1. Đối với các đội tuyển trung bình yếu tại World Cup, vượt qua vòng bảng có thể xem như một chiến công. Đặc biệt, trong bối cảnh các đội bóng châu Á như Ả Rập Xê Út, Hàn Quốc, Iran hay Australia phải sớm rời giải, việc là một trong hai đại diện của bảng H có mặt tại vòng 1/8 đã là kỳ tích với Nhật Bản.
Tuy nhiên, một câu chuyện kỳ lạ đã xảy ra. Dù giúp Nhật Bản lách cửa hẹp để vượt qua vòng bảng, HLV Akira Nishino lại phải đăng đàn... xin lỗi cổ động viên. Nhật Bản đã đá ma với Ba Lan ở trận đấu cuối nhằm bảo toàn kết quả... thua 0-1 để kiếm vé đi tiếp nhờ hơn Senegal ở chỉ số fair-play. Đó là lý do khiến nhiều khán giả phẫn nộ, dẫu trong bóng đá, thực hiện những tiểu xảo (không trái luật) để đạt được kết quả là chuyện hết sức bình thường.
Nhưng với người Nhật, danh dự và phẩm cách đôi khi quan trọng hơn kết quả cuối cùng. Trên sân Volgograd Arena hôm ấy, những tiếng la ó không xuất phát từ khán giả trung lập, mà nó đến từ chính cổ động viên Nhật Bản - những người đáng lẽ phải vui sau khi đội nhà có vé đi tiếp đầy kịch tính. Người Nhật không vui, bởi cách mà Makoto Hasebe cùng các đồng đội đi tiếp mang nghĩa "kịch" nhiều hơn là "tính".
Đêm qua, ở Rostov Arena, Nhật Bản đã chiến đấu với tinh thần, ý chí, danh dự và niềm tin sắt thép ấy. Đội bóng của HLV Nishino đã chơi hay, để rồi thất bại vì tôn chỉ tấn công trong những phút cuối cùng.
2. Công bằng mà nói, Nhật Bản mới là đội xứng đáng có mặt ở tứ kết chứ không phải Bỉ. Đứng trước đối thủ mạnh hơn trên mọi phương diện, lại sở hữu dàn sao được cả thế giới ngưỡng vọng, Nhật Bản đã không lựa chọn lối chơi cố thủ như cách Nga đối phó với Tây Ban Nha.
Thay vào đó, đội bóng của HLV Nishino phòng thủ đầy chủ động bằng cách đọc tình huống và bình tĩnh triển khai bóng từ hàng hậu vệ - điều mà ngay cả Bỉ cũng không làm được trong trận này.
Thay vì nhắm mắt phá bừa, Nhật Bản đá phòng ngự bằng cách dàn xếp cấu trúc đội hình với sự kín kẽ và hợp lý đến từng vị trí trên sân.
Tuyến hai của Bỉ bị khóa chặt, cả Eden Hazard và Kevin de Bruyne đều tỏ ra vô hại, trong khi Romelu Lukaku đơn độc trên hàng tấn công. Cho đến trước khi bị thủng lưới, 8 cơ hội mà Bỉ tạo ra đều đến từ những nỗ lực cá nhân - thống kê cho thấy Nhật Bản đã chơi khoa học thế nào.
Trong khi Bỉ chơi rời rạc và bị cắt vụn tuyến giữa, Nhật Bản lại lên bóng rất chủ động với niềm cảm hứng Shinji Kagawa. Cả hai bàn thắng của đội bóng áo xanh đều đến hợp lý với cú sút chéo góc của Genki Haraguchi cùng pha dứt điểm thần sầu của Takashi Inui.
Cách Nhật Bản khống chế hoàn toàn người Bỉ cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng của thầy trò HLV Nishino trước trận đấu này, bất chấp đối thủ là ứng viên sáng giá cho chức vô địch.
Dẫu vậy, khi có được hai bàn dẫn trước, Nhật Bản đã không làm giảm nhịp độ trận đấu. Kagawa cùng các đồng đội tiếp tục tràn lên, để rồi khi nhận một, hai bàn thua từ những tình huống không chiến của Bỉ, Nhật Bản vẫn không dừng lại. Khi đội nhà thất thế hoàn toàn, HLV Nishino quyết định tung một... cầu thủ tấn công vào sân, đó là Keisuke Honda.
Từ đầu đến cuối, Nhật Bản không có ý định phòng thủ để bảo vệ lợi thế. Đội quân áo xanh tiến lên phía trước với niềm tin chiến thắng. Trên thực tế, Nhật Bản đã có thể thắng nếu Honda không bỏ lỡ hai cơ hội, một từ pha thoát xuống cực nhanh ở hành lang trái, và một với cú sút phạt khó chịu bị thủ thành Thibaut Courtois cản phá.
Ở tình huống phạt góc cuối cùng, thay vì làm chậm nhịp độ để đưa trận đấu vào hiệp phụ, Nhật Bản lại đẩy cao đội hình để chơi "năm ăn năm thua", trước khi trả giá đắt với pha phản công thần tốc được thực hiện sau bốn lần chạm bóng của Bỉ.
Một cái kết nghiệt ngã. Lần đầu tiên ở World Cup năm nay, và có lẽ là lần hiếm hoi trong lịch sử, khán giả được chứng kiến một đội "cửa dưới" dồn lên tấn công trước ứng viên vô địch dù đang nắm trong tay lợi thế.
Nhật Bản không lép vế như Hàn Quốc, Iran, không phòng thủ triệt để như Nga và chẳng mang ý chí bất khuất như Iceland. Thua đối thủ về sức vóc, thể hình, nhưng về tư duy chiến thuật, Nhật Bản đã vượt trội Bỉ trong trận đấu này.
Đội bóng của HLV Nishino ngây thơ, tự tin hay ngạo mạn, điều đó tùy người xem nhận định, nhưng có một điều chắc chắn: Nhật Bản chỉ buồn, chứ không ân hận. Đội bóng áo xanh đã trung thành "đến chết" với tôn chỉ tấn công và rời giải trong thế ngẩng cao đầu. Nhật Bản thà chấp nhận chơi rủi ro, còn hơn để "bi kịch Ba Lan" lặp lại một lần nữa.
3. Trên khán đài Rostov Arena, lá cờ Nhật Bản in hình Kagawa cùng dòng chữ "Brave" (Can đảm) vẫn tung bay trong gió. Người Nhật không tự xem mình là nhà vô địch. Trong dòng người mang màu cờ đỏ - trắng đổ về Rostov, không một ai hô vang hai tiếng "vô địch". Tất cả những gì người Nhật hướng đến chỉ là dòng chữ "can đảm" ngắn gọn viết trên quốc kỳ. Trong bóng đá, đôi khi kết quả chỉ là mối quan tâm thứ yếu.
Người Nhật yêu mến đội tuyển bởi thứ bóng đá can đảm, dù đôi khi, sự can đảm ấy trở thành điểm yếu trong môi trường bóng đá đầy toan tính và thực dụng.
Nước mắt của Nhật Bản khác với nước mắt của Hàn Quốc. Một bên là nuối tiếc cho những nỗ lực muộn màng, còn một bên, là nỗi đau vô hạn cho những cố gắng không được đền đáp. Trong trường hợp này, kẻ chơi hay hơn đã không phải kẻ chiến thắng.
"Khi Nhật Bản dẫn trước 2-0, tôi không muốn thay đổi gì cả. Tôi muốn toàn đội ghi thêm những bàn thắng, mà thực tế là Nhật Bản đã có rất nhiều cơ hội. Chúng tôi muốn kiểm soát bóng và kiểm soát trận đấu này.
Khi được hưởng quả phạt góc, chúng tôi muốn lập công để định đoạt tỉ số. Tất nhiên, các cầu thủ đủ sức đưa trận đấu vào hiệp phụ, nhưng không ngờ Bỉ lại có đường phản công nhanh như vậy. Chỉ sau vài giây, họ đã ghi bàn thắng quyết định".
Những phát biểu cuối cùng của HLV Nishino ở World Cup 2018. Nhật Bản đã bị loại, song tinh thần thượng võ của những samurai áo xanh sẽ còn được nhớ đến rất lâu. Một "đức tin" vĩ đại, nhưng với đối thủ lọc lõi như Bỉ, nó thật khờ dại làm sao!./.