Ngày 24/2, 30 tuyển thủ được HLV Toshiya Miura triệu tập vào đội tuyển Olympic Quốc gia nhằm chuẩn bị tham dự Vòng loại U23 châu Á 2016.
Trong quá trình chuẩn bị, ĐT Olympic Việt Nam sẽ có ba trận đấu giao hữu, lần lượt gặp đội tuyển Olympic Indonesia vào ngày 9/3 tại SVĐ quốc gia Mỹ Đình, gặp tuyển U22 Uzbekistan vào ngày 14/3 tại sân vận động Thống Nhất và gặp tuyển Olympic Thái Lan tại Bangkok (Thái Lan) vào ngày 22/3.
Ở trận đầu tiên, bàn thắng duy nhất của Võ Huy Toàn giúp Olympic Việt Nam vất vả vượt ải Olympic Indonesia. 5 ngày sau trên sân Thống Nhất, Olympic Việt Nam hòa U22 Uzbekistan không bàn thắng. Kết thúc những trận đấu tại Việt Nam, đội tuyển sẽ đá trận giao hữu cuối cùng với Olympic Thái Lan.
Trước đó, các học trò của HLV Miura còn có 2 trận đấu tập với CLB Hà Nội – T&T trên sân Hàng Đẫy và giành kết quả thắng 3-1. Trong khi trận đấu dự kiến với Than Quảng Ninh (10/3) bị hủy bỏ vì lý do bảo đảm sức khỏe cho các tuyển thủ.
Ngày 22/3 tại Bangkok, Olympic Việt Nam nhận trận thua 1-3 toàn diện trước đại kình địch ĐNÁ. Cũng kể từ đây những lời chỉ trích về lối chơi lẫn phương pháp tập luyện bắt đầu hướng về chiến lược gia người Nhật cùng ekip trong BHL.
Trước thềm vòng loại U23 châu Á, Olympic Việt Nam đối diện với nhiều thách thức từ NHM lẫn dư luận trong nước. Tuy nhiên, HLV Toshiya Miura vẫn bảo vệ quan điểm huấn luyện và triết lý bóng đá của mình. Câu trả lời đanh thép nhất chính là 3 trận đấu vòng loại tại Malaysia. Một Olympic Việt Nam “lột xác” mạnh mẽ, hoàn thành đúng ý đồ đã vạch ra trước mỗi trận đấu.
Ngày 27/3, Olympic Việt Nam hạ Olympic Malaysia 2-1. Thế trận thận trọng trước đội chủ nhà được triển khai, Olympic Việt Nam khóa chặt mọi con đường đến khung thành. Suốt 90 phút, Olympic Malaysia hoàn toàn bế tắc, bàn thắng mở tỷ số đến với họ cũng phải nhờ sự “giúp đỡ” của thủ thành Hoài Anh.
Bị dẫn trước nhưng không hoảng, Olympic Việt Nam từ từ đưa đối thủ vào cái bẫy “gậy ông đập lưng ông”. Hai bàn thắng liên tiếp được ghi, đều in dấu giày Công Phượng. Sau chiến thắng trên, Olympic Việt Nam giành lợi thế lớn trong cuộc đua đến 5 xuất vé hạng nhì.
Ngày 29/3, đối đầu với Nhật Bản, một đối thủ quá mạnh có tầm cỡ thế giới, Olympic Việt Nam chọn giải pháp phòng ngự tổng lực. Mục tiêu đặt ra trước trận đấu từ hòa đến thua với ít bàn thua nhất có thể. Mọi tính toán của ông thầy người Nhất đúng gần như hoàn hảo: Olympic Việt Nam để thua Olympic Nhật Bản 0-2 và có khả năng tự định đoạt số phận ở lượt trận cuối.
Ngày 31/3, Olympic Việt Nam “hủy diệt” Olympic Macau 7-0. Trước một đối thủ nghiệp dư, tỷ số trên không đáng bàn nhưng quan trọng hơn, với hiệu số +6, Olympic Việt Nam chính thức giành vé đến Qatar 2016.
Tấm vé trên có sự giúp sức từ Olympic Nhật Bản đội bóng đánh bại Olympic Malaysia ở lượt cuối, cùng với tác động từ những trận đối đầu giữa 2 đội bóng nhất nhì ở 8 bảng đấu khác.
Có thể nói, từ những gì đã gặt hái được tại vòng loại U 23 Châu Á, có thể đánh giá Olympic Việt Nam đang mang trong mình sự thực dụng, khoa học và có tính toán cho từng trận đấu. Đây là dấu ấn rõ nét nhất mà chiến lược gia người Nhật đã và đang thực hiện.
Từ trước đến nay, bóng đá Việt Nam luôn đề cao sự đẹp mắt trong từng trận đấu nhưng khi chính những điều đó không mang lại hiệu quả, một đội bóng theo phong cách hiện đại cần được xây dựng và ủng hộ./.