Hủy bỏ EURO 2016 là đầu hàng khủng bố

Đây là thông điệp đầy cứng rắn mà nước chủ nhà Pháp gửi tới lục địa già khi cương quyết không hủy bỏ giải đấu lớn nhất châu Âu diễn ra vào mùa hè sang năm. Không những vậy, Liên đoàn bóng đá Pháp còn khẳng định ĐTQG của họ vẫn sẽ tới Wembley để thi đấu giao hữu với ĐT Anh vào rạng sáng ngày 18/11 tới (giờ Việt Nam), thay vì hủy bỏ như kế hoạch vì những e ngại về an ninh.

Chắc chắn tất cả những CĐV có mặt ở sân vận động Wembley huyền thoại hôm đó sẽ dành 1 phút để tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong vụ khủng bố đẫm máu cách đây 3 ngày như một trong những nghĩa cử nhân văn cao quý nhất trước trận đấu.

Thế nhưng, cách mà người Pháp đối mặt với đau thương và mất mát thực sự khiến mọi người phải nể phục. Vượt lên những đau thương, mất mát khi hàng trăm người thiệt mạng và bị thương sau những vụ đánh bom tự sát và xả súng kinh hoàng ở các khu vực công cộng quanh Stade de France ở thủ đô Paris hoa lệ, nước Pháp vẫn thể hiện thái độ dứt khoát không thỏa hiệp với chủ nghĩa khủng bố với những cách thể hiện đậm chất lãng mạn và tràn ngập tình yêu của xứ sở lục lăng.

Clip người đàn ông chơi đàn trước cửa nhà hát Bataclan ít giờ sau vụ khủng bố "Đêm thứ 6" ở thủ đô Paris

Thông điệp từ bóng đá

Khi bình minh ló rạng sau đêm kinh hoàng 13/11, người ta thấy có người thanh niên thản nhiên ngồi chơi đàn piano trước cửa rạp hát Bataclan, một trong những địa điểm hứng chịu nhiều tổn thất nhất về người và của sau vụ khủng bố.

Bất chấp khung cảnh tang thương, chết chóc xung quanh, người đó vẫn say mê chơi bài “Imagine” của cố nhạc sĩ huyền thoại John Lennon trước vô vàn ánh mắt ngưỡng mộ và đồng cảm, sẻ chia của mọi người xung quanh. Người đàn ông vô danh đó, cũng giống như biết bao con người Paris khác, đang cho thấy sức sống mạnh mẽ cũng như vẻ lãng mạn đặc trưng của đất nước mình ngay nơi phế tích, còn in đậm dấu vết của những thế lực hung tàn.

Các CĐV dù rất lo sợ những vẫn không hoảng loạn, xếp hàng rời Stade de France. (Ảnh: Reuters).

Trước đó, ngay trong đêm, tất cả các CĐV Paris, trong tâm trạng lo lắng tột độ khi từ Stade de France trở về nhà trong đêm khủng bố đẫm máu, vẫn bình thản đi trong đường hầm tới tàu điện ngầm. Không hề chen lấn, giẫm đạp trong hoảng loạn, người Pháp bình thản hát vang quốc ca của họ và nắm tay nhau lên tàu.

Ngay trong lúc trận đấu diễn ra, rất nhiều người có mặt ở Stade de France khi đó đã nắm được thông tin về vụ khủng bố ngay ngoài sân vận động bởi ngay cả các đài truyền hình đang tường thuật trực tiếp trận giao hữu giữa hai đội tuyển Pháp – Đức, đã cắt ngang để đưa tin khẩn cấp. Thế nhưng, tất cả vẫn xếp hàng và tập trung xuống mặt sân theo yêu cầu và khuyến cáo của lực lượng chức năng và tất cả cùng cầu nguyện.

Nước Pháp muốn thông qua bóng đá để gửi gắm thông điệp đầy cứng rắn mà cũng hết sức nhân văn của mình trong cuộc chiến chống khủng bố. (Ảnh: Adidas).

Các CĐV bóng đá nước Pháp khẳng định vẫn sẽ sang Anh để cổ vũ cho đội nhà nếu trận giao hữu Anh – Pháp sắp tới không bị hủy bỏ. Người dân Pháp hiểu rằng giờ không phải lúc sợ hãi và họ muốn qua bóng đá truyền tải thông điệp đầy cương quyết của mình, không bao giờ đầu hàng trong cuộc chiến chống khủng bố./.