B.Bình Dương lập kỷ lục với 3 chức vô địch
Bốn vòng đấu đầu tiên, B.Bình Dương chỉ giành được vỏn vẹn có 1 điểm. Khi ấy, những kẻ ác mồm còn dự đoán đội bóng đất Thủ Dầu là ứng viên… xuống hạng. Không ai có thể ngờ rằng Bình Dương sẽ lên ngôi vô địch vào cuối mùa giải, với một khởi đầu tệ hại như vậy.
Sự hồi sinh của B.Bình Dương khởi đầu từ HLV Lê Thụy Hải. Ngay khi ông Hải “lơ” trở lại nắm quyền, đội bóng đất Thủ Dầu đã liên tiếp có những chiến thắng.
Bên cạnh tài năng của HLV Lê Thụy Hải, không thể phủ nhận sự đầu tư mạnh tay của lãnh đạo Bình Dương. Mùa giải này, đội chủ sân Gò Đậu đã vô địch về khoản mua sắm, với 18 cái tên mới trong đội hình. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các đội bóng khác phải gồng mình để duy trì hoạt động thì Bình Dương đang chứng tỏ bản lĩnh của một “đại gia” tại V-League.
Nhức nhối bạo lực sân cỏ
Mùa giải năm nay, số lượng những pha phạm lỗi dẫn đến chấn thương nặng có dấu hiệu gia tăng. Hậu vệ Trần Đình Đồng (SLNA) cũng lập kỉ lục án phạt tại V-League, sau pha đạp bóng làm gãy chân Nguyễn Anh Hùng (An Giang).
Bên cạnh đó là vụ ẩu đả trên sân Lạch Tray, dẫn đến các án phạt của Văn Nam, Samson… rồi Đinh Văn Ta đạp bóng khiến Danny David gãy xương sườn; vụ CĐV quây trọng tài ở sân Long Xuyên… Tất cả đã tạo nên một bức tranh nhuốm màu bạo lực của V-League 2014.
Tuy nhiên, theo thống kê của VPF thì số lượng thẻ đỏ của V-League 2014 lại giảm so với năm 2013. Mùa giải này, các trọng tài chỉ rút ra 32 thẻ đỏ, 636 thẻ vàng so với 40 thẻ đỏ, 611 thẻ vàng của mùa trước.
15 cầu thủ bị khởi tố
Một “kỉ lục buồn” khác của V-League 2014 đó là số lượng cầu thủ bị khởi tố. Trong đó, có 9 cầu thủ thuộc V.Ninh Bình và 6 cầu thủ Đồng Nai bị khởi tố vì bán độ. Những vụ việc nói trên không chỉ làm mất uy tín của giải V-League mà còn khiến người hâm mộ giảm sút niềm tin vào nền bóng đá nước nhà.
Tuy vậy, đây cũng là một tín hiệu đáng mừng khi các lãnh đạo VFF, VPF đã chứng minh quyết tâm chống tiêu cực. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khẳng định sẽ không khoan nhượng với các cầu thủ bán độ và cho dù V-League “còn 6 đội cũng vẫn đá tiếp”.
Trưởng Ban tổ chức và trọng tài người Nhật
VFF và VPF đang nỗ lực tìm kiếm sự giúp đỡ từ Nhật Bản – một nền bóng đá phát triển nhất nhì châu Á. Điều này thể hiện rất rõ trong cơ cấu hiện nay của bóng đá Việt Nam: Trưởng giải người Nhật, HLV trưởng ĐTQG người Nhật và trọng tài cũng đang được “Nhật hóa”. Nói như cách của Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn: “Việt Nam có thể học tập theo mô hình phát triển của bóng đá Nhật Bản.”
Tác dụng của việc “Nhật hóa” thì về lâu về dài mới biết được. Nhưng chỉ nhìn vào những trận đấu có trọng tài người Nhật điều khiển thì có thể thấy phong cách chuyên nghiệp của họ. Những quyết định đều được đưa ra rất dứt khoát và cầu thủ ít có cơ hội để phàn nàn, kêu ca.
Bàn thắng tăng, khán giả giảm
Với tổng số 488 bàn thắng từ đầu mùa (trung bình 3,55 bàn/trận), V-League 2014 là mùa giải có nhiều pha lập công nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, tỉ lệ nghịch với gia tăng bàn thắng là sự giảm sút trên khán đài.
Theo thống kê của BTC, trung bình một trận của V-League 2014 có khoảng 7.067 khán giả đến tham dự. Đây là con số thấp hơn nhiều so với mức 9.231 khán giả/trận của V-League 2013. Lượng khán giả đến sân giảm sút phần nào phản ánh niềm tin đang dần cạn kiệt của người hâm mộ đối với nền bóng đá nước nhà./.