Thông tin Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đăng tuyển trợ lý ngôn ngữ mới cho HLV Park Hang Seo vừa được công bố rộng rãi. Đây là lần thứ ba trong gần nửa năm qua, VFF phải thông báo tuyển nhân sự cho vị trí quan trọng này.
Ông Lê Huy Khoa - cựu trợ lý ngôn ngữ từng gắn bó với HLV Park Hang Seo ở giải U23 châu Á cũng như ASIAD 2018, đồng thời khẳng định sẽ hỗ trợ cho trợ lý ngôn ngữ sắp tới của thầy Park nếu được yêu cầu.
Cựu trợ lý Lê Huy Khoa và HLV Park Hang Seo. |
PV: Anh có suy nghĩ gì khi hay tin VFF tuyển trợ lý ngôn ngữ mới cho HLV Park Hang Seo?
Tôi có nghe thông tin này qua báo chí. Tôi nghĩ trợ lý ngôn ngữ cho HLV Park Hang Seo là công việc quan trọng vì ông Park không nói được tiếng Anh hay tiếng Việt. Ông ấy cũng là người rất cẩn thận khi phát ngôn, tiếp xúc với báo chí và người ngoài. Nghề này khá đặc thù, vì thế VFF tuyển chọn cẩn thận cũng đúng thôi.
PV: HLV Park Hang Seo thay đổi khá nhiều trợ lý ngôn ngữ trong một năm qua, tại sao lại thế?
Tôi không nhớ rõ lắm, riêng trợ lý ngôn ngữ tiếng Hàn thì hình như đợt này là lần tuyển thứ ba. Trợ lý ngôn ngữ đúng là cũng hơi khó, vì người biết tiếng Hàn mà nam giới thì ít hơn nữ giới, tiêu chí này đã loại bỏ đi 2/3 ứng viên. Những người giỏi tiếng Hàn thì họ đều đã có công việc ổn định, trong khi nghề bóng đá thì có thể... bị sa thải cả thầy lẫn trò không biết khi nào.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải am hiểu bóng đá và từ ngữ về bóng đá. Bạn không thể dịch tốt nếu không yêu thích bóng đá, hiểu tình hình bóng đá, hiểu khái niệm việt vị là gì, bóng hai là gì,... Trong khi đặc thù nghề dịch bóng đá là phải dịch thật cặn kẽ, chi tiết thì mới tạo được hiệu ứng và tạo được thú vị: ví dụ như ngoặt bóng, đổ người, bắt chân thuận của cầu thủ đối phương, dịch tiếng Anh thì những cái này khó dịch. Tôi cũng mất thời gian khá dài mới thích ứng và hiểu hết công việc của mình cần phải làm.
Ông Lê Huy Khoa truyền đạt ý tưởng của HLV Park Hang Seo trên sân tập. |
PV: Là người gắn bó lâu nhất với HLV Park Hang Seo, lại được ông ấy tin tưởng, anh có thể nói cho mọi người biết công việc trợ lý ngôn ngữ gồm những gì và khó khăn gì?
Khi tập trung đội tuyển thì tôi sẽ ăn ở cùng toàn đội, sinh hoạt chung. Chúng tôi thường bắt đầu công việc vào 7h30 sáng và kết thúc vào 19h tối hàng ngày.
Công việc của tôi là dịch và dịch. Tôi dịch trên sân tập, trên sân đấu, họp trong sinh hoạt hằng ngày, dịch khi họp, tóm lại là có sự tiếp xúc giữa người Việt Nam và người Hàn Quốc thì tôi dịch, ngoài ra còn các chương trình họp báo, gặp gỡ, giao lưu... Thường thì dưới thời HLV Park Hang Seo, các cuộc họp diễn ra thường xuyên. Ăn sáng xong họp, ăn trưa xong họp, ăn tối xong họp, nhiều khi ăn cơm cũng trao đổi rất nhiều, nói thật là ăn không ngon bữa. Sau này, ông Park thấy thế có nói tôi nên ăn trước để ăn xong thì dịch.
So với công việc dịch ở văn phòng thì dịch cho đội tuyển nhiều hơn về khối lượng, phải hò hét nhiều hơn, di chuyển nhiều hơn, vất vả hơn. Đặc biệt là làm việc với ông Park thì phải hết sức chỉn chu, cẩn thận, vì ông ấy rất kỹ tính.
PV:Vậy còn thu nhập và hợp đồng, đây có phải là nguyên nhân khiến VFF khó tuyển trợ lý ngôn ngữ?
Thu nhập thì theo chế độ nhà nước thôi. Thưởng thắng trận thì được xếp loại D trong bốn loại ABCD, thắng trận thì có thưởng. Thực ra thưởng cũng tốt, thu nhập cũng tốt so với nghề dịch đấy. Nếu yêu bóng đá và có thu nhập vậy thì đây là nơi làm việc có nhiều cái hay mặc dù áp lực.
Tôi gắn bó với HLV Park Hang Seo từ ngày đầu tiên ông ấy sang Việt Nam, nhưng ngay từ ban đầu, tôi cũng chỉ là giải pháp tình thế. VFF muốn tuyển người toàn thời gian ở cạnh ông ấy thường xuyên, nhưng chưa tuyển được nên tôi làm cho đến khi liên đoàn tuyển được người thì nghỉ, chúng tôi đã thống nhất như thế.
PV: Trở lại câu chuyện của anh, tại sao anh lại xin nghỉ ngay trước thềm AFF Cup 2018, có phải vì áp lực công việc hay quyển sách như mọi người đồn đoán?
Như tôi đã nói, tôi và VFF, bản chất công việc là hợp đồng theo đợt, thi đấu bảy ngày thì hợp đồng bảy ngày, làm theo đợt thôi, làm ngày nào ăn ngày đó. Hợp đồng chỉ là ngắn hạn vì tôi cũng bận và họ tìm chưa ra người. Vì thế nếu VFF tuyển được người khác thì họ có thể không tuyển dụng tôi nữa, hoặc tôi có việc thì tôi không làm nữa. Chẳng ai sa thải ai cả.
Tôi đã có ý định nghỉ từ trước đó rất lâu, chứ không phải từ tháng 10. Tôi rất bận vì đang làm công tác giảng dạy, lại ở TP.HCM, ông Park thì lại ở Hà Nội. Tôi không muốn vì tôi mà gây bất tiện cho VFF và cả ba HLV người Hàn Quốc, vì nếu có một phiên dịch toàn thời gian thì VFF có thể tận dụng hết kiến thức, chuyên môn, kinh nghiệm ban huấn luyện người Hàn Quốc, chứ không thì rất phí. Nhưng do chưa tìm được người nên cố gắng cứ làm đợt này đến đợt khác.
Trước khi AFF Cup 2018 khai mạc, có người của VFF cũng có gọi cho tôi, nói đề nghị tôi tham gia giải đấu này. Tôi nói vẫn sẵn sàng nếu các anh cũng không tìm được người. Nhưng sau đó thì chẳng thấy họ nói gì nữa, Họ tuyển được người thì tôi thôi, chứ không có chuyện gì to tát.
Còn quyển sách, thực ra tôi đã gửi bản thảo trước cho VFF để xin phép và nhờ họ kiểm duyệt nội dung. Sách ra tháng 6, tháng 10 tôi mới nghỉ, trong bốn tháng chẳng ai nói sách là bí mật hay gì đó cả. Ai đọc sách rồi đều biết chẳng có bí mật nào trong đó cả. Đội thi đấu tháng 1, tháng 6 ra sách, chuyện kể lại quá khứ thì có lẽ không phải là bí mật hay tiết lộ gì. VFF hay HLV Park Hang Seo cũng đâu có trách tôi gì đâu.
Còn với quyển sách, tôi muốn ghi chép lại những kinh nghiệm, cảm nhận để làm kỷ niệm, sau này các HLV Hàn Quốc về rồi thì bóng đá Việt Nam có tư liệu học hỏi.
Tôi chỉ là tác giả, người bán sách là nhà xuất bản, tôi chỉ được hưởng 8-10% giá bìa, nếu bán được 3000 quyển thì tôi được khoảng 20 triệu, không đủ để tặng bạn bè chứ nói gì kiếm tiền, tiền bán được cũng đi làm từ thiện.
Tôi không nghèo đến mức thế. Một hai ngày dịch bình thường của tôi cũng đã bằng tiền viết một quyển sách.
PV: Anh có ý định quay trở lai đội tuyển, và có sẵn sàng giới thiệu những trợ lý ngôn ngữ khác?
Quan hệ giữa tôi và VFF vẫn bình thường, với ông Park hay các anh trong ban huấn luyện và cầu thủ cũng tốt. VFF cũng hết lòng vì công việc và sự nghiệp bóng đá và hỗ trợ chúng tôi rất nhiều.
Quay trở lại đội tuyển thì có lẽ không, trừ khi có lý do đặc biệt. Nhưng tôi sẵn sàng truyền đạt những kiến thức, tài liệu, từ vựng chuyên ngành, đặc tính công việc, tính cách của từng thành viên ban huấn luyện và kinh nghiệm của mình cho người kế tiếp để người tiếp theo có thể thích ứng nhanh nhất với công việc. Tôi muốn thấy bóng đá Việt Nam phát triển, vì tôi là người hâm mộ.
"Trợ lý ngôn ngữ vào đội tuyển thường là kẻ ngoại đạo, không hiểu đời sống bóng đá, vì thế khó thích ứng. Bóng đá vất vả và áp lực, muốn theo được phải có niềm đam mê và tình yêu với bóng đá thật lớn.
Tuy nhiên, những người làm bóng đá còn hạnh phúc hơn rất nhiều những người chơi các môn thể thao khác vì được nhiều người quan tâm. Chỉ có điều, bóng đá cũng lắm thị phi, kể cả trợ lý, nếu chiến thắng được thì làm, còn không thì có lẽ không nên theo" - ông Lê Huy Khoa chia sẻ./.
Thể thao 24h: Trợ lý ngôn ngữ tiết lộ cách làm việc của thầy Park
Thể thao 24h: VFF tìm “cánh tay phải” cho HLV Park Hang Seo