Gary Lineker từng có phát ngôn được liệt vào hàng kinh điển: "Bóng đá là cuộc chơi của 22 người cùng 1 quả bóng, nhưng kẻ chiến thắng sau cùng luôn là người Đức". Câu nói ấy ra đời ở thời điểm tuyển Đức trở thành nỗi kinh hoàng với bóng đá Anh, và rõ ràng Lineker không hề quá lời. Nhiều lần bại trận trước Đức, Lineker hiểu được ý chí của đối thủ bền bỉ và đáng sợ ra sao.

Bóng đá Đức khi trầm khi bổng, song tinh thần Đức đã trở thành một thứ thương hiệu khiến các đối thủ luôn phải e dè khi chạm trán. Ngay cả khi Đức hiện tại của HLV Joachim Loew không còn mang dáng hình của "Cỗ xe tăng" lì lợm, sắt thép ngày nào, tinh thần Đức vẫn luôn tiềm ẩn và chỉ được bung tỏa trong hoàn cảnh khó khăn.

083017-1.jpg
Đức có màn lội ngược dòng ấn tượng trước Thụy Điển. (Ảnh: Getty)
Cái cách người Đức chinh phục World Cup 2014 gợi nhớ đến hình ảnh của một kẻ hủy diệt. Toni Kroos cùng các đồng đội không gặp nhiều khó khăn để vượt qua vòng bảng, trong đó có trận thắng tưng bừng 4-0 trước Bồ Đào Nha. Bước vào vòng knock-out, Đức gặp đôi chút khó khăn trước Algeria và Pháp, trước khi "ủi phẳng" Brazil với tỉ số cứ ngỡ như thuở hồng hoang của bóng đá, để rồi đánh bại nốt Argentina để bước lên đỉnh cao thế giới.

Có lẽ vì Đức vô địch hơi... dễ, nên tinh thần Đức lập tức bị nghi ngờ khi "Cỗ xe tăng" gặp trục trặc ngay ở trận ra quân trước Mexico. Sở dĩ Đức không thể hiện được tinh thần trước nghịch cảnh, bởi hiếm khi đội bóng của Loew bị đối thủ đẩy vào nghịch cảnh.

Họ quá mạnh, đến mức cựu danh thủ Thomas Hitzlsperger phải lên tiếng cảnh báo đội bóng không được tự mãn. Thất bại 0-1 trước Mexico là cú sốc lớn, nhưng Tây Ban Nha cũng từng thua trận mở màn trước Thụy Sĩ và thắng liền một mạch 6 trận sau đó để vô địch.

Người Đức lo lắng, bởi đội bóng của họ đã từ bỏ lối chơi xù xì, thô ráp và cứng rắn trước kia. Biểu tượng của Đức không phải một Michel Ballack "thét ra lửa" hay mang dáng dấp "hoàng đế" như Lothar Matthaus năm nào. Những cầu thủ kiệt xuất của Đức hiện tại là Toni Kroos - cái tên bị chỉ trích trong trận đấu trước là... lười va chạm, hay Mesut Ozil - cầu thủ bị chính Matthaus phê phán là "không có niềm vui, không có cố gắng".

Thế hệ hiện tại của Đức nhiều "công tử bột" hơn là chiến binh như các bậc tiền bối, với lối chơi duy mỹ hơn là khoa học, kỷ luật trước kia. Nhưng "công tử bột" không có nghĩa là yếu ớt, hay cái đẹp không đồng nhất với sự mong manh. Ở Sochi rạng sáng qua, Đức vẫn đẹp nhưng không dễ vỡ, và dàn "công tử bột" bị báo chí dè bỉu kia đã thi đấu với ý chí của những chiến thần.

Thời điểm Đức để Thụy Điển bất ngờ vượt lên dẫn trước, nhiều người đã nghĩ đến bi kịch của "Cỗ xe tăng". 4 nhà vô địch World Cup gần nhất đều chơi rất tệ ở kỳ tiếp theo. Pháp (vô địch năm 1998) bị loại ở vòng bảng World Cup 2002, không ghi nổi bàn thắng nào. Brazil (2002) bị loại ở tứ kết World Cup 2006 trước Pháp. Italia (2006) dừng bước ở vòng bảng World Cup 2010 với bộ mặt sầu não, còn Tây Ban Nha (2010) cũng sớm chia tay giải và có trận thua muối mặt 1-5 trước Hà Lan ở World Cup 2014.

Nhưng người Đức đã không rơi vào cái bẫy của lịch sử. Đức không phải "đội bóng một người" như Pháp 2002 (gục ngã khi không có Zinedine Zidane), không hời hợt và thiếu sức chiến đấu như Brazil 2006, và "Cỗ xe tăng" đủ tỉnh táo để không ngủ quên trên chiến thắng như Italia hay Tây Ban Nha. 80 năm qua, Đức không bị loại ở vòng bảng World Cup. Con số không chỉ minh chứng cho sức mạnh, mà còn thể hiện khát khao và bản lĩnh của người Đức được bảo tồn qua từng thế hệ.

Nhìn vào kết quả trận đấu với bàn thắng phút 90+5 của Kroos, nhiều người sẽ lầm tưởng Đức là "chân mệnh thiên tử", bị đẩy vào đường cùng mà... kiểu gì cũng có cách sống. Không phải. Số phận đã bạc đãi người Đức không dưới 4 lần trong trận đấu rạng sáng nay. Sebastian Rudy đổ máu ròng ròng, Jerome Boateng nhận thẻ đỏ, Mario Gomez đệm bóng lên trời ở khoảng cách 3m, còn Julian Brandt sút bóng đập cột dọc. Đức rất kém may mắn trước Thụy Điển, song đội bóng của Loew quyết không để vận rủi đánh gục.

Ở phút 90+5, Toni Kroos giúp ĐT Đức thắng nghẹt thở 2-1 trước Thuỵ Điển. (Ảnh: Getty)
Càng bị đẩy vào nghịch cảnh, Đức càng phản kháng mạnh mẽ, cứ như một chiếc lò xo. Rudy rời sân, Đức vẫn duy trì sức ép để tìm kiếm bàn thắng gỡ hòa. Boateng bị đuổi, Đức thậm chí còn tấn công mạnh mẽ hơn để tìm kiếm niềm vui vỡ òa phút cuối. Sự căng thẳng lộ rõ trên khuôn mặt người Đức ngay trước thềm trận đấu này, nhưng các cầu thủ tuyệt nhiên không cho thấy sự nao núng trong lối chơi và cách áp đặt thế trận. Cách chơi của Đức không thay đổi sau khi thủng lưới hay khi mất người. Những đường đan bóng được thực hiện bình tĩnh, chính xác, và bàn thắng từ cú sút phạt của Kroos chỉ là hệ quả tất yếu.

Đứng trước sức ép ngàn cân mà vẫn nhẹ nhàng vung chân để vẽ nên cầu vồng ở Sochi, điều đó chỉ có thể xuất phát từ bản lĩnh. "Chất Đức" chưa hề bị mai một, có điều là không nhiều đội tuyển đủ mạnh để Đức phải bộc lộ ý chí quật cường ấy. Thụy Điển là đội bóng hiếm hoi "được" nếm trải tinh thần của người Đức. May mắn thay, và cũng nghiệt ngã thay.

"Nhiều người trong số chúng tôi từng trải qua nhiều trận cầu lớn, nên Đức luôn giữ được sự bình tĩnh trên sân dù rơi vào tình thế ngặt nghèo, vì chúng tôi biết mình có thể đánh bại mọi đối thủ. Chúng tôi có kinh nghiệm trong nhiều hoàn cảnh, bởi vậy chẳng có gì phải nôn nóng hay lo lắng cả". Kroos từng nói thế, và tinh thần Đức cũng chân phương, giản đơn như thế.

Vài phút sau màn ăn mừng, HLV Loew sẽ lại "sạc" cho các cầu thủ một trận trong phòng thay đồ, không khác nhiều so với những cuộc họp chiến thuật căng thẳng sau trận thua Mexico. Đức còn rất nhiều việc phải làm với những lỗ hổng trong lối chơi (mà Thụy Điển chưa đủ trình độ khai thác) và "cửa" đi tiếp chưa hề rõ ràng. Nhưng có sao đâu, thắng thì cứ phải vui. Đến Neymar còn đổ lệ sau bàn thắng ghi được vào lưới Costa Rica, người Đức chẳng tội gì mà không ăn mừng.

Bởi xem bóng đá, có mấy khi được thưởng thức một trận đấu kịch tính và giàu cảm xúc đến vậy?./.