên ngoài sân đấu và trong phòng họp báo.

Số là, một PV Việt Nam khi tác nghiệp tại VCK U23 châu Á phải cùng lúc làm nhiệm vụ của một phóng viên ghi hình, thu âm (quay video, ghi âm đội U23 Việt Nam tập luyện, họp báo), chụp ảnh và viết bài.

Lý do? "Hiện nay, điều kiện kinh tế ngày càng khó khăn, các công ty truyền thông cũng buộc phải cắt giảm ngân sách, siết chặt kế hoạch công tác nước ngoài, bởi vậy, dù giải U23 châu Á có đội Hàn Quốc tham dự, nhưng PV Hàn Quốc đi theo đưa tin không nhiều", anh Lee, một giám sát viên AFC tại giải U23 châu Á, người Hàn Quốc, cho biết.

26910872_2101875909828719_6266795522900245339_o_vsta.jpg
Các PV Việt Nam tác nghiệp tại VCK U23 châu Á. (Ảnh: Nhật Đoàn)

Đây cũng là tình cảnh tương tự đối với truyền thông Việt Nam. Trong khi chỉ có 2 PV viết, người Hàn Quốc, tháp tùng đội bóng ở Trung Quốc, truyền thông Việt Nam có tới 8 PV, gồm đủ lĩnh vực từ truyền hình, phát thanh, báo giấy đến điện tử, thậm chí livestream phục vụ NHM.

Tuy nhiên, các PV phải chật vật xoay sở để đáp ứng yêu cầu tin bài từ nhiệm vụ đa truyền thông của tờ báo.

Ngay sau khi rời nút bấm quay video trên máy điện thoại, anh chàng PV Việt Nam lập tức nâng ống kính, tanh tách bấm máy, ghi lại những hình ảnh tuyển U23 Việt Nam tập luyện, trước khi đi vào trong phòng Media vội vã gõ máy tính, loay hoay crop hình, tranh thủ gửi hình, bài về tòa soạn, để rồi sau đó vội vã ra khu vực Mixed Zone để chọn chỗ đứng ghi hình, chụp ảnh, ghi âm HLV, cầu thủ trả lời phỏng vấn.

Khổ nỗi, các giám sát viên AFC ngày càng chặt chẽ trong việc kiểm tra chức năng làm việc, phát huy tối đa quyền giám sát, bảo vệ bản quyền truyền hình, hình ảnh của giải đấu.

PV ảnh được đứng chụp trong khu Photographer, không được lên khu khán đài hay phòng họp báo; PV viết không được chụp ảnh, quay video; PV truyền hình không có bản quyền không được ghi hình trận đấu và phải đứng ghi hình tại vị trí quy định của BTC... Và tuyệt đối không được livestream các buổi họp báo!

Bởi vậy, không phải lúc nào cánh PV Việt Nam cũng có thể tự do, thoải mái tác nghiệp. Và nỗi ám ảnh bị giám sát viên thu thẻ vì tác nghiệp đa chức năng luôn đeo bám họ cho tới ngày cuối cùng kết thúc giải đấu.

2.Không chỉ các cầu thủ chạy trên sân đấu chịu sự hành hạ của khí hậu rét buốt, các PV cũng bị giày vò bởi điều kiện thời tiết lạnh từ 2-4 độ vào ban ngày và xuống từ -2 đến -6 độ C về đêm.

Với những tình huống tác nghiệp bên ngoài sân, chỉ sau 3 phút bấm máy, gõ bàn phím, hai bàn tay của người PV đã tê cứng, ửng đỏ, mất cảm giác.

Để chống lại cơn rét, buốt tại Côn Sơn hay Thường Thục, cánh PV Việt Nam thường phải mặc trên người từ 4-5 áo giữ nhiệt, áo khoác các loại, 2-3 quần dài, 2 mũ len lồng vào nhau, 2 đôi tất và 1 khăn quàng cổ - với tiêu chí: "càng ít hở, càng tốt!".

Khốn nỗi, khi trận đấu kết thúc và đến phòng họp báo hay phòng Media để làm việc, họ lại phải chịu sự ngột ngạt, nóng bức, ẩm ướt mồ hôi. Lý do? BTC bật điều hòa nóng để sưởi ấm gian phòng.

Và trong điều kiện bản thân mặc 5 chiếc áo, 3 chiếc quần dài, 2 mũ len, 1 khăn quàng cổ... các anh chàng PV Việt Nam có thể chết ngạt với số "vũ khí" trang bị từ chân đến... răng này.

3.Bởi sự thúc bách từ tòa soạn, nỗi ám ảnh chạy đua... thời gian lên tin, bài, nhu cầu... xin tin, bài, ảnh, video từ một số bạn đồng nghiệp trong nước, cánh PV Việt Nam luôn phải "vắt chân lên cổ" tác nghiệp sau mỗi buổi tập, trận đấu của U23 Việt Nam.

Với tình trạng, đội được bố trí tập vào lúc 21h30 (tức 20h30 theo giờ Việt Nam), hay thi đấu vào lúc 19h30 (tức 18h30, giờ Việt Nam), các PV Việt Nam sẽ chỉ có thể kết thúc... phần đầu buổi làm việc của mình vào khoảng nửa đêm, với cái bụng sôi ùng ục, do ăn trưa từ lúc 12h.

Bắt được taxi về chỗ nghỉ ở vào thời điểm đó đã là một thách thức, việc tìm được quán ăn mở cửa vào thời điểm đó cũng là một nỗi gian truân. Tệ hơn, tìm được quán mở cửa, nhưng quán không bán cơm, chỉ có mỳ, hay không phục vụ những món ăn hợp khẩu vị người Việt, đó còn là nỗi buồn không cất nên lời với anh em phóng viên.

Không ít lần chán ngán với món mỳ nhạt, không hợp miệng, cánh PV Việt Nam chỉ còn biết ngậm ngùi trở về phòng, đun nước sôi và xử lý món "phao cứu sinh" truyền thống - mỳ tôm./.